Sau khi phá bỏ diện tích trồng cà phê, nông dân Tây Nguyên bắt đầu một cuộc thử nghiệm với nhiều loại cây trồng khác nhau. Nhưng trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, trong khi hầu hết các loại cây trồng đều không tránh khỏi điệp khúc kinh niên “được mùa, mất giá”…
Tây Nguyên có diện tích đất rộng hơn 6 triệu ha gồm các loại đất thích hợp để phát triển cây công nghiệp như cà phê, điều, tiêu, cao su, ca cao và các loại đậu đỗ… có thể trở thành một vùng nông nghiệp chuyên canh cây xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, ngoài lợi thế đất đai rộng lớn, màu mỡ thì còn cần nhiều yếu tố quan trọng khác; một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất là cây giống.
Cà phê được xem là loại cây trồng chủ lực ở Tây Nguyên, với diện tích chiếm hơn 50% tổng diện tích cà phê cả nước. Tuy nhiên, trong năm qua khi cà phê, hạt tiêu, hạt điều… mất giá cộng thêm nạn dịch thối rễ khiến hàng loạt vườn tiêu chết dần thì người dân không còn mặn mà với các loại cây trồng mang tính “chủ lực” này nữa. Chính quyền địa phương cũng khuyến khích người nông dân mạnh dạn cắt giảm những diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất chuyển sang trồng các loại cây khác mang hiệu hiệu kinh tế cao hơn. Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong toàn khu vực đã phá bỏ hơn 50.000 ha cà phê kém hiệu quả để chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Thế nhưng trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn vẫn đang là “bài toán” khó đối với người dân, vì hầu hết các loại cây trồng đều không tránh khỏi điệp khúc kinh niên “ được mùa, mất giá”. Hơn thế nguồn giống cây trồng trên địa bàn vẫn khan hiếm và kém đa dạng nên người dân khó chọn cho mình một loại cây trồng thích hợp.
Cách đây không lâu, tại Hội chợ triển lãm phát triển nông- lâm nghiệp và thương mại được tổ chức tại Đăk Lăk với chủ đề “Phát triển nông- lâm nghiệp và thương mại”, Ban tổ chức hội chợ đã vận động được nhiều cơ sở sản xuất giống cây ăn trái từ các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ như Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Long An… và nhiều loại giống cây trồng đặc sản như: sầu riêng cơm vàng hạt lép, mít múi đỏ, xoài cao sản, vú sữa Lò Rèn, ổi không hạt, chanh giấy không hạt, măng cụt, mận… mang đến hội chợ. Đây là những giống cây ăn trái nổi tiếng từ lâu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nghe có bán giống cây ăn trái từ hội chợ, nông dân từ các tỉnh trong khu vực và các huyện trong tỉnh kéo lên tham quan mua về trồng thử. Ban tổ chức hội chợ cho biết, mỗi ngày có trên 10.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm, tập trung đông nhất tại các quầy bán giống cây. Không chỉ có nông dân Đăk Lăk mà nhiều người từ các tỉnh như Gia Lai, Lâm Đồng, Đăk Nông… cũng tìm đến với hội chợ để tìm mua những cây giống mình cần về trồng.
Theo chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây ăn trái Ba Thới đến từ tỉnh Vĩnh Long và Tấn Hiền đến từ tỉnh Bến Tre thì Tây Nguyên là một thị trường tiêu thụ các loại giống cây trồng rất lớn, có bao nhiều bán cũng không đủ”. Vì đây là lần đầu tiên mang giống cây trồng lên giới thiệu tại Tây Nguyên nên họ không mang đi nhiều, mỗi cơ sở chỉ mang khoảng trên 15 ngàn cây trồng các loại. Tuy nhiên, chỉ trong mấy ngày đầu tiên của hội chợ họ đã bán hết và phải tiếp tục chở thêm giống cây lên bán. Bên cạnh việc bán lẻ thì một số cơ sở còn ký được nhiều hợp đồng cung ứng giống cây trồng cho nhiều công ty, nông trường với số lượng lớn.
Nhiều nông dân cho biết mùa mưa ở Tây Nguyên là mùa thích hợp để trồng cây, họ rất mong có thật nhiều hội chợ bán những giống cây trồng khác nhau để mua về trồng thử, nếu loại cây nào thích hợp, có thị trường tiêu thụ thì sẽ mua về trồng đại trà, thay thế cho những loại cây hiện đang gặp nhiều khó khăn về thị trường.
Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên cần tổ chức nhiều hội chợ về giống cây trồng, vật nuôi và huy động nhiều cơ sở sản xuất giống cây trồng trên địa bàn cũng như các khu vực khác cùng tham gia giới thiệu để người dân lựa chọn cho mình một loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất giàu tiềm năng này.
. Theo báo Đăk Nông |