Bình "ét vi xi"
15:12', 31/7/ 2006 (GMT+7)

“Sọ dừa là thứ vứt đi/Mà sao Bình ét-vi-xi đổi đời”, ấy là đôi dòng ứng khẩu của anh bạn văn Nguyễn Lạc Đạo tặng ông Phạm Hồng Bình (thường gọi là Bình SVC, nhân vật mà tôi sẽ nói đến sau đây). Quả thật, từ hai bàn tay trắng, Bình SVC đã “liều mình” mở doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng mỹ nghệ từ gáo dừa.

 

Ông Phạm Hồng Bình (trái) và con trai bên Chiếc bình kỷ lục Huyền sử đời Hùng.

 

1.

Doanh nghiệp Mỹ nghệ dừa Bình SVC (TP Tuy Hòa, Phú Yên) chưa giàu “nức đố đổ vách” nhưng tiếng tăm thì đã nổi như cồn, nhất là khi sở hữu kỷ lục Chiếc Bình Bằng Gáo Dừa Lớn Nhất Việt Nam mang tên Huyền sử đời Hùng, báo chí liên tục có tin bài về sản phẩm và những ý tưởng kinh doanh độc đáo, bất ngờ của Doanh nghiệp Bình SVC.

Kế hoạch tháng 8.2006, Bình SVC tiếp tục công bố kỷ lục thứ 2 Chiếc đèn bàn lớn nhất Việt Nam cũng từ chất liệu gáo dừa quê mình, tác phẩm mang tên “Nguồn sáng Việt”. Và đã thiết kế, đăng ký kỷ lục thứ 3 là Tập thơ ghép bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam. Ông chủ của những ý tưởng này lại càng độc đáo, bất ngờ hơn với những ai tiếp xúc…

Gọi là Bình SVC, bởi xuất thân của ông làm nghề trồng cây kiểng và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh vật cảnh đầu tiên của tỉnh (bây giờ là Hội Sinh vật cảnh Phú Yên). Bốn mươi tuổi, ông nghỉ làm Nhà nước, về nhà mở phòng tối và đi chụp ảnh dạo; nghề này đã giúp ông cùng vợ nuôi con khôn lớn và cất được một ngôi nhà nho nhỏ tại 63 Lê Lợi-TP Tuy Hòa. Mỗi buổi sáng, ông thức dậy từ lúc 3 giờ ngồi lặng lẽ đến 5 giờ, mở nhạc liu riu để khỏi ảnh hưởng giấc ngủ cả nhà, rồi đọc sách, học ngoại ngữ, suy xét lại công việc, nghĩ đến những việc “làm những gì chưa ai làm, bán những gì chưa ai bán”... Đó cũng là phương châm kinh doanh và trong nhiều chuyện hành xử khác của ông.

2.

Tháng 2.2002, sau nhiều ngày tính toán, ông quyết định dốc túi gia đình và vay mượn bạn bè để mở doanh nghiệp chuyên trị gáo dừa, với tên chuyên môn khá dài dòng: sản xuất hàng mỹ nghệ – trang trí nội, ngoại thất – đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ. Từ xưởng sản xuất đến bán hàng đều gói gọn trong 2 tầng nhà chưa đầy 50 mét vuông; còn chức danh trong doanh nghiệp thì ông là chủ, con trai là Giám đốc kinh doanh, con gái là kế toán, vợ là… thủ quỹ; tất cả đều kiêm nhiệm… công nhân; quy mô chỉ vậy, không hơn không kém! Mặt tiền ngôi nhà hẹp lép, chiều ngang chưa đủ 4 mét bắt đầu có… cái biển hiệu mới cùng một số mặt hàng tranh ghép - bình cắm hoa - đèn trang trí bằng dừa là lạ, hay hay lần lượt xuất hiện.

Một số người tò mò đến xem rồi đa phần bỏ đi! Đây cũng không là điều lạ với đất Phú Yên khi phần lớn là nông dân, sức mua yếu, nhiều doanh nghiệp mở ra cũng chỉ tà tà cho có chuyện qua ngày; nhất là khi sản phẩm của ông lại là… mỹ nghệ; người ta lo ăn cho đủ đã mệt rồi, lấy đâu tiền để mà nghĩ đến… nội, ngoại thất! Bình SVC lại ngồi suy nghĩ. Lục tìm từ sách báo đến internet, ông nghiệm ra rằng là do sản phẩm của mình chưa có tiếng và ông nung nấu quyết tâm tìm ra “tiếng”, mà không phải chỉ vang trong nội bộ tỉnh…

Trước những bức xúc quảng bá thương hiệu từ một tỉnh nhỏ, ông rút ra một động thái: “Các doanh nghiệp mỹ nghệ miền Trung không thể mãi mang tiếng chuyên đi làm gia công, khó khăn về tiêu thụ, mà phải được biết đến như là nơi cũng không kém cạnh về chuyện sáng tác mẫu mã và thực hiện các ý tưởng…”. Nghĩ là làm, nhưng phải bắt đầu từ khâu đơn giản nhưng quan trọng nhất là phải có ý tưởng độc đáo, làm những gì chưa ai hoặc không ai nghĩ tới… Và để có thêm mặt bằng sản xuất và đào tạo công nhân, ông hợp tác với Trung tâm Dịch vụ việc làm công đoàn (LĐLĐ Phú Yên), Trường Dạy nghề (Sở LĐ-TBXH Phú Yên) tìm chỗ đặt xưởng sản xuất vừa đào tạo công nhân miễn phí, trong đó có nhiều trẻ em khuyết tật…

3.

Tháng 10.2003, Bình SVC bắt tay thực hiện chiếc bình hoa Huyền sử đời Hùng. Sau khi chọn từ trên 8 tấn gáo dừa thô, trước nay chỉ dùng để làm chất đốt ông cùng công nhân thì ngày 2.2.2005 đã được xác lập là bình kỷ lục Việt Nam (cao 3,62 m, đường kính 2,55 m, nặng 623 kg, ghép từ hơn 200.000 mẩu gáo dừa 1,5x1,5 cm) ). Cuối năm 2005, trong cuộc vận động “Vì người nghèo Phú Yên” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Cheng, một doanh nhân Đài Loan đã mua chiếc bình kỷ lục này (với giá 500 triệu đồng) sau đó tặng cho UBND TP Hồ Chí Minh và chính quyền thành phố quyết định sẽ đặt tác phẩm này ở Bảo tàng lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh. Do chiếc bình quá lớn và nặng nên phương án vận chuyển bằng đường bộ từ Tuy Hòa-TP Hồ Chí Minh phải được tính toán hết sức kỹ lưỡng, hoàn tất công tác bàn giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam TP Hồ Chí Minh trong tháng 7.2006. Cũng chính với công nghệ gáo dừa 1,5x1,5 cm, Doanh nghiệp Bình SVC đã sản xuất nhiều mặt hàng mỹ nghệ, gia dụng độc đáo gây được sự chú ý với khách hàng trong và ngoài nước...

 

Chao (trái) và thân đèn (phải) “Nguồn sáng Việt” tại xưởng sản xuất trên đường Trường Chinh-TP Tuy Hòa.

 

Tháng 2.2005, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN đặt hàng thực hiện chiếc bình hoa “Bắc-Trung-Nam” (cao 2,7 m, đường kính 1,5 m, nặng 300 kg, ghép từ 150.000 mẩu gáo dừa 1,5x1,5 cm) dùng để trang trí đại sảnh. Bình này đã hoàn thiện, chuyển an toàn bằng xe tải đến Hà Nội vào tháng 4.2005. Tháng 3.2005, bắt đầu đăng ký kỷ lục tương lại với Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) và khởi công Chiếc đèn bàn lớn nhất VN mang tên “Nguồn sáng Việt” (cao 6,2 m, đường kính 3 m, nặng 1,5 tấn, ghép từ trên 500.000 mẩu gáo dừa 1,5x1,5 cm và gáo dừa đập vỡ tự nhiên; chi phí thực hiện hơn 250 triệu đồng; do 15 nghệ nhân, trong đó có 4 nghệ nhân khuyết tật, thực hiện ròng rã 18 tháng); tác phẩm này hiện đã cơ bản hoàn thành, dự kiến công bố vào tháng 8.2006 và cũng sẽ tiến hành bán đấu giá để ủng hộ Quỹ Vì người nghèo Phú Yên.

Tháng 5.2005, thực hiện đại bình Non nước Phú Yên (cao 2,7 m) nhằm quảng bá cho những danh lam thắng cảnh của quê hương.Tháng 4.2005, thực hiện cặp bầu rượu “chúa” Quy Hậu tửu (cao 1,5 m) để lăng-xê cho một làng rượu gạo nổi tiếng nhất đồng bằng Tuy Hòa và đây cũng là một sản phẩm của Bình SVC tung ra thị trường trong thời gian tới, với nhiều mẫu bầu rượu lạ mắt, ruột bầu là gốm sứ – vỏ bầu là hoa văn gáo dừa. Cuối tháng 7.2006, gặp ông tại nhà riêng, Bình SVC đưa tôi xem bản thiết kế và hồ sơ đăng ký kỷ lục thứ 3 Tập thơ ghép bằng gáo dừa lớn nhất Việt Nam (cao 5 m, rộng 2 m, gồm 5 trang, chi phí 50 triệu đồng/trang), với việc khắc họa tác phẩm của những bạn thơ tâm đắc người Phú Yên. Bình SVC trầm ngâm: “Thôi, nhứt quá tam, đây sẽ là kỷ lục cuối cùng của tui, nhằm tôn vinh những tài thơ gần gũi với tui.  Làm “đồ to” mệt lắm…!”… Có lẽ gã muốn “gác kiếm” ngơi nghỉ?

Từ chỗ “tép riu”, trên 300 mẫu mã sản phẩm ít ai “rờ” tới, thương hiệu Bình SVC bây giờ đã được biết đến tận trời Tây, sáng tác mẫu không kịp làm theo nhu cầu hàng,... Đó là một thành công hiếm thấy trong giới doanh nghiệp trong thời gian ngắn, nhất là với đất Phú Yên - nơi còn khá lặng lẽ trên lĩnh vực kinh doanh. Từ việc tạo kỷ lục để quảng bá thương hiệu, giờ ông “chơi” kỷ lục như... trở bàn tay. Làm xong chiếc bình hoa lớn nhất, ông có ngay chiếc bình hoa bé nhất cùng y mẫu mã; ông còn đối chiếu tư liệu để chuẩn bị làm đám cưới cho con trai tại... sân vận động tỉnh, với chiếc băng-rôn “Chào mừng quý khách...” dài nhất VN; và tôi chẳng biết ông còn... nghĩ đến sản phẩm gì?

Nhiều người bảo ông ngông nhưng thật ra mọi việc ông làm đều suy xét rất khoa học, mục đích - hiệu quả mang lại rõ rệt; những ý tưởng mới lạ, “khai sơn phá thạch” có thể làm mọi người xung quanh nghi ngờ hoặc bị xốc, âu cũng là lẽ thường. Ông chỉ là người say mê suy nghĩ và cố công thực hiện cho bằng được những điều đã nghĩ ra; nhiều khi chính ông cũng thấy “lạ cho mình” nhưng vẫn tin vào sự nhạy cảm và cả linh cảm của bản thân. Nhận xét về những việc làm của Bình SVC, ông Phan Đình Phùng- Phó giám đốc Sở Văn hóa-thông tin Phú Yên, nói: “Có thể nói trong điều kiện vốn ít, ở nơi còn khó khăn mà doanh nghiệp Bình SVC đã làm được những điều kỳ diệu, tựa như châu chấu đá xe. Những việc làm đầy chất văn hóa của doanh nghiệp này đã góp phần quảng bá hữu hiệu hình ảnh quê hương đất nước và nhất là sự sáng tạo, khéo léo của người Phú Yên, người Việt Nam…”.

Tôi hỏi Bình SVC: “Điều tâm đắc nhất?”. Ông tỉnh rụi: “Có được người vợ hiền, biết ủng hộ chồng và sinh được hai đứa con khỏe mạnh, thông minh”. Ông còn bật mí thêm: “Thằng Bảo (con đầu ông Bình- NV) học hành bài bản hơn tui, nó còn nhiều tìm tòi kỳ công và ý tưởng hiện đại hơn. Tui rất yên tâm giao việc và tính sắp tới sẽ chuyển toàn bộ doanh nghiệp này cho nó, tui đi “chơi” chuyện khác...”.

Chuyện khác của ông lại cũng... quành tráng, ấy là thành lập một công ty chuyên về sinh vật cảnh, đúng với “mối tình đầu” của ông. Doanh nghiệp này, theo ông, là vô cùng cần thiết trong tốc độ đô thị hóa hiện nay, trước hết là cho thành phố trẻ Tuy Hòa quê hương; bởi khi đã cứng tuổi và có chút thu nhập thì ai mà không khoái chơi hoa-cây-chim-thú-cá cảnh-non bộ, cùng với biết bao thế dáng, phong thủy trong trang trí nội-ngoại thất sinh thái hữu tình... Thế vẫn chưa hết, ông nói sẽ tiếp tục đào tạo người để giao luôn cái công ty sinh vật cảnh (dù mới nghĩ ra) để lang thang với cái máy ảnh để... chụp hình nghệ thuật- niềm đam mê thuở hàn vi vẫn đeo đẳng ông suốt mà chưa làm trọn do ông quá khắt khe trong chuyện nghệ thuật...

Ở ông, trước sau tôi nhận thấy cái khí chất nghệ sĩ vẫn luôn dồi dào hơn là một doanh nhân, dù doanh nghiệp Bình SVC giờ đã lừng danh, đơn đặt hàng tới tấp bay đến, làm không kịp trở tay. Tháng 7.2006, ông lại lu bu tuyển dụng thêm 100 lao động, trong đó ưu tiên cho người khuyết tật, trả lương ngay từ tháng học việc đầu tiên...

Tôi bảo ông tham nhưng ông tự luận: “Tham gì đâu, thích thì làm nên đâu mỏi mệt gì. Mà tui cũng đâu có suốt ngày nghĩ đến tiền, tui chỉ săn ý tưởng thôi!...”. Mà quả thật, nhiều lần tiếp xúc ông cùng với tham khảo nhiều người quen biết, tôi luôn thấy ông xuề xòa thoải mái, có thể ngồi hàng buổi với khách khứa, bạn bầu “thượng vàng hạ cám” nếu câu chuyện hay, chứ không hề tỏ ra vội vã, bận bịu; chỉ thỉnh thoảng nói vài câu qua điện thoại di động. Tuy nhiên, theo tôi biết, nhiều năm rồi ông có nhu cầu ngủ rất ít, bởi thế thời gian của ông... nhiều. Có người nói: “Tay này kỳ tài!”, đến tai, ông chỉ cười hề hề. Mọi chuyện với ông đều “vui là chính” nhưng hiệu quả thì thật... number one!

  • Đào Đức Tuấn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bùng nổ thị trường thương mại Đà Nẵng  (31/07/2006)
Tây Nguyên: Cần lắm những hội chợ về giống cây trồng  (28/07/2006)
Đắk Nông: GDP bình quân 14,3 triệu đồng/người vào năm 2010  (28/07/2006)
Khám phá thung lũng huyền thoại  (27/07/2006)
Lâm Đồng: Mở rộng vùng khai thác du lịch  (26/07/2006)
Hội mùa Tây Nguyên  (25/07/2006)
Lâm Đồng: Nhiều trường không kịp ngày khai giảng  (24/07/2006)
Khu kinh tế mở Chu Lai: Trên hành trình phát triển  (24/07/2006)
Rừng đặc dụng Tà Cú và tiềm năng du lịch sinh thái  (21/07/2006)
Gò Thì Thùng - dấu xưa còn đó  (21/07/2006)
Dấu ấn của Chủ tịch nước CHDCND Lào tại Việt Nam  (20/07/2006)
Bờ xe nước sông Trà  (20/07/2006)
Thành phố bên bờ sông Trà và cái đích đô thị loại II  (19/07/2006)
Làng chài Phú Nghĩa: Dòng đời dập dìu theo con nước  (19/07/2006)
Du lịch Ninh Thuận trên đường khởi sắc  (18/07/2006)