Quảng Nam: Đình làng xưa những số phận đáng lo ngại
11:5', 2/8/ 2006 (GMT+7)

Thật may mắn cho những ngôi đình, nhà thờ tộc đã được xếp hạng di tích quốc gia như đình Chiên Đàn (Phú Ninh-Quảng Nam) hay những hội quán miếu thờ đình chùa chung quanh đô thị cổ Hội An đang được chính quyền quan tầm bảo tồn. Nhưng cũng có nhiều kiến trúc cộng đồng này ở thôn xóm Quảng Nam đang bị hủy hoại dần do mưa nắng và cũng do con người tu bổ tùy tiện sử dụng vật liệu hiện đại đã bỏ mất nét truyền thống xưa…

Vùng đất Núi Thành trên cát dưới đá ong đã làm chúng tôi nhễ nhại mồ hôi khi quanh quẩn tìm ngôi nhà cổ trong thôn Vĩnh An, xã Tam Xuân 2. Thoáng qua bên trong kênh nước, tình cờ tôi bắt gặp mái cổ của một ngôi nhà ẩn dưới bóng cây si già. Đây là một ngôi đình nhỏ nhưng tuồng như đã bỏ hoang, mái trước ngói tuột lỗ toang hoác phơi trần những đòn tay, thanh rui. Đầu cột liên kết với kèo mộng vỡ có nguy cơ sập. Phần tường bao quanh nhà, vôi vữa long tróc, nứt gãy; cánh cửa gian giữa đã tháo dỡ, cánh cửa đầu chải hồi mộng bị mối ăn xiêu vẹo thảm hại…

Sau khi kéo thước đo vẽ, chúng tôi nhận ra đây là một kiến trúc tuy nhỏ nhưng vẫn còn nguyên kiểu truyền thống một gian hai chái. Những phần chạm khắc trên gỗ khá tinh xảo, chỉn chu, có lẽ đây là công trình khéo léo do người thợ mộc làng Văn Hà (Tam Thành, Phú Ninh) dựng nên. Phần kèo nóc xinh xắn với quả bí, kèm 2 bên lá quả chạm thủng ôm sát bụng kèo bên dưới là đế tôm cũng được chạm khắc kê trên một trính lận uốn cong 2 đầu ôm mộng khít khao vào 2 cột cái. Đặc biệt phần bao lâm (đố thành vọng) và liên ba (khuôn  bông) của gian thờ còn nguyên, giữ nét chạm thủng sắc sảo.

Theo ông Thái Quang An - thầy giáo đã về hưu thì “đây là nhà thờ tiền hiền chư phái tộc, thờ 28 họ tộc. Câu chữ Hán cẩn mảnh sành sứ còn rõ ở mặt tiền nhà: Mai, Nguyễn tiền hiền phổ cập nhị thập bát phái. Mai, Nguyễn là họ chính đã đầu tiên vào vùng đất này khai khẩn. Vào khoảng năm 1920, 28 tộc họ đã góp sức xây dựng nhà thờ này để tưởng  nhớ tộc họ khai canh. Lụt năm Thìn 1964 đã làm ngôi đình bị đổ và người trong làng cũng kịp thời tu bổ”.

Cụ Mai Ngọc Anh, 74 tuổi, thành viên ban vận động trùng tu nhà thờ tộc, rất xót xa khi hàng ngày thấy ngôi nhà của ông cha mình ngày càng xuống cấp. Cụ than thở rằng những lúc đi quyên góp thường gặp rất nhiều khó khăn. Những năm gần đây nhiều ngôi đình, nhà thờ tộc… đã bị hỏng có nguy cơ biến thành phê tích như đình Phú Trà (Tam Dân, Phú Ninh). May mắn như đình Hương Quế, thôn Hương Quế, Quế Phú, Quế Sơn (thờ Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi) đang được tu bổ bài bản; nhưng cũng có nhiều công trình kiến trúc đã được tu bổ nhưng đã bỏ đi những bộ vì kèo chạm khắc công phu thay vào đó là vật liệu bê tông (giả gỗ), nóc mái đắp, tô vẻ rồng phượng cầu thả, nền lát gạch men sặc sỡ, lòe loẹt.

Truyền thống tốt đẹp của người Việt là uống nước nhớ nguồn, cho nên trong không gian kiến trúc cũ ấy phải gìn giữ hay bảo lưu những vật liệu mang hơi hướng của người xưa. Một ai đã  nhận xét rất chí lý rằng ngôi nhà không phải đơn thuần chỉ mái nhà, thân nhà mà còn cái hồn, cái không gian ở trong đó. Vì thế, đối diện những công trình kiến trúc bị bỏ mặc hay “được” làm giả, tân tạo, đã khiến cho những người quan tâm đến giá trị văn hóa cổ truyền bức xúc.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lăng tẩm Huế - một thành tựu rực rỡ của nền kiến trúc cổ Việt Nam  (01/08/2006)
Bình "ét vi xi"  (31/07/2006)
Bùng nổ thị trường thương mại Đà Nẵng  (31/07/2006)
Tây Nguyên: Cần lắm những hội chợ về giống cây trồng  (28/07/2006)
Đắk Nông: GDP bình quân 14,3 triệu đồng/người vào năm 2010  (28/07/2006)
Khám phá thung lũng huyền thoại  (27/07/2006)
Lâm Đồng: Mở rộng vùng khai thác du lịch  (26/07/2006)
Hội mùa Tây Nguyên  (25/07/2006)
Lâm Đồng: Nhiều trường không kịp ngày khai giảng  (24/07/2006)
Khu kinh tế mở Chu Lai: Trên hành trình phát triển  (24/07/2006)
Rừng đặc dụng Tà Cú và tiềm năng du lịch sinh thái  (21/07/2006)
Gò Thì Thùng - dấu xưa còn đó  (21/07/2006)
Dấu ấn của Chủ tịch nước CHDCND Lào tại Việt Nam  (20/07/2006)
Bờ xe nước sông Trà  (20/07/2006)
Thành phố bên bờ sông Trà và cái đích đô thị loại II  (19/07/2006)