Để đưa làng nghề phát triển, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội thảo "Phát triển làng nghề" tập trung phân tích làm rõ những nhóm giải pháp chủ yếu xây dựng chiến lược phát triển làng nghề, tăng cường liên doanh liên kết giữa các làng nghề trên cơ sở tạo lập được hệ thống chính sách phù hợp.
Theo đó, UBND tỉnh sẽ chú trọng, tập trung vào làm tốt công tác qui hoạch vùng, xây dựng chiến lược phát triển làng nghề, xây dựng cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng thương hiệu, giải quyết đầu ra sản phẩm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho người lao động, tăng cường liên doanh liên kết giữa các làng nghề trên cơ sở tạo lập được hệ thống chính sách phù hợp.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 110 làng có nghề, trong đó có 36 làng nghề đạt tiêu chí theo Quyết định 70 của UBND tỉnh, được cấp bằng công nhận làng nghề, bao gồm: Mây tre đan, chế biến hải sản, mộc dân dụng và mỹ nghệ, chế biến bún bánh, ươm tơ kéo sợi, dệt thổ cẩm, đóng tàu thuyền.... giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động, tạo giá trị sản xuất hàng ngàn tỷ đồng.
Đồng thời, 36 làng nghề đã được công nhận giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10 ngàn 700 lao động, tổng giá trị sản xuất đạt gần 200 tỷ đồng, thu nhập ổn định. Tuy vậy vẫn còn tồn tại một số hạn chế về tốc độ phát triển làng nghề nhanh nhưng so với tiềm năng thì chưa tương xứng. Qui mô làng nghề còn nhỏ bé, thu nhập từ làng nghề chưa cao. Hàm lượng KHCN kết tinh trong sản phẩm làng nghề còn thấp. Thương hiệu sản phẩm chưa được chú ý, mẫu mã chậm đổi mới, chưa có sản phẩm xuất khẩu trực tiếp, thị trường đầu ra còn nhiều khó khăn...
. Theo website tỉnh Nghệ An
|