Ông Ích Khiêm (1829-1884), quê ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), là nhà thơ và võ tướng tài ba dưới thời Tự Đức, biệt hiệu là Mục Chi. Ông đỗ cử nhân trong khoa thi hương ở Bình Định. Tổ tiên ông vốn là người dân tộc miền núi xuống định cư làm ruộng ở miền xuôi. Cha ông là Ông Văn Điền. Vừa chăn trâu cắt cỏ, Ông Ích Khiêm vừa học, học thông minh và rất nghịch ngợm.
Năm 1846, sau khi đỗ cử nhân, ông được cử làm tri huyện Kim Thành, Hải Dương. Đất nước rối ren. Khi Pháp nổ súng vào Đà Nẵng năm 1858, ông được gọi ra cầm quân dưới tướng Nguyễn Tri Phương bảo vệ thành Đà Nẵng. Ông tỏ ra là một tướng tài đánh thắng nhiều trận. Ông Ích Khiêm được Tự Đức phong chức Kiên trung Nam, giao phó giữ cửa biển Thuận An khi giặc Pháp đánh vào cửa này để tấn công kinh thành Huế (7-1883).
Trong quân sự, Ông Ích Khiêm là người túc trí đa mưu, có tài thao lược, nắm vững binh thư chiến pháp, thương yêu quân sĩ, quân lệnh. Ông Ích Khiêm còn thích văn chương và làm thơ.
Ông Ích Khiêm mất ngày 19-7-1884 tại Bình Thuận. Con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài ông về quê và mai táng tại làng Phong Lệ. Đến năm Bảo Đại thứ 13 (1938) thi hài ông được cải táng về Gò Mô hiện nay. Lăng mộ Ông Ích Khiêm hiện tọa lạc tại nghĩa trang xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 10km về phía tây - nam.
Ngôi mộ ông được xây theo hình bát giác, có chiều dài từ cổng vào là 13,8m, chiều rộng 6,1m, tường bao xung quanh mộ cao 0,72m. Nấm mộ có chiều dài 4,75m, rộng 3,5m, cao 0,35m. Phía trước mộ có nhà bia, bên trong đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch, cao 0,83m, rộng 0,54m được trang trí hình rồng, phụng và hoa lá. Nội dung bia ghi:
Hoàng Triều - Hiển tổ Binh bộ tả thị lang, tấn phong Kiên trung Nam linh mộ.
Bảo Đại thập tam niên, tứ nguyệt, kiết nhật.
Nghĩa là:
Triều Nguyễn - ông cha chức là Tả thị lang Binh bộ, tước là Kiên trung Nam.
Năm Bảo Đại thứ 13, tháng 4 ngày tốt.
Lăng mộ danh nhân Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 12-7-2001.
Xin giới thiệu một số giai thoại về Ông Ích Khiêm.
Khẩu khí
Hồi nhỏ Ông Ích Khiêm học chữ nho với chú.
Đang học, có khách, ông được chú sai đi đun nước pha trà. Khách thử tài:
- Chú là sinh đồ, vịnh thử cái công việc nấu nước chè của chú xem nào?
Lúc đó, trong tay Ông Ích Khiêm đang nắm một nắm chè khô, bèn ứng khẩu ngay:
Giang sơn một nắm trong tay
Phần lo việc nước, phần hay nỗi trào!
Ông khách giật mình, thầm phục nói với Ông Văn Trị:
- Khẩu khí này tỏ rõ là một võ tướng hơn một văn quan.
Trong khoa thi hương trường Bình Định, ông chú thầy rớt, ông cháu trò đỗ cử nhân!
Một cách xem mặt vợ
Mười sáu tuổi, Ông Ích Khiêm đậu cử nhân.
Đang chuẩn bị nhận chức tri huyện thì "Cậu thiếu niên đăng khoa" như người ta thường gọi, được ông Tú Quyết họ Trương ở làng Châu Lâu, Điện Bàn nhắn gả con gái cho.
Vốn nghịch ngợm, ông tìm cách xem mặt vợ tương lai bèn lập mưu vào làng Châu Lâu, đột nhập vào vườn mía của ông Tú bẻ trộm, cố ý cho tuần phu làng bắt trói và dẫn về nhà ông Tú. Mọi người trong nhà đổ ra xem tên trộm mía, trong số đó dĩ nhiên có ý trung nhân mà ông khao khát muốn xem mặt.
Câu đối khóc mẹ và câu đối khóc vợ
Tính tình Ông Ích Khiêm khẳng khái, ghét nịnh bợ, không hề chịu lụy ai. Ông lại có một tâm hồn dạt dào tình cảm trong con người võ tướng mang tính cách khôi hài nhẹ nhàng kín đáo. Khi mẹ chết, ông đã khóc bằng đôi câu đối:
Mặc hiền thế thượng khiêm vô mẫn!
Khả hĩ tuyền đài phụ hữu thê.
(Đừng phiền trên đời này Khiêm không mẹ,
Hãy mừng dưới suối vàng cha có vợ)
Rồi khi vợ chết, ông lại khóc:
Đã chẳng phải chồng, sao đem gửi xương thịt cho đó?
Trời như có vợ, thử xem gan ruột mần răng?
Đánh giặc bằng trái mù u
Chuyện Ông Ích Khiêm đánh Pháp bằng trái mù u được lưu truyền lâu nay trong thiên hạ mà bất kể tập sách nào khi nhắc đến sự kiện Pháp đánh cửa Hàn (Đà Nẵng) năm Mậu Ngọ đểu có nhắc đến. Chuyện kể rằng: Biết quân Pháp mang giày đinh ống cao nên Ông Ích Khiêm đã sức nhân dân tây bắc Hòa Vang nhặt thật nhiều trái mù u, rải đầy các ngả đường chúng sẽ đi qua. Khi quân Pháp đến, ta vờ đánh rồi bỏ chạy, Pháp đuổi theo thì bị trượt ngã, ta quay lại chém giết. Trận đánh đó khiến quân Pháp sợ đến vỡ mật.
|