Di tích lịch sử chỉ huy sở tiền phương Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh 559 (Hương Đô - Hương Sơn - Hà Tĩnh) , Bộ Tư lệnh 500 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh có một vị trí và giá trị lịch sử hết sức to lớn. Đây là nơi đóng chỉ huy sở của các bộ tư lệnh QĐND Việt Nam nhiều thời kỳ nhất, an toàn nhất. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nơi đây được bảo vệ an toàn, tuyệt đối bí mật.
Tháng 8-1964, với sự kiện Vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân, chúng đánh phá ác liệt cả ngày và đêm hòng chia cắt con đường chi viện ra tiền tuyến. Trong những năm 1964 đến năm 1971, xã Hương Đô là nơi đóng quân sở chỉ huy an toàn nhất của các bộ tư lệnh quan trọng của Bộ Quốc phòng như Bộ Tư lệnh 559, 500. Lúc đó đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, Trung tướng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Chính ủy kiêm Tư lệnh tiền phương Tổng cục Hậu cần.
Hạ tuần tháng 6-1967, Bộ Tư lênh 559 kết hợp với tuyến Tổng cục Hậu cần tiền phương tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô 1966-1967 tại xã Hương Đô. Hội nghị này thường được gọi là hội nghị Hương Đô, nơi đặt sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 trong thời kỳ tập kết năm 1967.
Ngày 28-10-1968, Quân ủy Trung ương quyết định giao Quân khu 4 thành lập Bộ Tư lệnh 500 làm nhiệm vụ trung chuyển cho Đoàn 559 do Thiếu tướng Nguyễn Đôn- Phó Tổng tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh. Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy, Sở chỉ huy cùng nằm ở xã Hương Đô. Giữa năm 1970-1971, Đoàn 500 sáp nhập với Đoàn 559 phụ trách từ sông Lam, tỉnh Nghệ An đến Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. 2 năm đó, Hương Đô vẫn là hậu cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn...
Năm 2002, các CCB của bộ đội Trường Sơn năm xưa đã xây dựng một bia tưởng niệm dấu tích có diện tích mặt bằng 30m2 lát gạch, bia cao 1,67m, bề ngang rộng 1,2m, chất liệu bằng đá xanh Thanh Hóa, khắc sâu di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh, Sở chỉ huy Tổng cục hầu cần tiền phương 1966, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn 1966-1967, Sở chỉ huy Bộ đội Tư lệnh 500 năm 1968-1970, khắc sâu các tên tướng lĩnh chỉ huy lúc bấy giờ chứng minh sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược.
Việc bảo vệ, gìn giữ và tôn tạo di tích chỉ huy sở của các bộ tư lệnh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một việc làm có ý nghĩa hết sức to lớn cho công cuộc chiến đấu giành lại độc lập, những người của một thời “Xe chưa qua nhà không tiếc”, góp phần cho công cuộc chi viện chiến lược của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Hiện nay, di tích này được Nhà nước, Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi để nhân dân hành hương tìm về cội nguồn của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn anh hùng.
. Theo báo Hà Tĩnh
|