|
Đá Bia |
Chiều chiều mây phủ Đá Bia
Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng
Mất chồng như nậu mất trâu
Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm
Bi Sơn hay Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) là hòn núi ở dãy đèo Cả doi ra ngoài biển. Núi cao 706m, trên chóp có tảng đá rất lớn đứng sừng sững, cao chót vót, quanh năm mây mù che phủ. Đứng dưới chân tảng đá, phải ngửa người mới nhìn lên đỉnh. Dưới chân núi ba bề là biển cả mênh mông đến tận mây trời. Trong khoảng vô cùng ấy rải rác có đảo lớn nhỏ nhô lên tưởng như trôi bềnh bồng trên sóng nước. Vài đàn hải âu bay lượn giữa tầng không lẫn vào những đám mây, điểm xuyết vòm trời thơ mộng. Ta có cảm tưởng thoát ra ngoài vòng thế tục, lạc vào chốn doanh bồng.
Sách Đại Nam Nhất Thống địa dư chí có chép: Vua Lê Thánh Tông đánh đuổi Chiêm Thành đến núi Đại Lãnh, chạm chữ vào bia đá làm mốc giới. Nhưng sách Thủy Lục trình chí của ông Trần Công Hiến chép: Núi Đá Bia rải chân ra biển, có hòn đá lớn quay đầu về hướng đông như hình người vậy. Vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành về qua đây bùi ngùi than rằng: “Trời đất khai tịch đã cảnh thổ phân minh, kẻ kia nghịch ý trời nên bị thiên họa”. Nhân đó, ngài cho khắc chữ lên trên phiến đá.
Quyển Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn chép như sau: Đầu tháng tư, quân Nam chinh về tới Nghệ An. Tháng sáu, vua hạ chiếu lấy chữ đát mới của Chiêm làm Thừa Tuyên, Quảng Nam. Vua còn cho mài cái đỉnh núi cao nhất, ngoài bờ biển giáp địa giới nước Nam Ban (Phan Rang) làm thành cái bia định giới hạn, gọi núi ấy là núi Thạch Bi, nay là dãy núi giáp giới Phú Yên, Khánh Hòa, chạy dài xuống bể mũi Varella.
Như vậy việc khắc chữ ở núi Đá Bia đời Lê Thánh Tông là có nhưng không do chính nhà vua mà truyền cho quan trấn thủ Thừa Tuyên, Quảng Nam.
Đá Bia còn là nơi Mã Viện, tướng của nhà Hán trồng mấy cột đồng để phân ranh giới. Phía bắc là đất Nhật Nam thuộc nhà Hán, phía nam là đất của nước Tây Đồ Di. Tên núi lúc ấy là Đồng Trụ Sơn, đến đời vua Lê Thánh Tông khắc bia mới đổi là Thạch Bi Sơn. Việc trồng cột đồng có đến 7 sách Tàu chép, qua đó có thể tin là có thật.
Núi Đá Bia còn có tên Ngón Tay Chúa (Ledoigt de Dieu) vì theo các nhà hàng hải người Pháp, từ ngoài biển trông vào, hòn đá trên đỉnh giống hình ngón tay chỉ lên trời. Đó là căn cứ cho tàu chạy dọc biển, trước khi có hải đăng Mũi Điện do Varella xây dựng năm 1890.
Trước Thế chiến thứ II, có thầy Tiên người thôn Phú Nhiêu xã Hòa Mỹ lập am tu tiên trên sườn núi, chữa được bệnh hiểm nghèo. Nhiều đệ tử theo học đạo, có cả giới trí thức. Chính phủ lúc bấy giờ sợ lợi dụng tôn giáo để truyền bá tư tưởng mới nên buộc thầy Tiên phải trở về làng. Dân gian còn truyền tại núi Đá Bia có huyệt đế vương, vượng khí rất nhiều, có thể át cả Trung Quốc. Bởi thế, Cao Biền khi qua làm Tiết độ sứ đất Giao Châu đã yểm long huyệt các nơi. Khi đến Đá Bia thấy mạch tốt bèn giả vờ đánh rơi cái kiếm xuống hồ Hảo Sơn (Biển Hồ) để chặt đứt long mạch.
. Theo báo Phú Yên |