|
Khi thịt dông được biết tới, ưa chuộng trên cả nước, trở thành đặc sản thì nghề săn - nuôi dông lại trở thành nghề có thể nuôi cả gia đình. |
Đó là một nghề mới ở Ninh Thuận, nghề nuôi dông, loài bò sát, một thứ đặc sản “danh bất hư truyền” của những hoang mạc cát trắng. Nơi xứ sở bốn mùa dội nắng-Ninh Thuận, những hoang mạc cát trắng chạy dài tới chân trời được “trị vì” bởi dông, loài bò sát di chuyển nhanh, lẩn trốn lẹ và cũng là một lọai thực phẩm ngon!
Ngày xưa xới cát tìm dông
Nghề đào dông, bẫy dông từ lâu đã được lưu truyền trong các vùng dân cư sống gần các động cát lớn tại Ninh Thuận như Nam Cương, Thành Tín... Ban đầu, chỉ là bắt dông chơi, cho một bữa nhậu tại gia, hay bán xung quanh chòm xóm. Nhưng cách đây khoảng hơn chục năm, khi thịt dông được biết tới, ưa chuộng trên cả nước, trở thành đặc sản thì nghề săn dông lại trở thành nghề có thể nuôi cả gia đình.
Săn dông có nhiều cách. Ông Nguyễn Xuân Hải, ở Mỹ Phước-Phan Rang, một thợ săn dông kỳ cựu cho biết-có thể săn dông bằng cách mang ná lang thang trong vùng cát có nhiều dông và trổ tài thiện xạ; cũng có thể săn bằng cách đặt các bẫy thòng lọng trước cửa hang, bẫy sẽ thít chặt cổ dông khi chúng thò ra khỏi hang; thậm chí có người còn dùng lưới để đánh bắt. Nhưng phổ biến hơn cả là đào dông. Một nhóm người với xẻng và cuốc trên tay sau một ngày lang thang trong động cát tìm dấu dông đi, xác định cửa hang và đào có thể kiếm được cả chục ký thịt dông như chơi. Người đào dông phải đi có bạn vì hang dông thông thường sâu từ 3-5 mét so với bề mặt cát, cá biệt có những hang dông ăn luồn dưới mặt cát hàng chục mét. Khi người săn say mê đào, quên rằng nhiều mét khối cát trên đầu có thể đổ sập xuống chôn sống mình bất cứ lúc nào. Ông Hải cho biết chính ông cách đây 5 năm, khi nhìn thấy một hang dông lớn có khả năng bắt được nhiều, ông tức tốc đào mà quên be kỹ các bờ chắn, khi đã ở độ sâu 5 mét ông nhìn thấy cái đuôi dông đầu tiên ló ra thì cũng là lúc cát đổ xuống chôn ông tức thì. Khi bạn bè phát hiện, đào được ông lên thì ông đã bất tỉnh. Một tuần nằm viện chưa làm ông hoàn hồn sau cái khoảnh khắc trời đất tối sầm đó. Nhưng khi khỏe lại thì nỗi nhớ cát, nhớ những lần truy đuổi dông thú vị lại kéo bước chân ông vào hoang mạc cho cuộc săn mới. Ông Hải khoát tay bảo “sinh nghề tử nghiệp mà”, mắt ông trầm lại, chắc ông nhớ đến Bảo, Minh, Hà... những người thợ săn dông cùng thời với ông đã gặp chuyện không may trên những hoang mạc khô khốc.
Vài năm trước, khi giá dông còn ở mức 30.000 đồng- 40.000 đồng/kg, mỗi ngày các thợ săn tối thiểu cũng kiếm được gần 200.000 đồng. Nhưng dông cạn dần, số lượng dông lớn trên 300 gr hầu như không có, dù các thợ săn tài tình đến mấy. Giá dông tăng lên đến gần 100.000 đồng/kg nhưng không có bán, thợ săn đã nhanh tay hơn việc sinh đẻ của dông. Trong cái khó đã ló... cái liều. Ông Hải quyết định thử nuôi dông thử xem. Nhưng ông cũng không chắc thành công lắm, vì “chúng quá hoang dã. Tôi không nghĩ những động vật quen sống trong tự nhiên lại có thể nuôi đại trà được” - ông nói.
Những sa mạc trong nhà
Tận dụng khoảng trống sau vườn nhà, ông Hải đầu tư 850.000 đồng để xây một chuồng thử nghiệm nuôi dông với diện tích 30 m2. Vậy mà thành công, một số con giống được thả vào hố cát ông đào sẵn trong nhà sống tỉnh bơ, cũng đào hang như ở hoang mạc tự nhiên và ăn tất tần tật những thứ ông bỏ vào chuồng. Ông đánh liều thả nuôi 600 con dông giống được hơn ba tháng qua. Ông cho biết: “Mỗi ngày, chỉ cần mua 3.000 - 4.000 đồng rau quả phế thải ngoài chợ như cà chua ung, xà lách, rau muống... là đủ cho chúng ăn, cần thiết thì có thể trộn thêm cám”. Đặc biệt, chỉ cần cho dông ăn một lần trong ngày, vào khoảng 9 - 10 giờ sáng. Ông còn cho biết thêm, loài dông đẻ rất nhanh, từ khi mang trứng đến khi nở con chỉ khoảng 10 - 12 ngày, dông con ban đầu chỉ lớn bằng con thằn lằn.
Thừa thắng xông lên, các thợ săn dông ở Ninh Thuận mở rộng mô hình nuôi và phổ biến ra các nơi khác. Vùng động cát Mỹ Phước từng có tiếng với nghề bắt dông vì đây là địa bàn lý tưởng cho loài bò sát này sinh sống, và cũng không ít người đã phải “sinh nghề tử nghiệp” vì con dông. Hiện ở đây có 3 hộ đã xây chuồng nuôi dông. Chuồng dông được làm rất đơn giản: chỉ cần dùng táp-lô xây một vòng tường thành sâu xuống lòng đất từ 50 - 60 cm, phần tường ở trên cao 1 m, dưới đáy chuồng phải đổ một lớp xi măng dày khoảng 2 - 3 cm (để con dông không thể đào hang chui đi mất) nhưng phải bảo đảm nước rút nhanh khi chuồng bị ngập úng. Sau đó lấp một lớp cát dày từ 40 cm - 50 cm lên trên nền chuồng. Việc cuối cùng là gắn những miếng tôn nhỏ dọc theo thành chuồng để dông không leo ra ngoài. Nếu kỹ hơn nữa, người nuôi có thể phủ thêm tấm lưới nilon kín trên mặt chuồng. Vậy là đã có một chuồng nuôi dông hoàn chỉnh. Chuồng dông có thể chỉ rộng vài chục đến vài trăm mét vuông, tùy theo khả năng cũng như sự tính toán của người nuôi. Nguồn dông giống được mua lại từ những người bắt dông tự nhiên, hiện có bốn loài dông được đưa vào nuôi: dong rằn xám trắng và dông lửa tại địa phương, dông bột (gốc ở Vĩnh Hảo, Liên Hương - Bình Thuận) và dông đen (hay dong Thủy Triều - Cam Ranh); trung bình giá mỗi con dông giống khoảng 3.000 đồng.
Thôn Long Bình (xã An Hải) và thôn Bình Quý (thị trấn Phước Dân - Ninh Phước) cũng có vài chục hộ nuôi theo.
Ngoài gia đình ông Hải, còn có gia đình anh Trần Ngọc Hùng và anh Nguyễn Phúc Hậu ở thôn Mỹ Phước 2 cũng đầu tư nuôi dông với quy mô lớn hơn nhiều, với khoảng 3.500 con giống. Anh Hậu cho biết: “Sáng nào, tui cũng xịt nước làm mưa nhân tạo để tạo độ ẩm cho lớp cát và tập cho bầy dông thích nghi với việc lên ăn khi có trời mưa, vì xứ này mùa mưa thường kéo dài”. Bầy dông trong chuồng của anh Hậu đào hang sâu xuống cát từ 25 cm - 30 cm, mỗi hang tập trung hơn 10 con dông lớn, nhỏ; tính bình quân có 4 hang trong một mét vuông với số lượng gần 50 con. Loài dông lớn khá nhanh, từ khi dông mới đẻ cho đến lúc bán được chỉ cần nuôi 4 - 6 tháng. Nếu muốn xuất chuồng, con dông phải lớn hơn hai ngón tay, đạt 14 - 16 con/kg, dông lớn bằng ba ngón tay thì 12 - 15 con/kg. Anh Hậu dự tính sẽ cho xuất lứa đầu tiên vào tháng 10 âm lịch tới. Hiện nay, giá thịt dông trên thị trường dao động từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg tùy loại dông lớn hay nhỏ. Ước tính, hơn 3.000 con, chưa kể lượng dông mới được sinh ra, có thể mang về cho anh 24 - 27 triệu đồng. Đã có nhiều thương lái từ Nha Trang, Đà Lạt và TPHCM đến đặt vấn đề sẵn sàng thu mua toàn bộ số dông nuôi tại Mỹ Phước.
Bước đầu cho thấy, loài dông rất dễ nuôi, tỉ lệ sống của con giống lên đến 99 %, chi phí đầu tư không cao, ít tốn công chăm sóc, phù hợp với điều kiện của các hộ gia đình, đặc biệt ở những vùng đất cát. Tuy nhiên, có những khó khăn, như con dông giống hiện chỉ được lấy từ nguồn dông khai thác trong tự nhiên, phải thu mua gom góp nhiều lần mới có đủ số lượng nuôi. Về kỹ thuật nuôi, các hộ vẫn đang tự mày mò tìm hiểu là chính nên rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cái khó nữa là con dông được xem là đặc sản nhưng giá cả lại phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái với sự thu mua thất thường của họ. Thiết nghĩ, nghề nuôi dông thực sự có hiệu quả kinh tế, đặc biệt đối với vùng đất cát Minh Thuận, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Để bà con an tâm với nghề mới, đã đến lúc các nhà khoa học giúp dân bằng cách nghiên cứu toàn diện về loài dông, giúp dân hiểu biết quá trình sinh trưởng, đặc biệt là tìm cách cho dông đẻ nhân tạo, tạo nguồn giống...
Danh tiếng của mỗi địa phương thường gắn liền với một hoặc vài loại sản vật nào đó. Ninh Thuận đã có nho, nay nghề nuôi dông lại tạo ra một đặc sản mới, có tính bền vững cao. Ngồi cạnh những cơn gió bát ngát mà tu cốc rượu nho, nhấm miếng gỏi dông nghe kể những câu chuyện lang thang hoang mạc thì tuyệt vời biết bao...
. Theo NLĐO
|