Tế Hanh và Dung Quất
11:1', 30/8/ 2006 (GMT+7)

Còn nhớ, mùa hè năm 1996, nhà thơ Tế Hanh trở lại quê nhà - vạn Đông Yên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Chắc chắn ông không hề nghĩ rằng đó là chuyến trở về lần cuối với con sông quê hương - con sông đã đi vào thơ Tế Hanh như một dải lụa lung linh, làm mê đắm không biết bao nhiêu thế hệ những người yêu thơ. Cũng trong chuyến trở lại quê nhà lần ấy, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cùng nhóm làm phim có ghi một số hình ảnh về Tế Hanh, lúc nhà thơ đến thăm Sơn Mỹ, khi thì ra Dung Quất.

 

Khởi công xây dựng nhà máy lọc dầu ở KKT Dung Quất.

 

Dung Quất dạo ấy chỉ là một bãi cát dài. Còn nguyên trong ký ức tuổi thơ Tế Hanh về cánh đồng muối có tên Tuyết Diêm ở xã Bình Thuận: “Tôi theo cha tôi xuống vùng này, ông thì dạy học còn tôi thì đi … chơi. Biển thật xanh, muối thật trắng, cát thật vàng và con người nơi đây thật hiền hậu”. Đây là làng làm muối duy nhất ở vùng Dung Quất này. Lấy tên nghề và đặc điểm của muối nơi đây để đặt tên cho làng: Tuyết Diêm. “Hẳn là muối phải trắng như tuyết, bác nhỉ ?”. Tế Hanh cười khi nghe tôi gợi chuyện. Ông chậm rãi: “Trời xanh thế này, cát trắng bời bời thế này, muối không trắng như tuyết mới là chuyện lạ”. Rồi ông cười, nụ cười thật tinh khiết và lành như hạt muối quê ông. Từ làng của Tế Hanh đến làng muối Tuyết Diêm này được ông “đo” bằng câu thơ “cách biển nửa ngày sông”.

Không biết những ký ức tuổi thơ ngày ấy có ảnh hưởng gì đến những bài thơ sau này của Tế Hanh không mà thơ ông viết về làng mình da diết đến thế? Chắc chắn là có. Tôi cũng như bao người khác từng bị chinh phục bởi những câu thơ không hoa mỹ nhưng đầy ám ảnh này: “Làng tôi vốn làm nghề chài lưới/ Nước vây quanh cách biển nửa ngày sông”. Nghề nghiệp đã dẫn dụ tôi đi qua nhiều làng quê từng in đậm trong thơ của các thi sĩ, nhưng có lẽ câu thơ trên của Tế Hanh là những dòng chữ đã thức ngủ trong tôi không biết mấy thôi đường. “Cách biển nửa ngày sông” là nghĩa làm sao? Con sông Trà Bồng chảy ngang qua làng Tế Hanh trước khi nhập vào bao la của biển. Bắt nguồn từ những đỉnh núi cao thuộc hai huyện Trà My của Quảng Nam và Trà Bồng của Quảng Ngãi, con sông hung dữ quăng quật qua những ghềnh đá cheo leo vùng thượng nguồn, băng băng về vùng xuôi như vận động viên điền kinh chạy nước rút, thế rồi đột ngột dừng lại trước vạn Đông Yên của nhà thơ, mềm như dải lụa, thướt tha như tà áo dài.

Vùng đất này đã làm nên những bờ xôi ruộng mật. Tế Hanh đã lớn lên trong sự êm đềm của một vùng quê trù phú như thế. Làng của Tế Hanh có lẽ là lạ nhất trong những làng mà tôi từng đặt chân đến. Lạ không hẳn vì con sông Trà Bồng đột ngột dừng lại ghé thăm làng mà lạ ở chỗ, một làng chài làm nghề biển mà cách biển những… nửa ngày sông! Những ngư phủ của làng chài phải chèo đò cả một buổi đường mới ra đến cửa biển Sa Cần. Dĩ nhiên, đó là thời Tế Hanh còn bé, bây giờ thì chỉ vài chục phút ghe máy là đã nhập vào bao la của biển rồi. Lăng vạn Đông Yên - nơi diễn ra các cuộc tế lễ của làng, nơi thờ cá voi, mới đây đã được công nhận là di tích văn hóa. Cái “lạ” của làng đã làm nên những điều kỳ diệu của thơ ông. Được tưới tắm bằng những câu hò của một vùng quê mênh mang sông nước như thế, tâm hồn của thi sĩ không cao khiết sao được.

 

Nhà thơ Tế Hanh đang chữa bệnh tại nhà riêng ở Hà Nội. Ảnh: T.Đ

 

Có lẽ Tế Hanh đã trả xong món nợ với quê hương bằng những bài thơ bất hủ viết về dòng sông làng mình, song có một ám ảnh khác, chắc chắn nhà thơ chẳng thể nào trả được. Cũng trong đợt làm phim dạo ấy, ông nói với các đồng nghiệp đàn em: “Mình mong sao có đủ sức khỏe để trở lại vùng Tuyết Diêm này mà viết một trường ca về… Dung Quất!”.  Nghe ông nói xong những dự định của mình như thế, tôi nhìn một vòng quanh vịnh Dung Quất và chợt thấy se lòng khi dự án về một khu kinh tế trọng điểm miền Trung, có nhà máy lọc dầu to nhất nước, ấy vậy mà nó cũng chỉ là một bãi cát dài như 70 năm trước, lúc Tế Hanh còn là một “cậu bé chạy lon ton”.  Nên biết điều này: Lúc bấy giờ, nhà thơ của chúng ta hoàn toàn không nhìn thấy gì. Thế mà ông đã “thấy” cả một bình minh đang dần ló dạng. Còn tôi, một nhà báo, thị lực 10/10, vẫn không nhìn ra một Dung Quất sẽ bề thế trong tương lai.

Đã mười năm trôi qua, khát vọng của nhà thơ về bản trường ca cuối cùng của một đời thi sĩ ấy  đã không thành hiện thực, song Dung Quất trong tưởng tượng của Tế Hanh thì đã nên hình. Bình minh đang êm đềm ló dạng trên cánh đồng Tuyết Diêm khi hàng loạt các dự án đầu tư vào Dung Quất đã và đang được triển khai tại đây. Tôi cứ tiếc mãi, giá như các dự án ở Dung Quất và nhà máy lọc dầu được triển khai sớm hơn, chưa hẳn Tế Hanh đã viết được trường ca như ông ấp ủ, song chắc chắn ông sẽ “nhìn” thấy những hy vọng về một cuộc đổi đời ở quê hương mình. Bây giờ thì Tế Hanh hoàn toàn không còn ký ức. “Ông đang trò chuyện với dòng sông của mình. Trong im lặng”. Như Thanh Thảo đã từng nhận xét.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tháp Pônaga  (29/08/2006)
Thuần hóa "chủ nhân hoang mạc"  (28/08/2006)
Những nỗi đau dưới chân núi Hàm Rồng  (27/08/2006)
"Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi"  (25/08/2006)
Điểm phấn, tô son cho Mũi Né  (24/08/2006)
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn  (23/08/2006)
Nhà dài - nét văn hóa đặc sắc của người Ê-đê ở Tây Nguyên  (22/08/2006)
Chiều chiều mây phủ Đá Bia  (17/08/2006)
Dấu ấn một di tích lịch sử  (16/08/2006)
Giai thoại về Ông Ích Khiêm  (14/08/2006)
Người xứ Quảng làm giàu từ trầm hương  (10/08/2006)
Quảng Nam: Tôn vinh huyền thoại Mẹ  (10/08/2006)
Hải đăng Kê Gà - Ngọn đèn trăm năm chiếu sáng  (09/08/2006)
Thương con cá bống sông Trà  (09/08/2006)
M’Rông Yô - làng giàu chiêng nhất ở vùng Tây Nguyên  (08/08/2006)