Không gian của ca Huế
16:44', 31/8/ 2006 (GMT+7)

Theo cách hiểu hiện nay, người ta vẫn thường nghĩ rằng, chỉ có hai không gian cho ca Huế: ca salon (hay ca Huế thính phòng) và ca Huế trên sông. Ca Huế trên sông ở đây cũng vẫn thường được hiểu là lên thuyền nghe ca Huế. Với cách nghĩ như thế này, ca Huế dường như đã được mặc định bởi tính biểu diễn và sân khấu hóa

 

                          Ca Huế trên sông Hương.

 

Nhưng nếu tìm hiểu, chúng ta biết rằng, không gian diễn xướng của ca Huế chính là một không gian nhỏ, ấm cúng và đầy tính tri âm, tri kỷ. Nơi không có giới hạn giữa người ca và người thưởng ngoạn. Ngoái nhìn xa hơn chút nữa, người ta sẽ nhận ra rằng, sẽ thật sự hấp dẫn nếu người nghe được thưởng thức và chiêm nghiệm những giai điệu của ca Huế ngân vọng trong khoảng không gian vừa như thực lại vừa như mơ của sóng nước Hương giang.

Dáng mảnh mai và hiền dịu của người phụ nữ Huế trong chiếc áo ngày thường, hay có khi, trong tà áo dài lam cũ như điệp cùng sóng nước khi họ cất lên một điệu mái nhì, mái đẩy hoặc lắng đọng khó phai trong một điệu lý. Sự gợi cảm mộc mạc ấy đã trở thành chất liệu trong bao tác phẩm thi ca, hội họa…

Ca Huế salon bây giờ đang thiếu tri âm, tri kỷ, cũng có thể vì nó chưa trở thành (hoặc theo cách nghĩ của nhiều người, không còn là) giao điểm để tri âm, tri kỷ tìm đến. Ca Huế trên sông đang được xem như một “đặc sản” để chiêu đãi khách phương xa đến Huế. Nhưng cũng bởi sự thiếu chăm chút, bởi sự chạy show, ghép khách, ghép thuyền, bị mời mọc, chèo kéo…mà ca Huế nhiều khi trở thành món quà bất đắc dĩ. Nhưng phần khác, có lẽ cũng cần phải nhận thấy rằng, ca Huế đang thiếu không gian văn hóa, cho dù nhiều người ngộ nhận rằng, ca Huế đang được phát huy (hay khai thác) trong không gian của nó!

 

                   Một tiết mục biểu diễn của CLB Ca Huế.

 

Không phải là cồng chiêng Tây Nguyên mà chính không gian văn hóa cồng chiêng mới là tiêu chí để UNESCO công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nhã nhạc cũng sẽ thiếu vắng hơi thở nếu không trở thành và không phải là một bảo tàng sống trong lòng di sản vật thể. Và nghệ thuật ca Huế cũng không thể tách rời với không gian văn hoá của ca Huế…

Trong tính đa chiều của không gian văn hóa ấy, tại sao lại không, khi có thể đặt vấn đề rằng, một ngày nào đó, một sáng hay một chiều nào đó (một lúc thôi) tuyến đường Trần Hưng Đạo bên kia sông sẽ không có tiếng động cơ và trên sông sẽ không còn tiếng đò máy. Vài con thuyền sẽ trôi lễnh lãng trên mênh mang sóng nước và buông những câu hò mái nhì, mái đẩy da diết, ngọt ngào mà trắc ẩn như thuở nào.

. Theo Giai điệu xanh & Netcodo

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Doanh nghiệp tư nhân Lâm Đồng trước những thách thức  (31/08/2006)
Tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo ở chùa Bà Đức Sanh  (30/08/2006)
Tế Hanh và Dung Quất  (30/08/2006)
Tháp Pônaga  (29/08/2006)
Thuần hóa "chủ nhân hoang mạc"  (28/08/2006)
Những nỗi đau dưới chân núi Hàm Rồng  (27/08/2006)
"Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi"  (25/08/2006)
Điểm phấn, tô son cho Mũi Né  (24/08/2006)
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn  (23/08/2006)
Nhà dài - nét văn hóa đặc sắc của người Ê-đê ở Tây Nguyên  (22/08/2006)
Chiều chiều mây phủ Đá Bia  (17/08/2006)
Dấu ấn một di tích lịch sử  (16/08/2006)
Giai thoại về Ông Ích Khiêm  (14/08/2006)
Người xứ Quảng làm giàu từ trầm hương  (10/08/2006)
Quảng Nam: Tôn vinh huyền thoại Mẹ  (10/08/2006)