Hồi sinh bên sông Liêng
10:28', 4/9/ 2006 (GMT+7)

Ba Tơ là địa danh không hề xa lạ với những ai quan tâm đến lịch sử nước nhà. Tại đây, ngày 11.3.1945, những người tù cộng sản đã đứng lên giành chính quyền và thành lập đội du kích-lực lượng vũ trang đầu tiên của Quân đội nhân dân VN ở khu V. Đội quân ấy đã góp công lớn trong việc khởi nghĩa thắng lợi tại các tỉnh Nam Trung Bộ từ 61 năm trước. Nhưng Ba Tơ không chỉ có anh hùng trong chiến đấu…

 

Bảo tàng Ba Tơ- nhà tù của thực dân Pháp trước đây. Ảnh: T.Đ

 

Năm 2005, nhân 60 năm khởi nghĩa Ba Tơ, tôi có dịp tiếp xúc với Trung tướng Nguyễn Đôn, một trong những thủ lĩnh của đội du kích từ buổi sơ khai. Tướng Đôn có kể “ngoài sách” nhiều chuyện thú vị chung quanh cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện vùng cao này, rồi kết luận: “Nơi cưu mang cả hai cuộc chiến tranh cùng đội quân du kích ngay từ trứng nước như thế, giờ phải được ưu tiên hàng đầu. Để người dân nơi đó khổ bao nhiêu, chúng ta có tội với họ bấy nhiêu”. Tôi thông báo với ông rằng huyện Ba Tơ vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Chợt sáng lên một ánh vui trên khuôn mặt 85 tuổi của ông. Hình như tướng Đôn không tin lắm về sự hồi sinh một cách diệu kỳ ở nơi mà thực dân Pháp chỉ dành cho những người tù “cứng đầu” như ông đến ở.

Sông Liêng hôm nay sẽ xanh hơn trong mắt của bao người từng có lần đặt chân đến vùng đất một thuở khó nghèo này. Dòng sông ấy đã mang nặng đẻ đau mấy cuộc chiến tranh, giờ vươn ra gặp bể.

Bắt đầu của bắt đầu

Quốc lộ 24 bắt đầu từ Thạch Trụ thuộc huyện Mộ Đức-Quảng Ngãi xuyên Ba Tơ lên Kon Tum. Trước năm 1945, đây là con đường dành cho những người tù cộng sản đi “an trí”. “An trí Ba Tơ” là nơi giam lỏng những người tù cộng sản đã hết hạn tù nhưng thực dân Pháp chưa “tẩy não” được họ. Người Pháp muốn mượn nơi rừng thiêng nước độc này để kết thúc luôn quãng đời còn lại của những “ông Đỏ”. Và những người cộng sản đã trả lời bằng một cuộc khởi nghĩa cùng đội quân du kích lừng danh, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi hoàn toàn trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nam Trung Bộ.

Con đường dành cho người tù ngày ấy, giờ nhộn nhịp lại qua của những chuyến xe đò từ Tây Nguyên nối với các tỉnh đồng bằng ven biển miền Trung. Nghe tôi khen con đường quá tốt, lại có cả lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên có mặt để bắt phạt những ai không đội mũ bảo hiểm nữa, ông Lê Hàn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ “khoe” thêm: “Ba Tơ có trên 200km đường như thế chứ không chỉ có quốc lộ 24. Công an cũng “thường xuyên có mặt” ở những con đường này. Thanh niên Hrê bây giờ chúng chạy xe máy “thẳng kim” (chạy tốc độ cao), nếu không có cảnh sát giao thông liên tục tuần tra, có mà loạn!”. Rồi ông “hình ảnh” hơn về sự hồi sinh của vùng đất dữ này: “Ba Tơ là nơi bắt đầu của những thắng lợi vang dội từ trước Cách mạng tháng Tám 1945. Bây giờ cũng là huyện đầu tiên ở Quảng Ngãi được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là nơi bắt đầu của mọi bắt đầu. Và, chúng ta sẽ bắt đầu câu chuyện bằng những con đường, nhé?”. Nói rồi ông Phong tự thưởng cho mình một nụ cười rất hóm.

Từ những con đường

Ông Phong nói: “Ở miền núi, có con đường sẽ có tất cả”. Tôi lắc: “Câu đó đâu còn mới nữa!”. “Đúng, không mới, những không bao giờ cũ. Với Ba Tơ, càng không cũ. Nói thật nhé, nếu không có đường, chẳng ai phong Anh hùng Lao động cho một huyện mà lãnh đạo muốn về xã kiểm tra phải đi bộ cả!”. Tôi tự hiểu rằng, trong 19 xã của Ba Tơ hiện nay, đường ôtô đã về tận các thôn cùng xóm vắng rồi, cả mùa nắng lẫn mùa mưa lũ. Nghĩa là, người dân ở các xã của Ba Tơ có thể ăn cá biển tươi ngay trong ngày, nhờ vào hệ thống giao thông cực tốt này. “Ăn cá biển tươi”- chuyện nhỏ như … con thỏ, song có trải qua những năm gian khó với vùng đất này mới thấy hết giá trị của câu nói kia.

Để chứng minh cho những điều “bắt đầu”, ông Phong mách mối cho tôi về xã Ba Vinh-nơi vẫn được xem là “khó gặm” nhất trong chuyện làm đường. Xin được lưu ý rằng, Ba Vinh có núi Cao Muôn, nơi mà đội du kích Ba Tơ chọn làm căn cứ địa sau ngày khởi nghĩa. Hơn 10 năm trước, tại xã này từng xảy ra trận dịch lớn, nhiều người dân đành chịu chết oan vì đúng vào mùa mưa, nước lũ đã cắt toàn bộ các tuyến đường dẫn về Ba Vinh, không thể cấp cứu bằng ôtô được. Bây giờ xe chạy bon bon, cầu Suối Loa-Ba Điền đã bắc qua sông, đường bê tông xi măng đã dẫn về tận xóm. Chợt nhớ bốn năm trước, tôi có một “cảnh đời” trên Báo Lao Động, nói về trường hợp em Phạm Thị Cáo, người Hrê ở Ba Vinh này, bị liệt cả hai chân nhưng rất ham học. Em ao ước có một chiếc xe lăn. Rồi em Cáo cũng được xe lăn do bạn đọc của báo Lao Động tặng, nhưng thật tội nghiệp cho em, chiếc xe ấy rất khó khăn để lăn trên con đường đầy đá cuội. Giờ thì chiếc xe lăn nọ có thể bon bon đường làng nhưng Cáo thì đã học xong trung học cơ sở.

Không chỉ có đường về Ba Vinh mới “bon bon” mà ở Ba Tơ có rất nhiều con đường như thế. Con đường không chỉ giải phóng được đôi chân nhọc nhằn của người Hrê mà còn góp phần đổi đời họ từ những tiện ích khác mà nó mang lại.

 

Xây đập thủy lợi tại Ba Tơ. Ảnh T.Đ

 

Dẫn đến mùa vui

Trả lời câu hỏi của tôi: “Không lẽ Ba Tơ nhận danh hiệu Anh hùng Lao động nhờ vào mấy con đường?”, ông Trần Trung Chính, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Đường chỉ là điều kiện cần mà thôi. Dĩ nhiên, con đường càng tốt bao nhiêu, trước mặt nó sẽ hứa hẹn những mùa vui bấy nhiêu”. Nói rồi ông Chính dẫn ra hàng loạt những ví dụ cụ thể. Ví như chuyện trồng cây chẳng hạn. Nếu không có những con đường mà ôtô có thể đến được ngay trong mùa mưa thì chắc chắn giá của các loại cây như bạch đàn hoặc keo lai sẽ không cao như hiện nay. Chính nhờ vào hệ thống giao thông khá tốt này nên chưa có huyện vùng cao nào ở Quảng Ngãi mà đồng bào dân tộc thiểu số lại tự giác một cách bất ngờ trong việc trồng cây. Cây xanh gần như đã phủ kín tất cả các ngọn đồi đã bị trọc hóa mấy chục năm nay. “Giờ lên Ba Tơ không còn vạt đất trống nào để thuê mướn được đâu. Đồng bào đã xí phần hết rồi”-ông Chính nói. Tỷ lệ hộ đói nghèo của Ba Tơ từ 38,8% năm 2001, nay còn 7,34%, một phần cũng nhờ vào việc trồng cây nguyên liệu này đây. Không chỉ có trồng cây nguyên liệu, Ba Tơ còn là nơi được xem như điển hình trong việc trồng lúa nước ở miền núi cho năng suất cao. Những nếp nhà sàn của người Hrê vẫn còn giữ nguyên đấy, song những việc họ đang làm thì đã khác với ông bà mình. Sử dụng phân chuồng để chăm cây lúa nước chẳng hạn, đó là việc chưa từng có trong cộng đồng người Hrê trước đây.

Một cách nghĩ khác sẽ dẫn đến cách làm khác, biến hóa hơn và cũng no đủ hơn. Đó là những gì tôi cảm nhận được qua một ngày lăn lộn với những “anh hùng chân đất” ở huyện vùng cao này. Ông Phạm Văn Đôm, dân Hrê chính hiệu, mới ngày nào còn ngửa tay xin gạo cứu trợ hàng tháng, nay đã là chủ một nông trại với chừng 100 con trâu lẫn bò! Con đường dẫn đến gia sản hàng trăm triệu của ông Đôm thật đơn giản: “Mình được người anh em “cho mượn” một con bò cái để nuôi. Ba năm sau mình có hai con bê con. Hai con bê con ấy, sau 5 năm đã cho mình những 6 con bò. Sau 10 năm, mình đã có một … rừng bò!”. Tôi hỏi ông Đôm: “Nuôi dễ thế, sao không bày cho người khác cũng nuôi bò như mình?”. “Có chớ. Nhưng mà phải nuôi bò như nuôi con thì nó mới đẻ nhiều cho mình được!”. Anh Nguyễn Văn Lục-cán bộ khuyến nông của Ba Tơ, tiếp lời ông Đôm: “Ở Ba Tơ có rất nhiều “ngân hàng bò di động” như ông Đôm kể, và cũng không ít người là chủ nhân của cả trăm con trâu và bò như ông ấy. Bà con giúp nhau bằng cách cho mượn bò mà không tính lãi. 6.000 con bò mà người dân Ba Tơ hiện có là kết quả của việc vay mượn từ những “ngân hàng bò” như vậy”.

Trong đợt tổng kết chương trình 135 mới đây, 14 xã từng liệt vào danh sách “đặc biệt khó khăn” xin được rút tên, Ba Tơ có 7 xã trong số đó, chiếm 50% tổng số xã thoát nghèo của Quảng Ngãi. “Bảy xã còn lại sẽ rút tên trong năm tới”-ông chủ tịch huyện khẳng định.

Việc rút tên khỏi danh sách “đặc biệt khó khăn” như thế không chỉ phản ảnh sự hồi sinh của vùng đất từng có thời được xem là gian khổ nhất này mà nó còn chứng minh rằng, ngọn lửa của cách mạng từ hơn 60 năm trước vẫn còn đủ sáng để soi đường cho thế hệ hôm nay.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công nghiệp Khánh Hòa: Đóa hoa bên bờ biển miền Trung  (01/09/2006)
Không gian của ca Huế  (31/08/2006)
Doanh nghiệp tư nhân Lâm Đồng trước những thách thức  (31/08/2006)
Tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo ở chùa Bà Đức Sanh  (30/08/2006)
Tế Hanh và Dung Quất  (30/08/2006)
Tháp Pônaga  (29/08/2006)
Thuần hóa "chủ nhân hoang mạc"  (28/08/2006)
Những nỗi đau dưới chân núi Hàm Rồng  (27/08/2006)
"Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi"  (25/08/2006)
Điểm phấn, tô son cho Mũi Né  (24/08/2006)
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn  (23/08/2006)
Nhà dài - nét văn hóa đặc sắc của người Ê-đê ở Tây Nguyên  (22/08/2006)
Chiều chiều mây phủ Đá Bia  (17/08/2006)
Dấu ấn một di tích lịch sử  (16/08/2006)
Giai thoại về Ông Ích Khiêm  (14/08/2006)