Trà Khân, cuối hạ chớm thu...
11:5', 5/9/ 2006 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, cứ vào khoảng sau rằm tháng bảy âm lịch, đường về Trà Khân - một thôn nhỏ của xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước (Quảng Nam), lại tấp nập người, xe vô ra để mua thanh trà - loại trái cây đặc sản của vùng này. Nhiều người từng đi đó đi đây, từng thưởng thức những quả ngon vật lạ ở các vùng miền khác nhau nhận xét rằng, so với bưởi Năm Roi - miền Nam, bưởi Đoan Hùng- miền Bắc, thanh trà Trà Khân hơn hẳn vì ngọt thanh với hương vị rất riêng...

Trò chuyện với tôi, ông Đặng Lục tuổi gần bảy mươi, người giữ chức trưởng thôn hơn ba chục năm qua, đồng thời cũng là người có nhiều đóng góp trong việc nhân giống cây thanh trà ra cả xóm rồi cả thôn, cho biết loại cây trái "ăn chơi" này đã có mặt ở Trà Khân từ lâu. Đầu thế kỷ XX, cụ Huỳnh Duân vượt đèo Hải Vân ra Huế thăm bà con. Được thết đãi loại trái cây "ăn ngon quá đỗi" là quả thanh trà. Cụ đem mấy cành thanh trà chiết về quê trồng thử. Không ngờ giống cây "có bà con họ hàng" với bòng bưởi ấy lại thích nghi với khí hậu, đất đai thổ nhưỡng của Trà Khân. Độ bốn năm sau, mấy cây thanh trà của cụ Huỳnh Duân đơm hoa kết trái và cho quả. Thấy loại trái cây lạ rất ngon, bà con trong thôn xóm xin chiết cành nhánh đem trồng. "Trong một thời gian dài dễ đến trăm năm, thanh trà Trà Khân vẫn là loại cây quả chỉ để "ăn chơi", không bán buôn gì sất ! Và không ít người đã chặt bỏ nó khi cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây khác như quế, tiêu, dó bầu... Mãi đến đầu năm 2000, loại cây trái "ăn chơi" ấy, đến mùa được nhiều người tìm mua vì hương vị thơm ngon. Từ đó, cây thanh trà Trà Khân lại được bà con nông dân chiết cành nhánh để trồng..." - ông Lục kể.

Hiện nay, hầu như nhà nào ở Trà Khân cũng trồng thanh trà. Một số gia đình có vườn rộng trồng với số lượng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình là hộ các ông Lương Văn Bảy, Bùi Xuân Minh, Đặng Quang Trung... Riêng ông Đặng Lục có đến hai khu vườn trồng toàn thanh trà. Trong đó khu vườn đồi rộng hơn một mẫu ông đầu tư trồng hai trăm cây, đến nay năm, bảy chục cây đã bắt đầu cho quả. Ông Lục tiết lộ : "Kể ra, số cây ra trái cho thu hoạch chưa nhiều, nhưng cũng được khá bộn tiền ! Cỡ trên dưới hai chục triệu đồng mỗi mùa". Rồi ông nói thêm: "Đó là tiền bán trái quả. Còn tiền bán cành nhánh chiết thành cây giống cũng được năm, sáu triệu đồng. Tổng cộng hai khoản đổ đồng chừng ba chục triệu đồng...". Điều bất ngờ đối với người dân Trà Khân là từ loại trái quả chỉ để "ăn chơi", giờ đây thanh trà đã trở thành cây "hái ra tiền với nguồn thu nhập khá tập trung trong một thời gian ngắn. Và quan trọng hơn là mặt hàng nông sản này "có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu", không lo... ế ẩm ! Bởi chưa đến mùa thu hoạch, thương lái đã đến tận nhà "đặt tiền cọc"...

Quả thanh trà Trà Khân có hình dáng đẹp, trông như giọt nước. Quả to chừng một ký. Quả nhỏ độ bảy lạng. Sau mười năm tuổi, mỗi cây một mùa cho 300-450 quả. Theo anh Đặng Văn Quang, cây thanh trà thuộc loại dễ trồng, không đòi hỏi nhiều phân bón cũng như công chăm sóc, lại ít bị sâu bệnh. Cuối mùa thu hoạch, chỉ cần kiếm vài ba bó rơm rạ làm phân hữu cơ rải quanh gốc là xong. Cũng giống như bòng, bưởi, khi quả thanh trà đến mùa hái trái vỏ có màu vàng xanh, cùi rỗng. Gọt vỏ, bóc tách từng múi thanh trà mọng nước thấy mà... thèm. Nếu giã muối ớt xanh để chấm ăn với thanh trà thì ta càng cảm nhận được những hương vị đặc trưng của nó. Nhờ có những ưu điểm vượt trội cộng với sự lành tính - ăn no không "nóng ruột", nên thanh trà Trà Khân bán được giá và bán rất chạy. Mua tại nhà vườn 5.000 đồng/quả. Mua tại các điểm bán trái cây ở thị trấn Tiên Kỳ 7.000 đồng/quả. Chị Trần Thị Hạnh - đại lý tiêu thụ thanh trà Trà Khân ở đỉnh Đèo Liêu, cho biết: "Mỗi ngày bán cho khách vãng lai qua lại tuyến đường ĐT.616 được khoảng 2,5 triệu đồng. Riêng thứ bảy, chủ nhật, số tiền bán thanh trà tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với ngày thường. Tính ra, một mùa thanh trà Trà Khân tôi bán được tổng cộng khoảng hai trăm triệu đồng".

Các chuyên gia Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hiệp quốc đã về Trà Khân tìm hiểu cây thanh trà và cho rằng, đây là loại cây ăn quả có đủ các phẩm chất của loại trái cây cao cấp. Và Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã hỗ trợ kinh phí cho người dân địa phương nhân giống cây thanh trà ra diện rộng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Trữ - Chủ tịch UBND xã Tiên Hiệp, cho đến nay bà con nông dân ở vùng quê bán sơn địa này mới trồng lác đác, ở Trà Khân cũng chỉ có khoảng trên dưới 1.000 cây thanh trà. "Diện tích đất vườn để phát triển giống cây "hái ra tiền" ở Trà Khân không dưới vài chục hécta !", ông Đặng Lục bảo, "Và các thôn xóm ở chung quanh cũng có đất đai thổ nhưỡng rất thích hợp với cây thanh trà. Nếu Nhà nước quy hoạch nơi đây thành vùng trồng thanh trà theo hướng sản xuất hàng hóa thì Trà Khân sẽ ngày càng được nhiều người biết tiếng không khác chi làng cây trái Đại Bình ở huyện Quế Sơn".

Nếu được quy hoạch xây dựng Trà Khân thành nơi chuyên trồng cây thanh trà đặc sản của địa phương thì người dân Trà Khân không những có "của ăn của để" từ thanh trà, mà còn là nơi du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Bởi Trà Khân có thế núi hình làng nên thơ hữu tình, lại nằm gần tuyến đường ĐT.616 và cách Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng chỉ một quãng Đèo Liêu. Trà Khân có 63 hộ với 322 nhân khẩu. Trừ ba hộ khó khăn vì già cả neo đơn, còn lại đều có cuộc sống khá sung túc nhờ làm vườn, trồng cây thanh trà. Và hằng năm, cứ vào thời điểm cuối hạ chớm thu đường về Trà Khân lại rộn ràng những bước chân người...

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hồi sinh bên sông Liêng  (04/09/2006)
Công nghiệp Khánh Hòa: Đóa hoa bên bờ biển miền Trung  (01/09/2006)
Không gian của ca Huế  (31/08/2006)
Doanh nghiệp tư nhân Lâm Đồng trước những thách thức  (31/08/2006)
Tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo ở chùa Bà Đức Sanh  (30/08/2006)
Tế Hanh và Dung Quất  (30/08/2006)
Tháp Pônaga  (29/08/2006)
Thuần hóa "chủ nhân hoang mạc"  (28/08/2006)
Những nỗi đau dưới chân núi Hàm Rồng  (27/08/2006)
"Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi"  (25/08/2006)
Điểm phấn, tô son cho Mũi Né  (24/08/2006)
Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn  (23/08/2006)
Nhà dài - nét văn hóa đặc sắc của người Ê-đê ở Tây Nguyên  (22/08/2006)
Chiều chiều mây phủ Đá Bia  (17/08/2006)
Dấu ấn một di tích lịch sử  (16/08/2006)