Đầu tháng 3.2006, một công trình mỹ thuật đại chúng hoành tráng đã được chính thức khánh thành tại Công viên Hòa bình Việt – Hàn (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên); và ngày 7.9.2006, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) đã chính thức công nhận tác phẩm này là Bức tranh bằng gạch lớn nhất Việt Nam. Từ ý tưởng vì hòa bình và sự tài trợ của Báo Hankyoreh 21 (Hàn Quốc), các nghệ sĩ Việt Nam, Hàn Quốc và 50 thiếu nhi Phú Yên đã có những giờ phút lao động nghệ thuật thắm tình hữu nghị, với một nhận thức mới về sáng tạo nghệ thuật, về một ngôn ngữ chung của nghệ thuật – hòa bình…
|
Các “họa gia” với những tác phẩm trên gạch.
|
Công trình chính thức bắt đầu vào ngày 21.2.2006 từ công đoạn vẽ đắp tranh nổi lên từng viên gạch mộc thường dùng để lát nền nhà cỡ 19 cm x 19 cm. Nơi “họa sĩ nhí” vẽ là Nhà thiếu nhi Phú Yên, với một không khí lao động nghệ thuật vừa lạ vừa quen, thu hút lạ kỳ từ những họa sĩ chuyên nghiệp đến các họ sĩ nhí của lớp năng khiếu hội họa.
Tham gia thực hiện tác phẩm có hai họa sĩ nổi tiếng Hàn Quốc là KimYoung Hyun, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật UR và Kim Byung Soo, thành viên của Trung tâm Mỹ thuật M2 chuyên về tranh ghép mảnh (mosaic art); ba họa sĩ Việt Nam là Lương Xuân Đoàn, Phó vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tư tưởng Văn hóa TW, Nguyễn Bảo Toàn (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) và Lê Đức Thắng (Tòa soạn Báo Phú Yên).
Các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam đã có những bàn bạc, phác thảo về cách vẽ đắp tranh lên gạch, rồi sau đó hướng dẫn lại cho các em. Và các họa sĩ nhỏ đã nắm bắt thực hiện ý tưởng “Hãy vẽ về hòa bình theo suy nghĩ của em” rất nhanh và đẹp đến nỗi các họa sĩ Hàn Quốc phải luôn miệng “OK” hoặc mấy câu vừa học “Rất tốt! Tốt lắm!”. Họa sĩ Lê Đức Thắng thì tâm đắc: “Trí tưởng tượng về hòa bình của các em đã vượt ra ngoài suy nghĩ của chúng tôi”.
Những bức tranh mi ni hồn nhiên thể hiện từ những thứ bình dị quanh mình đến những ước vọng hòa bình, yên vui cho toàn nhân loại. Cùng với các nghệ sĩ, những họa sĩ nhí đã được tắm mình trong một không gian sáng tạo nghệ thuật vui tươi đặc biệt không dễ có trong đời.
Với bạn Dương Bình Kim (lớp 5A, Trường Trưng Vương, TP Tuy Hòa), việc được chọn vào đội vẽ tranh này là một vinh dự bất ngờ: “Đầu tiên, mình cũng rất lo nhưng rồi các chú họa sĩ hướng dẫn rất kỹ nên làm được liền! Vì đề tài vẽ về những ước mơ, nhưng điều thân thuộc về cuộc sống bình yên nên vẽ rất… dễ. Mình đã trực tiếp hiểu cụ thể thế nào là hòa bình và phải làm gì để chung tay xây dựng một hành tinh hòa bình…”.
Thế rồi sau hơn 10 ngày miệt mài sáng tạo, bức tranh tường hai mặt nửa hình tròn dương có chiều dài 7 m, cao 3,5 m, được ghép từ 528 bức tranh màu nổi vẽ trên 528 viên gạch, đã hoàn thiện mỹ mãn trong niềm hân hoan của biết bao người. Và trong khi còn ở Phú Yên, các họa sĩ cũng đã đề xuất ý tưởng về một bức tranh tường nửa hình tròn âm còn lại sẽ do các họa sĩ, thiếu nhi hai nước tiếp tục thực hiện tại Hàn Quốc trong thời gian tới.
Họa sĩ KimYoung Hyun tâm sự: “Năm 2004, tôi đến việt Nam lần đấu tiên để đi tìm lại những câu chuyện lịch sử mà tôi từng nghe kể. Tôi đến đất nước các bạn với một tâm trạng của một người luôn nghĩ về quá khứ, về những điều mặc cảm mà những người Hàn Quốc đã gây ra ở Việt Nam, dù tôi là người của thế hệ sau (sinh năm 1966). Thế nhưng khi đến Việt Nam và tiếp xúc với nhiều người, đặc biệt là các em nhỏ, tôi mới biết người Việt Nam đã sẵn sàng gác lại quá khứ đau thương để hướng đến một tương lai tươi sáng. Thế là tôi thay đổi tâm trạng, tôi cũng phải nghĩ về tương lai. Tương lai đó chính là sự hòa bình và chúng ta phải cùng nhau vun đắp, bảo vệ nền hòa bình đó. Từ đó, tôi ấp ủ ước mơ được sang lại Việt Nam và Phú Yên, một vùng đất chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh, để thực hiện các công trình mỹ thuật như là một thông điệp hòa bình”.
|
Bên bức tranh tường “Vì hòa bình”.
|
Tại lễ khánh thành bức tranh ghép, ông Koh Young Tea, Tổng biên tập Báo Hankyoreh 21 (Hàn Quốc) cho biết thêm: “Việc kêu gọi tài trợ xây dựng Công viên Hòa bình Việt-Hàn và Bức tranh mỹ thuật đại chúng này là một trách nhiệm, một niềm vui lớn của chúng tôi. Khi đưa ra những ý tưởng nghệ thuật này, nhiều người lo lắng khó thực hiện nổi nhưng tôi không ngờ các nghệ sĩ cùng các em thiếu nhi đã thực hiện quá đẹp và đầy ý nghĩa hòa bình như thế này. Chúng tôi sẽ còn quan tâm, suy nghĩ nhiều ý tưởng đẹp đẽ nữa để bồi đắp thêm cho công viên này”.
Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn thì hào hứng nói: “Tôi rất mừng vì lần đầu tiên ở Việt Nam có một dự án nghệ thuật vì cộng đồng được thực hiện. Chủ đề lớn của tác phẩm là hòa bình, hòa bình cho mỗi quốc gia, hòa bình cho mỗi trẻ em. Các em thiếu nhi Phú Yên đã thể hiện rất tuyệt vời từng tác phẩm nhỏ của mình để nói lên khát vọng hòa bình của mình. Điều tốt lành này khởi đầu cho một hoạt động nghệ thuật đến gần với mọi người hơn và mọi người đều có thể tham gia để làm nên tác phẩm nghệ thuật. Đặc biệt là các nghệ sĩ hai nước muốn dành cho các em thiếu nhi một sự tự tin trong sáng tạo nghệ thuật. Và với kỹ thuật sử dụng gốm và vữa màu để ghép tranh này sẽ còn mở ra một hướng sáng tạo và thay đổi cái nhìn về giáo dục nghệ thuật; bởi cái đẹp không bao giờ xa lạ, tự mỗi em nhỏ đều có thể sờ nắn, phát hiện và làm ra cái đẹp. Thực tế đã có một nhận thức mới về ý nghĩa của lao động nghệ thuật đối với các em thiếu nhi và những ai chứng kiến quá trình sáng tạo bức tranh tường vì hòa bình này”.
Cũng theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, đây còn là bức tranh tường nhiều mảnh ghép và nhiều “họa sĩ nhí” tham gia thực hiện nhất ở Việt Nam.
|