Đất nước ta, nhất là ở miền Trung, có bao nhiêu tỉnh là có bao nhiêu là đèo. Dọc đường Nam Bắc, nào đèo Ba Dội (Ninh Bình), đèo Ngang (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình), đèo Hải Vân (giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng), đèo Cù Mông (giữa Bình Định và Phú Yên), đèo Cả (giữa Phú Yên và Khánh Hòa)... Mỗi đèo là cả một quá trình Nam tiến của dân tộc. Nhà văn Nguyên Tuân đã có lần dặn dò "ta phải đi bằng cả hai chân", lịch sử và địa lý là như vậy.
|
Đèo Hải Vân - Đệ nhất hùng quan (ảnh: danang.gov.vn)
|
Tôi nghe ca Huế từ nhỏ, và tôi cảm nhận rằng hình như ca Huế không thích ánh sáng. Nó chỉ phù hợp với một khoang thuyền bềnh bồng trên sông Hương, tối kỵ việc ca hát trên sân khấu. Thế nhưng Lý Qua Đèo lại là một khúc ruột của ca Huế. Tôi tự hỏi: Vì sao trên sông nước êm đềm này chợt bỗng dưng nghĩ đến chuyện qua đèo? Oái ăm thay!
Ở Thừa Thiên - Huế, đó là đèo Hải Vân, bài hát Lý Qua Đèo ở Huế có nguyên văn như sau:
Chiều chiều dắt bạn qua đèo
Con chim kêu (nớ /bên nớ)
uý, oá, chi rứa
chi chi rứa
ức, ức...Con vượn trèo
(ni) bên ni
Tất cả đều là câu hát, trừ những chữ "úy, oá... chi rứa, chi chi rứa; ức ức" là những tiếng nói chen vào. Theo tôi đó chính là giọng nói của người nữ đi trước lúc qua đèo. Người con trai đi sau, làm cử chỉ gì đó không biết, người con gái bật lên tiếng kêu ngạc nhiên úy, oá , chi chi rứa, và sau đó là giọng hổn hển ức ức. Đó chính là vẻ nghịch ngợm của ca dao; và vì thế, thiên về sự phóng đại, hơn là lịch sử.
Lịch sử mà nói, bản đồ Việt Nam có đèo Hải Vân là do đám cưới Huyền Trân Công Chúa. Cho nên bài hát mới nói "dắt bạn qua đèo". Lịch sử nói rằng nàng Huyền Trân làm lễ thành hôn năm 1306; vua Chàm là Chế Mân (Sinhavaman II) bèn cắt hai châu Ô, Lý để làm sính lễ. Đèo Hải Vân nằm ngang giữa châu Lý. Ở đây thấy nổi lên hai vấn đề :
1. Đám cưới Huyền Trân khởi đầu năm 1300 nhưng phải kéo đến 1306 mới kết thúc. Vì sao đều là con vua cháu chúa mà đám cưới lại kéo dài đến như vậy? Lịch sử kể rằng vì bất đồng ý kiến (chú rể là người Chàm, ngoài triều trong nội có câu hát rằng: "Tiếc thay cây quế giữa rừng - Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo"). Đó chỉ là lý do vớ vẩn để đổ tội. Thật ra, người Việt không đến nổi "thiển cận" về đạo lý như vậy. Hơn nữa, thơ lục bát, theo Viện Văn học, thì đến thế kỷ 17 mới bắt đầu xuất hiện ở nước ta. Trước đó, nó chỉ mới "thập thò" vài câu sáu như trong Quốc âm Thi Tập của Nguyễn Trãi.
2. Đám cưới Công chúa Huyền Trân (1306) đem về cho Tổ quốc Đại Việt:
- 3 vựa lúa: Triệu Hải, Phong Quảng và Điện Bàn.
- 3 cửa bể chiến lược: Cửa Việt (Quảng Trị), Cửa Tư Hiền (Thừa Thiên - Huế) và Cửa Hội (Quảng Nam).
- Và đèo chiến lược Hải Vân.
|
Hải Vân Quan (ảnh: danang.gov.vn)
|
Đèo Hải vân, như vậy, được xem như một món đồ lễ vật của đám cưới Việt Chàm. Ở thế kỷ XIV nó là một ngọn đèo cao l.450m so với mặt biển, là một nhánh ngang của Trường Sơn choãi ra biển; và có nhiều cây cổ thụ bọc kín. Ngày xưa (trước khi có đường tàu vào đầu thế kỷ), nó là một cánh rừng rậm rạp đứng chắn ngang du khách từ Huế. Vì thế, người ta có câu nói "Đi bộ thì khiếp Hải Vân - Đi thuỷ thì khiếp sóng thần Hang Dơi" .
Ngoài những đèo nhỏ ở đâu cũng có, đèo Hải Vân trong đia hình xưa được đánh giá là "đầu não của miền Thuận Quảng", là "thiên hạ đệ nhất hùng quan". Từ đỉnh đèo nhìn xuống biển Đông, người ta thấy những cánh buồm tưởng như đứng sững lại. Kỳ thực thì chúng vẫn chạy, nhưng vì ta đứng trên đỉnh đèo quá xa, theo lời mô tả của Thiền sư Thích Đại Sán vào cuối thế kỷ 17, nên trông như chúng đứng yên; giống như những tinh tú trên trời, vì đứng quá xa xôi, ta không thể phát hiện ra cuộc chuyển vận của chúng.
Nên nhớ rằng, trước Huyền Trân nhiều thế kỷ, người Chiêm Thành đã buộc phải chuyển dịch biên giới phía Bắc của họ nhiều lần, nhưng không có lần nào họ chịu rút lui xuống phía Nam đèo Hải Vân cả. Vì vậy, điệu Lý Qua Đèo đồng vọng cả vận mệnh lịch sử của dân tộc; và luyến láy trong mỗi khúc dân ca vậy.
Ôi bài hát Lý Qua Đèo? Điệu hát nguyên chỉ là một điệu hát lưu hành nơi thôn xóm, cớ sao chứa đựng nhiều yếu tố nhân tình đến vậy?
. Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường
|