Cửa Thần Phù xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa giờ đây đã đông đúc cư dân lắm, những triền cói mênh mông dọc theo dòng nước chảy. Một cây cầu bê tông cốt thép đã nối đôi bờ con sông Hoạt ngay vị trí cửa Thần Phù. Chúng tôi xuống thuyền về phía thượng lưu sông Hoạt ngay đoạn ngã ba một thời là cửa biển này.
Bao sự tò mò về sự hiểm nguy của tôi nhanh chóng nhường chỗ cho một cảm giác khác, đó là sự mê đắm đến ngẩn ngơ. Có lẽ không có sự yên bình nào hơn, kỳ vĩ nào hơn tính đến giờ phút này mà tôi đã gặp. Ngồi trên con thuyền mái chèo khoan nhặt phóng tầm ra bao la để thu vào mình biết bao giá trị của một vùng trầm tích văn hóa.
Dãy núi Tam Điệp bên bờ Bắc và cả dãy núi đá vôi không tên bên bờ Nam đang ẩn chứa bao giá trị văn hóa quý giá mà có lẽ những gì đã phát hiện thật nhỏ nhoi. Chỉ mình cái dáng vẽ kỳ thú muôn hình vạn trạng bề ngoài của sơn thủy nơi đây đã hút hồn người rồi nói chi đến những hang động, bia ký, đến chùa bên trong nó.
Chúng tôi dừng thuyền vào thăm động Chúc Sơn, động Lục Vân nơi còn lưu dấu bút đề của nhiều vị vua triều hậu Lê, chăm chú nhìn như thôi miên vào bia thần bút tích của chúa Trịnh Sâm trong một lần thưởng sơn để lại. Đến núi Lã Vọng, núi Rồng hổ tranh ngọc, vào động Bạch Á, chùa Hoàng Cương cùng nằm trên triền sông Hoạt tôi như không muốn về nữa. Tất cả là một sự sắp đặt đến tài tình của tạo hóa và tất cả còn là sự nguyên sơ đến lạnh lùng. Đẹp thật, nhưng thiếu sự quan tâm cuả bàn tay con người. Bây giờ mà có những túp lều tranh, những chiếc đèn xanh đỏ và mấy quán cà phê ở bên bờ sông thì trai gái Nga Điền, Nga Thiện và cả huyện Kim Sơn (Ninh Bình)… sẽ đến đây nhiều lắm. Sau khi đưa nhiều đoàn khách đi, nào là khách tỉnh, khách trung ương, cả khách là Việt kiều đi trên dòng sông này, ai cũng khen, ai cũng nói ở đây mà làm du lịch sinh thái thì tuyệt, thế mà chẳng thấy ai trở lại cả? Ở đây có món đặc sản dê núi đá, có nhà nuôi mấy trăm con, chả thả lên núi, khi nào cần bắt về.
Điểm xuyết cho một vùng sơn thủy bên dòng sông Hoạt có cả những vườn rừng. Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế vườn đồi phía bắc của huyện Nga Sơn, nhiều người đã tiên phong lao vào khai khẩn đất đai và kết quả có khá nhiều trang trại ra đời. Du khách tới đây được tắm minh vào sự yên bình đến nguyên sơ của núi non, cây cỏ, thưởng thức ngô nếp nướng và thịt dê quay. Còn gì thú bằng, đi du lịch sinh thái đúng nghĩa, ngắm núi, nhìn sông, ăn thịt thú, uống mật ong, nghe chuyện cổ… từ trong sâu thẳm của núi đồi thật tuyệt.
Cả một vùng đông bắc Nga Sơn có lẽ là cả một kho văn hóa vô tận, có cái thực, có cái hư, vừa giàu chất lịch sử lại đẫm đượm sắc màu truyền thống. Câu chuyện về Mai An Tiêm với quả dưa đỏ trên mảnh đất Nga Phú không biết độ chính xác đến chừng nào nhưng đền thờ của An Tiêm thì vẫn còn đó, bên cạnh là một giếng nước trong vắt đến soi gương được. Rồi cả câu chuyện đầy sắc màu huyền bí về Từ Thức- Giáng Hương nữa. Ở đây còn lưu bút đề của nhiều vua chúa và bậc danh nho. Đã rất nhiều học giả và nhà nghiên cứu nhận định động Từ Thức đẹp vào bậc nhất nước Nam. Nhưng dẫu vậy vì nhiều lý do, trong đó có sự thiếu đầu tư, quan tâm đúng mức nên du khách nghe đến Từ Thức thì nhiều nhưng thực mục sở thị thì còn khá khiêm tốn.
Trong rất nhiều di tích, danh thắng ở vùng đông bắc Nga Sơn này có cái đã xếp hạng cấp Quốc gia, có cái xếp hạng tỉnh, cái chưa kịp làm hồ sơ nhưng cái nào cũng thật sự giá trị. Cái quý trước hết không chỉ là vẻ đẹp về kiến trúc mà còn bởi giá trị lịch sử. Trong chừng mực nào đó là những minh chứng hùng hồn cho quá trình đấu tranh của cha ông ta chống chọi lại thiên nhiên, giặc giã và ách đô hộ của phong kiến phương Bắc.
Có thể nói ít nơi nào ở Thanh Hóa mà mật độ di tích lại đậm đặc và giá trị của nó lại vượt qua phạm vi địa phương như ở vùng đông bắc Nga Sơn. Nhưng dẫu vậy tất cả những di tích, danh thắng quý báu này cũng đều nằm trong tình trạng chung đó là chưa có một sự nghiên cứu, quy hoạch, đầu tư và phát huy tác dụng một cách dài hơi. Theo ông Mai Anh Tuân, Trưởng phòng Văn hóa- thông tin huyện Nga Sơn thì những năm trước tỉnh có cấp cho động Từ Thức 200 triệu, mới chỉ làm được nhà thờ Từ Thức- Giáng Hương, kéo được điện vào hang thì hết tiền. Về giá trị của những di tích, danh thắng này huyện đều nhận thức được và đã xây dựng nó thành vùng kinh tế thứ 4- vùng kinh tế công nghiệp không khói.
Huyện đã có ý định xây dựng một tour du lịch từ động Từ Thức đến di tích Mai An Tiêm rồi về Nga Điền, du lịch sinh thái trên sông Hoạt và núi Tam Điệp nhưng kế hoạch vẫn cứ phải nằm trên bàn vì thiếu đối tác. Được biết, cách đây mấy năm một người Mỹ định bỏ ra cỡ vài trăm triệu đô la để xây dựng một khu du lịch sinh thái ngay trên vùng đông bắc Nga Sơn với ý tưởng là sau khi du khách đến tắm biển Sầm Sơn sẽ về khu sinh thái đông bắc Nga Sơn nghỉ dưỡng, chữa bệnh, nhưng không hiểu vì cơ chế hay lý do nào khác mà đến giờ ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng còn các di tích, danh thắng nơi này vẫn chỉ là trầm tích.
. Theo báo Văn hóa |