Xuất phát từ yếu tố địa lý tự nhiên khi mà Đà Nẵng cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực đang hình thành một trục kinh tế chạy dài nhưng luôn chứa đựng tính kém liên kết trong mối liên kết. Để Đà Nẵng bứt phá đi lên trên nền tảng về cơ sở hạ tầng đô thị, thành phố Đà Nẵng đặt nhiều kỳ vọng tạo nên sự đột phá về kinh tế bắt đầu từ con đường .... hướng ngoại.
|
Sân bay Đà Nẵng.
|
Trên trời
Từ trong lịch sử và cho đến bây giờ, Đà Nẵng luôn được coi là “con đường” để vào miền Trung, cửa ngõ thứ ba vào Việt Nam. Nhận thấy cơ hội phát triển kinh tế của vùng đất này nên các hãng hàng không đã không bỏ lỡ cơ hội mở đường bay tới Đà Nẵng. Lượng khách quốc tế mỗi năm càng tăng, trong đó khách du lịch chiếm từ 60-65% trên tổng lượng khách. Đến nay đã có 5 đường bay quốc tế đi và đến Đà Nẵng: Bangkok - Đà Nẵng, Hồng Kông - Đà Nẵng, Siêm Riệp - Đà Nẵng, Đài Bắc - Đà Nẵng và mới đây là Singapore - Đà Nẵng với sự tham gia của các hãng hàng không: Vietnam Airlines, PB Air, Siem Riep Airway, Far Transportation và Silk Airway. Hiện sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được đầu tư nâng cấp nhà ga để có thể đón 5 triệu khách mỗi năm, từng bước thực hiện điểm kết nối các đường bay quá cảnh theo tuyến Đài Loan - Đà Nẵng - Thái Lan hoặc Hồng Kông - Đà Nẵng - Campuchia.
Dưới đất
Trong tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, từ năm 2005 đã xuất hiện nhiều đoàn du khách theo tour Caravan từ Bangkok đi thăm Huế, Đà Nẵng, làng đá Ngũ Hành Sơn và Hội An. Các công ty du lịch Thái Lan và cả Myanmar đã bắt đầu đưa nhiều đoàn khách trên 100 người trở lên sang Lào và Việt Nam từ cửa khẩu Mukdahan và Lao Bảo bằng phương tiện ô-tô bus với giá bình quân 140-150 USD/người tùy theo mỗi chuyến 5 ngày 4 đêm hoặc 4 ngày 3 đêm. Đa số du khách theo các tour này là người dân vùng Bắc và Đông Bắc Thái Lan, một số khác là khách từ Bangkok và Myanmar. Mới đây, đoàn khảo sát tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây bằng đường bộ do Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Krit Kraichiti làm trưởng đoàn và Đại sứ các nước Hà Lan, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Myanmar, Lào, Ấn Độ, Mexico, đại diện các Đại sứ Ucraina, Bulgaria, Chile, Australia, Trưởng đại diện tổ chức quốc tế về di dân LHQ (IOM) Andrew Bruce, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng ADB tại Việt Nam và nhiều quan chức thuộc các cơ quan hữu quan phía Việt Nam đã tham dự chuyến đi và kết thúc tại Đà Nẵng. Rõ ràng, thành phố Đà Nẵng vươn mình ra thế giới bằng tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây được thừa nhận như là điểm đầu và điểm kết thúc đầy tiềm năng. Trong đó, Đà Nẵng có thuận lợi so với các địa phương trong toàn tuyến là một thành phố có sự phát triển cao hơn và cơ sở hạ tầng vượt trội, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nhất là du lịch ở khu vực.
|
Biển Nam Ô.
|
Và từ ngoài biển
Sở Du lịch thành phố cho biết, lượng tàu du lịch nước ngoài cập Cảng Đà Nẵng đã tăng lên đáng kể. Năm 2005 có 18 chuyến với trên 7.000 lượt khách. Trong 6 tháng đầu năm 2006, số tàu du lịch quốc tế đến Đà Nẵng qua đường biển đã là 14 chuyến với 9.000 du khách. Ước tính đến cuối năm, Đà Nẵng sẽ đón 22 tàu du lịch với trên 12.000 du khách. Số tàu du lịch đến Đà Nẵng chủ yếu đưa các đoàn khách đến từ Nhật Bản, Mỹ, Úc, Canada, Đức, Pháp, Ý.Đầu tư phát triển theo chiều.... hướng ngoại là hướng đi đầy triển vọng của thành phố Đà Nẵng. Điều này mở ra cho Đà Nẵng những hướng phát triển kinh tế toàn diện kích thích nền kinh tế địa phương với dịch vụ: vận tải, vận tải hàng hóa cảng biển, phát triển du lịch cùng hàng loạt các dịch vụ khác như viễn thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo. Những chuyển biến tích cực từ nền kinh tế toàn cầu khi mà Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa WTO, Đà Nẵng sẽ phát huy được lợi thế để bứt phá đi lên.
. Theo Website Đà Nẵng |