Miền Trung: Liên kết và tạo điểm nhấn
11:8', 2/1/ 2007 (GMT+7)

Một tín hiệu vui trong năm 2006 vừa qua là “Câu lạc bộ nghìn tỷ” đã dang tay đón thêm một số thành viên mới, trong đó có những gương mặt của miền Trung nghèo khó. Đây là những tỉnh “đi xin quanh năm”, bỗng làm cuộc đột kích vào nhóm “nghìn tỷ” một cách đàng hoàng. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu này? Dĩ nhiên đây không phải là phép màu từ trên trời rơi xuống mà là kết quả của những kiên trì và nỗ lực bền bỉ trong một thời gian dài. Họ đã âm thầm chuẩn bị cuộc tập kích vào “ngôi nhà nghìn tỷ” này từ nhiều năm qua một cách công phu với những tính toán vừa khoa học nhưng cũng đầy bất ngờ. Phải chăng “điểm nhấn” tại các khu công nghiệp đã làm nên điều kiệu trên?

 

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, “điểm nhấn” quan trọng làm nên cuộc bứt phá của Quảng Ngãi. Ảnh: TĐ

 

Thời còn làm giám đốc Công ty đường Quảng Ngãi, ông Nguyễn Xuân Huế hay nói điều này: “ Tỉnh mình (tức Quảng Ngãi) có một thói quen rất kỳ cục là, hễ ông (hay bà) lãnh đạo tỉnh nào chạy ra Trung ương xin được nhiều tiền về cho tỉnh thì ai cũng khen ông ấy (hoặc bà ấy) là người có năng lực, là cán bộ lãnh đạo giỏi. Tôi thì nghĩ khác, một cán bộ có năng lực thực sự là người ấy phải biết làm ra tiền để khỏi phải đi xin!”. Ông Huế giờ làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng liên tục cắp cặp ra Trung ương xin, song nếu như năm 2005, Quảng Ngãi chỉ thu  ngân sách được trên 600 tỷ thì năm 2007 này đã vọt lên trên 1.020 tỷ! Đây không phải là kết quả của sự giỏi giang từ ông tân Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi mà là kết quả của nhiều năm trước đó dồn tụ lại, song không thể không có dấu ấn của ông chủ tịch hay phát biểu “gây sốc” này. Vậy là, “tư duy đi xin” đối với một số tỉnh nghèo của miền Trung không phải đã chấm hết nhưng bắt đầu từ bây giờ, một cuộc cách mạng trong nhận thức của những người lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã được thể hiện bằng những việc cụ thể để loại dần và chấm dứt hẳn việc cắp cặp đi xin. Nghĩa là tự mình có thể nuôi được chính mình.

Từ nhiều năm qua, bên cạnh việc “cắp cặp đi xin”, các tỉnh miền Trung còn “cắp cặp đi kêu gọi đầu tư nữa”. Hàng loạt các khu công nghiệp đã hình thành, thu hút hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư đã nói lên rằng, miền Trung không chỉ có biết đánh giặc và “cắp cặp đi xin” mà còn biết làm kinh tế nữa. Tuy nhiên, để nguồn thu tăng vọt như một số tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam hoặc Bình Định, tại mỗi khu công nghiệp, các tỉnh đã biết tạo ra “điểm nhấn” để làm hạt nhân thu hút các dự án khác. Khu Kinh tế Dung Quất là biểu hiện rõ nhất của việc tạo “điểm nhấn” này. Nói thật, nếu không có dự án Nhà máy lọc dầu, “điểm nhấn” quan trọng nhất của toàn khu kinh tế, thì "còn khuya" Quảng Ngãi mới mon men vào bậu cửa của “Câu lạc bộ nghìn tỷ”! Dù “điểm nhấn” chưa thật ấn tượng như Nhà máy lọc dầu Dung Quất, song Nhà máy ôtô Trường Hải tại Khu Kinh tế mở Chu Lai cũng đã tạo nên một khuôn mặt công nghiệp thực sự cho toàn khu kinh tế này. Sự bề thế của nhà máy đã thành con dấu tin cậy, xác nhận tính an toàn và hiệu quả cho các doanh nghiệp khác nếu có ý định đầu tư tại đây. Tương tự như thế, việc hình thành khu công nghiệp Sài Gòn-Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đã tạo được “điểm nhấn” đầu tiên tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Nửa tỷ USD đã đăng ký đầu tư vào đây, trong vòng 4-5 năm nữa, giá trị công nghiệp từ “điểm nhấn” này sẽ vọt lên 13 nghìn tỷ, thu ngân sách riêng khu này đã là1.000 tỷ! Dĩ nhiên, những số  này đều còn nằm trên giấy, song những tính toán của Bình Định là có cơ sở. Cầu Thị Nại vắt qua đầm Thị Nại mà họ còn làm được, thì những tính toán trên đây không phải là chuyện viển vông.

 

Một góc Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: TĐ

 

Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các tỉnh miền Trung không thể biến mình thành những ốc đảo cô độc được. Vì vậy, bên cạnh việc tạo “điểm nhấn” tại các khu công nghiệp, các tỉnh còn hướng đến việc liên kết vùng để tạo đà phát triển bền vững. Bình Định vừa xong con đường ven biển, chạy song song với quốc lộ 1A, lập tức hàng loạt các nhà đầu tư nhảy vào xin làm các khu du lịch sinh thái, làm các nhà máy nhiệt điện với số vốn hàng trăm triệu USD. Con đường ven biển từ Dung Quất đến Sa Huỳnh của Quảng Ngãi cũng đang được triển khai để kịp “nối mạng” với Bình Định. Tuyến ven biển Đà Nẵng-Dung Quất cũng bắt đầu hình thành sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để đánh thức tiềm năng kinh tế của mỗi tỉnh, nhất là tiềm năng du lịch. Dĩ nhiên, việc “liên kết vùng” không chỉ dừng lại ở con đường ven biển này mà còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác. Dưới góc độ du lịch, nếu không có sự liên kết, tạo nên các tour “kết nối” các di sản văn hóa của Quảng Nam và Huế hoặc Quảng Trị thì cũng khó để thu hút khách được. Sự liên kết này sẽ góp phần rất lớn trong việc tránh được chuyện “giẫm chân” nhau trong đầu tư. Chắc chắn, khi đã có sợi dây “liên kết vùng” thì sẽ không còn tình trạng “tỉnh anh có cái gì thì tỉnh tôi có cái đó”, mỗi tỉnh “một nhà máy đường một trường đại học” như lâu nay.

Gia nhập vào “Câu lạc bộ nghìn tỷ” là bước khởi đầu cho giai đoạn tăng tốc của các tỉnh miền Trung. Một lần nữa họ muốn chứng minh rằng miền Trung không chỉ biết có mỗi một chuyện đánh giặc.

  • Trần Đăng
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Vàng trắng” - thách thức trước vận hội mới  (31/12/2006)
Săn ghẹ mùa biển động  (29/12/2006)
Đà Nẵng, đô thị phát triển vắng bóng cây xanh  (28/12/2006)
Lên miền tây xứ Thanh  (26/12/2006)
Dung Quất ở phía bình minh  (25/12/2006)
Về thăm địa đạo, Sông Đầm  (25/12/2006)
Nhịp cồng vui bên sông Đăk Bla  (21/12/2006)
Phát triển Sông Cầu thành đô thị du lịch  (19/12/2006)
Lặng lẽ làng đúc Phước Kiều  (18/12/2006)
Sẽ nâng cấp Đà Lạt lên đô thị loại 1  (15/12/2006)
Long Sơn Tự một danh thắng xứ Trầm hương  (14/12/2006)
Tín hiệu vui từ vùng cát ven biển  (13/12/2006)
Vì sao cửa khẩu Cầu Treo bị... chê  (11/12/2006)
Bông vẫn trắng trên đồng đất Chư Jút  (10/12/2006)
Chu Lai trong diện mạo mới  (07/12/2006)