Ba lô đến Nam Lào
15:31', 4/1/ 2007 (GMT+7)

Với việc hình thành con đường QL 18B từ Kon Tum đi Atôpư, đường đến 4 tỉnh Nam Lào (gồm Atôpư, Salavan, Chămpasăk, Xê Kông) không còn diệu vợi như trước đây (phải ra Quảng Trị, sang Savanakhet rồi mới đến Nam Lào) nữa. Con đường đến Nam Lào giờ đã rút ngắn khoảng 500 km.

Bạn có thể đi xe đò đến Kon Tum, dùng hộ chiếu phổ thông để qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Lào đã miễn visa cho công dân Việt Nam, Thái Lan) là đã đến địa phận tỉnh Atôpư. Chẳng cần biết tiếng Lào, tiếng Anh, bạn cũng có thể giao tiếp vô tư với hàng chục ngàn người Việt sống rải rác trên đất nước Triệu Voi xinh đẹp và hiền hoà này. Từ biên giới đi đến Trung tâm Atôpư là 150 km chỉ mất 60.000 kíp (90.000 VNĐ); rồi từ đây đến Chămpasăk (165 km) chỉ mất 50.000 kíp; và từ Chămpasắk đi Xê Kông là 145 km, đi Salavan là 111 km… cũng rất dễ dàng di chuyển.

Ở Atôpư, bạn có thể ghé đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam để nghe người địa phương kể về những kỷ niệm keo sơn của bộ đội Việt Nam và Pathét Lào trong công cuộc giải phóng của hai dân tộc. Hầu như tất cả người Việt sang Nam Lào, đều biết và ghé đến khu vực thiêng liêng này. Atôpư có diện tích 10.320 km2 nhưng chỉ có 100.000 dân nên hầu hết diện tích ở đây vẫn là rừng nguyên sinh với gõ, cẩm lai, trắc và đặc biệt là bằng lăng. Dưới tán rừng, sa nhân, nhân sâm, quế… mọc ken dày, là nguồn xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Do nằm ở sườn tây dải Trường Sơn vắng bóng người, các loài mãnh thú như hổ, voi, bò tót vẫn xuất hiện rất nhiều ở rừng già Atôpư. Qua đò bắc ngang sông Sê Kông, nhiều người Lào vẫn cho rằng chùa (Wat) Sa Khư là nơi linh thiêng nhất vùng. Hàng ngày, người ta chứng kiến hàng đoàn du khách Thái Lan, Myanmar, Campuchia… sang đây viếng chùa đủ để nói lên mức độ tín ngưỡng của phật tử gần xa.

Đến Chămpasăk, bạn không phải lo về nơi ăn nghỉ vì các quán ăn, khách sạn, nhà hàng ở đầy hầu hết do người Việt làm chủ. Phòng khách sạn 4 sao (Chămpasắk palace) giá từ 100.000-500.000 kíp; cơm trưa 3 món Việt giá 20.000 kíp; đi xe tuk tuk (nội thị 5.000-30.000 kíp/chuyến)… Muốn đi thăm đền Wat Phu (được ví như một Ăngkor Wat ở Lào, cách Chămpasăk 97 km), bạn thuê xe (khoảng 100.000 kíp/chuyến) để đến kỳ quan được Unesco công nhận là Di tích lịch sử văn hóa thế giới. Rồi lại đến Thác Khon hùng vĩ có chiều ngang 5 km, mới nhìn đã bị “choáng”.

Riêng tỉnh Salavan lại có địa hình gần với Việt Nam, một bên giáp Thừa Thiên-Huế, một bên cách tỉnh Ubôn của đất nước Thái Lan bằng dòng sông Mê Kông hùng vĩ. Đồng bằng Salavan có nét gì đó rất gần gũi, thân thương với chúng ta. Còn tỉnh Xê Kông lại là nột “Trường Sơn của Việt Nam thu nhỏ” với các dân tộc Cơ Tu, Tà Oi, Vân Kiều… sống quần cư cùng người Lào Thơng, Lào Sủng địa phương. Thú rừng ở đây nhiều vô kể và hầu như bữa cơm chiều nào bạn cũng bắt gặp “món rừng” trong thực đơn. Nhà sàn của người Lào ở đây có nét giống nhà rông của người Ba Na, mái cong nhưng không cao vút. Rượu cần của người Lào nấu bằng sắn, thơm và ngọt không kém loại rượu nấu bằng gạo tẻ ở Tây Nguyên. Thổ cẩm của đồng bào có nét hấp dẫn riêng bởi lối hoa văn mộc, sắc màu nhẹ nhàng. Mùa lễ Pi May năm nay, ba lô sang Nam Lào, bạn càng kinh ngạc hơn, hạnh phúc hơn khi cùng người Lào tham gia các lễ hội cầu chùa té nước, cột chỉ cổ tay… Rất dễ dàng ba lô sang Nam Lào!

. Theo báo Bình Thuận

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhà vườn Huế và chiều sâu văn hóa  (02/01/2007)
Miền Trung: Liên kết và tạo điểm nhấn  (02/01/2007)
“Vàng trắng” - thách thức trước vận hội mới  (31/12/2006)
Săn ghẹ mùa biển động  (29/12/2006)
Đà Nẵng, đô thị phát triển vắng bóng cây xanh  (28/12/2006)
Lên miền tây xứ Thanh  (26/12/2006)
Dung Quất ở phía bình minh  (25/12/2006)
Về thăm địa đạo, Sông Đầm  (25/12/2006)
Nhịp cồng vui bên sông Đăk Bla  (21/12/2006)
Phát triển Sông Cầu thành đô thị du lịch  (19/12/2006)
Lặng lẽ làng đúc Phước Kiều  (18/12/2006)
Sẽ nâng cấp Đà Lạt lên đô thị loại 1  (15/12/2006)
Long Sơn Tự một danh thắng xứ Trầm hương  (14/12/2006)
Tín hiệu vui từ vùng cát ven biển  (13/12/2006)
Vì sao cửa khẩu Cầu Treo bị... chê  (11/12/2006)