Quảng Nam: bước tiến 10 năm
10:2', 7/1/ 2007 (GMT+7)

Sau khi chia tách, các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được xây dựng trước đây phần lớn tập trung trên địa bàn TP Đà Nẵng nên thời gian đầu, Quảng Nam phải chấp nhận khó khăn, thách thức nhiều hơn. Kết cấu hạ tầng yếu kém, nền kinh tế còn nặng tính chất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp (CN), tiểu thủ CN còn nhỏ lẻ và phân tán… đó là những vấn đề Quảng Nam phải tập trung  giải quyết. Bên cạnh đó, thương mại- dịch vụ còn nghèo nàn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống. Kinh tế du lịch còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác. Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài còn nhỏ bé. Với trăn trở đưa Quảng Nam- một vùng đất giàu tiềm năng và  lợi thế để phát triển kinh tế thoát khỏi đói nghèo, lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam đã vạch ra định hướng chiến lược là đến năm 2010, phấn đấu đưa tỉnh trở thành một tỉnh CN, giải quyết tình trạng thất nghiệp, cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Bên cạnh hoạch định các cơ chế chính sách, tập trung huy động mọi nguồn lực của Trung ương và địa phương để xây dựng hạ tầng, Quảng Nam đã “trải thảm đỏ”, tạo điều kiên thuận lợi nhất có thể cho các doanh nghiệp (DN), các nhà đầu tư…

Với những nỗ lực không mệt mỏi, chỉ vài năm sau chia tách, Quảng Nam đã tạo được sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều nhà đầu tư đã chọn Quảng Nam vì họ tìm thấy ở đây những điều kiện thuận lợi, và những cơ hội đảm bảo cho lợi ích của DN mà nơi khác không có được. Bên cạnh đó, sự tâm huyết, nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh đã tiếp thêm sức mạnh giúp các nhà đầu tư giữ vững ý chí, niềm tin. Theo nhiều chủ DN thì họ chọn Quảng Nam còn là vì cảm động trước sự nhiệt tình, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh. Và họ cũng muốn đóng góp xây dựng Quảng Nam- thành đồng Tổ quốc, mảnh đất rất anh hùng nhưng cũng chịu nhiều thiệt thòi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Vùng đất Quảng Nam trở thành vùng đất lành thu hút nhiều nguồn vốn tụ về. Năm 2003, Chính phủ đã cho phép xây dựng Chu Lai thành khu kinh tế (KKT) mở đầu tiên trong cả nước. Đây là sự kiện lớn, mang tính chất đột phá, có vai trò quan trọng  trong chiến lược phát triển kinh tế của Quảng Nam. Ngoài các lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng(sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà) KKT mở Chu Lai được hưởng các cơ chế ưu đãi vượt trội của Chính phủ. Chu Lai được tạo điều  kiện thuận lợi để phát triển các KCN, khu thương mại tự do(trong khu phi thuế quan) các dịch vụ cao cấp. Sau sự kiện này, các nhà đầu tư tìm đến Quảng Nam ngày càng nhiều hơn. Đến nay, số lượng DN trong nước đăng ký thành lập tại Quảng Nam đã là 2.000 với vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng, 75 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài  đăng ký với tổng vốn gần nửa tỷ USD, trong đó có 30 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, Quảng Nam còn vận động và tiếp nhận được  nhiều nguồn vốn của các tổ chức quốc tế. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn từ năm 1997 đến nay khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm 2006 là 5.200 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần năm 1997.

Sau 10 năm tái lập tỉnh, với những cơ chế, chính sách và bước đi phù hợp, Quảng Nam đã vươn lên toàn diện. Bộ mặt nông thôn, miền núi  và đô thị liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao so với cả cả nước. Tổng sản phẩm GDP tăng bình quân hằng năm 9,2% và năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Năm 2005 tăng trưởng GDP đạt 12,5%, năm 2006 đạt 13,45%. GDP năm 2005 tăng gấp hơn 2 lần so với năm 1997, thu nhập bình quân đầu người từ  2,1 triệu đồng  năm 1997 tăng lên hơn 6 triệu đồng năm 2005. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng CN và dịch vụ tăng. Tỷ trọng nông nghiệp giảm dần. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét.

Từ một tỉnh chưa có khu, cụm CN nào, đến nay Quảng nam đã có 5 KCN và 15 cụm CN, 65 làng nghề và làng nghề truyền thống được phục hồi, tạo lập, tạo việc làm cho hơn 65.000 lao động. Giá trị sản lượng CN năm 2006 đạt 4.075tỷ đồng, tăng hơn 6,5 lần so với năm 1997. Xuất khẩu năm 2006 đạt  135 triệu USD, tăng gấp 8 lần so với năm 1997. Ngoài Chu Lai, KKT Cửa khẩu Nam Giang đang xây dựng sẽ giúp Quảng Nam giao thương thuận lợi với nước bạn Lào và các nền kinh tế khác trong trục hành lang kinh tế Đông- Tây.

Hai Di sản Văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và hàng trăm điểm du lịch, di tích lịch sử với các lễ hội, làng nghề truyền thống là cơ hội  cho đầu tư phát triển du lịch và phát huy tiềm năng văn hóa Quảng Nam. 10 năm qua, Quảng Nam cũng đạt nhiều thành quả quan trọng về văn hóa- xã hội , an ninh trật tư, chính sách trị được giữ vững. Các chương trình xóa đói giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm, phát triển nông thôn được chú trọng; chương trình xóa nhà tạm, công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt. Các lĩnh vực giáo dục, y tế được quan tâm ưu tiên đầu tư đến cấp cơ sở. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng cơ quan văn hóa trên địa bàn phát triển mạnh mẽ. Quảng Nam đã thay đổi, phát triển không ngừng để trở thành một địa phương có bước chuyển biến mạnh mẽ, ổn định và vững chắc về kinh tế.

Đúc kết những thành tựu Quảng Nam đạt được trong 10 năm qua, theo ông Nguyễn Đức Hải, chủ tịch UBND tỉnh thì đây là kết quả của sự kết hợp giữa 3 yếu tố thiên thời- địa lợi- nhân hòa. Trong đó, sự nhạy cảm, năng động, sáng tạo, đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành kinh tế- xã hội của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự cố gắng nỗ lực của nhân dân tòan tỉnh là vai trò quyết định.

Theo báo Công an TP Đà Nẵng

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghi Sơn khu kinh tế động lực   (05/01/2007)
Ba lô đến Nam Lào  (04/01/2007)
Nhà vườn Huế và chiều sâu văn hóa  (02/01/2007)
Miền Trung: Liên kết và tạo điểm nhấn  (02/01/2007)
“Vàng trắng” - thách thức trước vận hội mới  (31/12/2006)
Săn ghẹ mùa biển động  (29/12/2006)
Đà Nẵng, đô thị phát triển vắng bóng cây xanh  (28/12/2006)
Lên miền tây xứ Thanh  (26/12/2006)
Dung Quất ở phía bình minh  (25/12/2006)
Về thăm địa đạo, Sông Đầm  (25/12/2006)
Nhịp cồng vui bên sông Đăk Bla  (21/12/2006)
Phát triển Sông Cầu thành đô thị du lịch  (19/12/2006)
Lặng lẽ làng đúc Phước Kiều  (18/12/2006)
Sẽ nâng cấp Đà Lạt lên đô thị loại 1  (15/12/2006)
Long Sơn Tự một danh thắng xứ Trầm hương  (14/12/2006)