Trở lại Diễn Châu, mùa này, những làng chài đang nhộn nhịp hối hả, bừng lên trên từng chuyến tàu trở về khoang đầy ắp cá. Nhiều năm lại đây, kinh tế biển Diễn Châu có bước phát triển với tư tưởng “Bám lấy biển, vươn ra biển và làm giàu từ biển”…
Diễn Châu có gần 30 km đường biển trải dài trên địa bàn 10 xã. Từ ngàn xưa, vị mặn mòi của biển đã thấm vào máu thịt của những người dân chài nơi đây. Mùa nào thức ấy, biển nuôi sống con người, làm nên ấm no, hạnh phúc. Nghề khai thác thủy sản được hình thành và phát triển sớm nhất (thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, nước mắm làng Vạn Phần ở Diễn Châu đã nức tiếng ngon và là loại nước mắm tiến vua). Tuy nhiên, trước những năm 1990, kinh tế biển của Diễn Châu chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực khai thác và chế biến hải sản, toàn huyện có hơn 800 phương tiện tàu thuyền, phần lớn là thuyền thủ công đi bằng buồm, bè mảng, chỉ có khoảng vài chục tàu thuyền lắp máy lớn nhất là 33 sức ngựa, do nước ngoài hỗ trợ. Sản lượng khai thác khoảng 4.500 tấn- 5.000 tấn/năm. Chế biến tập trung tại các xí nghiệp của nhà nước và một số ít hộ dân, sản phẩm chủ yếu là nước mắm và ruốc.
Năm 1997 được coi như là thời điểm có ý nghĩa như một bước ngoặt trong kinh tế biển ở Diễn Châu, với sự ra đời của 17 chiếc tàu đánh bắt xa bờ và lực lượng nghề cá nhân dân ngày càng phát triển. Sản lượng cá tăng vọt, lĩnh vực chế biến cũng theo đó mà có bước phát triển vượt bậc. Hai cụm làng mang tính chất sản xuất nghề chế biến hải sản ở Diễn Bích và Diễn Ngọc đã được hình thành, mặt hàng ngày càng phong phú. Đến nay, toàn huyện đã có 1.506 phương tiện khai thác thủy sản, công suất lên tới gần 4.000 CV, sản lượng khai thác 11 tháng đầu năm là 27.387 tấn. Nghề cá không chỉ tăng về số lượng, mà còn thể hiện những bước chuyển dịch về chất lượng, nâng năng suất lao động, giá trị khai thác thủy sản tăng bình quân 17%/năm, từng bước chuyển dịch thành một ngành sản xuất công nghiệp, thúc đẩy các ngành khác phát triển. Từ một nghề truyền thống nhỏ lẻ và phân tán, nghề chế biến đã phát triển thành một nghề phổ biến, tập trung có tính làng nghề ở vùng trọng điểm nghề cá của huyện là Diễn Bích và Diễn Ngọc, trở thành nghề chế biến “toàn dân”, thể hiện theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm, từ chỗ chỉ có nước mắm và mắm các loại, đến nay đã có thêm nhiều mặt hàng mới như tôm nõn, cá phi lê, cá tẩm gia vị, ghẹ bông đông lạnh… được các đại lý thu gom, đưa đi theo dạng tiểu ngạch sang Lào, Trung Quốc, đặc biệt từ năm 2003, Diễn Châu là một trong số ít nơi đánh bắt và chế biến sản phẩm sứa, được thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc đặc biệt ưa chuộng. Hiện tại, giá trị của sản phẩm xuất khẩu chiếm 14%, lên tới 4 triệu USD/năm.
Đến nay, Diễn Châu đã có một bến cá, 9 cơ sở đóng tàu hàng năm sửa chữa hơn 200 phương tiện, hơn 50 cơ sở sản xuất đá lạnh, gần 60 đại lý thu gom chế biến sản phẩm xuất khẩu, hơn 160 hộ gia đình chế biến gần 1 triệu lít nước mắm/năm, những nghề dịch vụ này đã trở thành nghề sinh sống và làm giàu của ngư dân vùng biển. Nghề nuôi trồng thủy sản từ một nghề sản xuất phụ, mang tính tự cấp, tự túc, nuôi tự nhiên và quảng canh đã phát triển thành một ngành sản xuất hàng hóa, quy mô tăng, trình độ kỹ thuật thâm canh cao, sản lượng từ 640 tấn(năm 1997) lên tới 3.467 tấn trong 11 tháng đầu năm 2006.
Theo ông Nguyễn Trung Tiếp, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu thì hướng đi của của huyện trong những năm tiếp theo là phát huy năng lực tại chỗ, kêu gọi người dân liên kết đầu tư vào đánh bắt xa bờ, củng cố và phát triển hình thức khai thác này bằng cách đưa số tàu thuyền có công suất khoảng từ 30 CV trở lên đánh lộng, đánh khơi. Thực ra, những năm qua Diễn Châu vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của biển, mặc dù tư tưởng của chính quyền và bà con nới đây vẫn là bám lấy biển, vươn ra biển và làm giàu từ biển. Mà muốn vậy, phải đi bằng “nhiều chân” chứ không thể chỉ là nuôi trồng và khai thác hải sản. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tập trung vào nuôi trồng và khai thác hải sản, đặc biệt là tiếp tục kêu gọi đầu tư vào nuôi tôm công nghiệp, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về, vừa tạo sản phẩm làm giàu trên địa bàn, vừa tạo điều kiện cho người dân học tập kinh nghiệm đưa vào sản xuất nuôi trồng, huyện còn rất chú trọng vào phát triển du lịch biển, coi đây là một mũi chủ lực trong phát triển kinh tế biển. Ngoài bãi biển Cửa Hiền, những năm qua, bãi Diễn Thành đã được coi là một trọng điểm du lịch của huyện, với bãi biển rộng, êm, bờ cát dài trắng mịn và làn nước trong xanh, 2 năm nay, Diễn Châu đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng trên 147 ha quy hoạch của bãi tắm này, đồng thời tiếp tục mời gọi đầu tư theo con đường du lịch biển.
. Theo báo Nghệ An
|