Trong ký ức mù sương của mình, ông Phạm Thanh Biền, 85 tuổi, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi trong chiến tranh chống Mỹ vẫn còn nhớ như in về vùng núi quanh đỉnh Cà Đam-nơi đã cưu mang cả một cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử dân tộc. Hình ảnh “mây trắng” trên ngọn núi này luôn được ông lưu giữ như một nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Bất luận là mùa nào, mây trắng vẫn luôn hiện diện trên ngọn núi này. Nó ấm áp và gần gũi đến lạ thường. Gần gũi và nồng ấm như những người anh em Cor nơi này đã thủy chung son sắt với cách mạng cho đến hết cuộc chiến tranh”.
|
Mây trắng trên đỉnh Cà Đam.
|
Vùng mây trắng cùng những người anh em Cor nơi miền rừng Cà Đam ấy không chỉ thành lực hút đối với những nhà lãnh đạo trong kháng chiến để chọn nơi này làm căn cứ địa cách mạng mà còn là điểm ngắm cho những nhà làm kinh tế hôm nay. Nếu xét về địa hình, Cà Đam không thua Bà Nà của Đà Nẵng về độ cao để có thể hình thành nơi đây một điểm du lịch hấp dẫn. Nhiệt độ ổn định ở mức 20 độ C, nhất là trong mùa nóng bức, Cà Đam sẽ là điểm đến lý tưởng cho những du khách không quen với cái nóng vốn là “đặc sản” của miền Trung. Cà Đam không chỉ có ưu thế về độ cao mà địa hình của vùng núi này còn có nhiều thuận lợi khác. Từ Trà Bùi huyện Trà Bồng lên Trà Trung thuộc Tây Trà-nơi có thể hình thành khu du lịch- chừng mười cây số, song đường đi rất hiểm trở. Tuy nhiên, qua khỏi đoạn hiểm trở này, một không gian thoáng đãng như bày như vẽ ra trước mắt với một địa hình khá bằng phẳng để có thể hình thành những nhà nghỉ dưỡng một cách thuận lợi nhất. Các ngọn đồi nơi đây như được thiên nhiên sắp đặt, núi nhiều tầng, từ thấp đến cao để có thể hình thành những “tour” cáp treo phục vụ cho những du khách thích mạo hiểm. Cà Đam lại không quá xa các trung tâm như thành phố Quảng Ngãi hoặc Dung Quất là bao. Chỉ ba mươi phút ôtô là du khách có thể “duỗi chân duỗi tay” tại nơi mình cần đến trong một không gian mát mẻ và yên tĩnh.
|
Ruộng lúa nước của đồng bào Cor quanh Cà Đam.
|
Đối với những ai muốn khám phá về phong tục tập quán của người dân bản địa thì vùng Cà Đam này vẫn đáp ứng một cách đầy đủ nhất. Chung quanh vùng núi này là người Cor “rin”. Không phải vì họ “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” như các nhà tuyên tuyền cổ súy lâu nay đâu mà cái chính là đường dẫn về Cà Đam hầu như không được đầu tư để làm. Các đây khoảng 6 năm, huyện Trà Bồng mở một tuyến đường lên Cà Đam từ Trà Bùi nhưng chỉ san ủi sơ sài, qua vài mùa mưa, đâu lại vào đó. Vì vậy, xã Trà Trung trở thành ốc đảo giữa rừng Cà Đam này nên người Cor nơi đây hầu như không có điều kiện để tiếp xúc với cái gọi là “thế giới văn minh” bên ngoài. Nếu như người Cor ở các xã khác đều làm nhà trệt thì dân Cor ở Trà Trung vẫn còn giữ nguyên những nếp nhà sàn. Nam nữ thanh niên Cor nơi đây cũng không ăn diện quần bò, áo chim cò như những nơi khác mà họ vẫn còn giữ nguyên trang phục của dân tộc mình, nhất là trong các dịp lễ hội. Một không gian văn hóa thuần khiết như vậy sẽ là nơi thu hút khách du lịch nước ngoài nếu như được tổ chức một cách bài bản. Nếu mai này hình thành khu du lịch tại đây, việc đầu tiên là nên giữ nguyên hiện trạng những nếp nhà sàn đồng thời hướng dẫn đồng bào cùng tham gia vào làm du lịch như đồng bào ở một số nơi thuộc các tỉnh phía Bắc đã làm.
Đối với những ai muốn khám phá về lịch sử vùng rừng này thì Cà Đam vẫn còn nguyên một “kho sử sống” về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Ông Phạm Thanh Biền có kể cho tôi nghe về cuộc vượt thoát của ông cùng những người đồng chí từ đồng bằng lên Cà Đam để lập căn cứ kháng chiến lâu dài vào những năm đầu chống Mỹ, chẳng khác nào như nghe chuyện trinh thám. Ông nói: “Chúng tôi phải chọn Cà Đam là vì nơi đây có thể cơ động bằng đường bộ về đồng bằng nhanh nhất. Địa hình hiểm trở, rừng núi điệp trùng này đã trở thành thiên la địa võng đối với kẻ thù nên chúng không dám truy đuổi những người kháng chiến. Dân Cor nơi đây cực kỳ thủy chung với cách mạng. Họ có thể đốt cả ngôi nhà của mình để đánh lừa địch, tạo điều kiện cho chúng tôi thoát hiểm”. Chính dưới chân núi quanh năm mây phủ này, những người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Quảng Ngãi thời ấy đã bàn thảo và đề ra nhiều chủ trương để đánh những đòn phủ đầu vào chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Một nhà bảo tàng về cuộc chiến tranh cách mạng tại đây nếu như có khu du lịch sẽ là điều vô cùng cần thiết.
|
Lễ hiến tế của đồng bào Cor dưới chân núi Cà Đam.
|
Cà Đam không chỉ có mây trắng mà vùng núi này còn là nơi trú ngụ của hàng chục loài động vật quý hiếm. Những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi trong tỉnh Quảng Ngãi còn lại cũng đều tập trung quanh khu vực này. Một vài năm nữa, dưới chân núi Cà Đam sẽ xuất hiện một hồ chứa nước của công trình thủy lợi Nước Trong với hàng nghìn hecta sẽ là điểm du thuyền vô cùng hấp dẫn.
Có núi, có rừng, có sông hồ mây nước, nghĩa là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đều có, chỉ thiếu sự quyết tâm để biến nơi đây thành điểm du lịch mà thôi.
|