Đường về Đại Chiêm hải khẩu
16:59', 15/1/ 2007 (GMT+7)

Đường chỉ dài chừng 5 km nhưng mang theo bao trầm tích của thời gian. Đường Cửa Đại, chỉ cần nhắc đến tên, người Hội An biết ngay đó là con đường đi về Đại Chiêm hải khẩu, một cửa khẩu của cảng thị giao thương thịnh đạt thời vương quốc Chămpa (thế kỷ II-XV) và Đại Việt (thế kỷ XVII).

 

Phố cổ Hội An

 

Chỉ mới 15 năm thôi, con đường rợp bóng dừa và cau của những làng quê ven sông đã đổi thay không ngờ. Vừa mới ra khỏi khu Hội Điền, người Pháp gọi là khu “ Ville de Faifoo”, bây giờ thì trung tâm đô thị, khách bộ hành đi theo tiếng lốc cốc của nhà văn Nguyễn Tuân về với trùng khơi sóng vỗ.

Ban đầu, đường dài chừng 3,5 km, đến ngang sông Cổ Cò và dừng lại ngay cầu Cẩm An. Sau giải phóng và đặc biệt là khi đô thị Hội An phát triển mạnh ngành “công nghiệp không khói”, đường dài thêm 1,5 km, đưa khách từ phố thị đến tận hải khẩu Đại Chiêm.

Quá trình hồi sinh của con đường được nhiều người ví như một câu chuyện cổ tích. Rất  nhiều “lão nông tri điền” sống quanh quẩn bên mảnh ruộng, tấm lưới ở Cẩm Châu, Cẩm An, sau một giấc ngủ đã thành… tỷ phú. Mà thực vậy, khu vườn rộng quanh năm chỉ canh tác mấy vụ hoa màu, một hôm có “ đại gia” đi xe ô tô đến hỏi mua với giá vài tỷ đồng! Từ đó, hàng chục khác sạn, khu du lịch, biệt thự, nhà hàng mọc lên. Nhiều khu du lịch được quốc tế xếp vào hàng topten như khu du lịch ven sông, Khách sạn nhà cổ, Thái Bình Dương, Glory… Sáng sớm, cả nghìn người dân trên phố cùng với du khách bốn phương thả bộ hay đạp xe về Cửa Đại ngâm mình trong nước biển. Chiều về, hàng  chục xe taxi, shutter bus ngược xuôi nhộn nhịp với dịch vụ vận chuyển, bán mua.

Ngoài những con đường trong khu phố cổ, đường Cửa Đại giờ  đây được xem như một vùng đệm để phát triển du lịch. Vì thế mà giá đất cao ngất ngưỡng, giới trung lưu không thể cho phép mình mơ về một mảnh đất nơi này. Dù thế, cảnh trí trí chung của cả con đường vẫn không  bị đô thị hóa toàn bộ. Xen lẫn giữa những khách sạn cao tầng, hàng dừa vẫn vươn cao, con sông Đò gắn liền với làng quê Cẩm Thanh vẫn hồn nhiên xanh nước. Nếu nhìn toàn cảnh, sự phát triển hiện đại cũng chỉ điểm xuyết vài dấu ấn dễ mô tả về một con đường đặc trưng của làng quê sinh thái miền Trung. Nói như các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, yếu tố phố thị vẫn hòa quyện trong văn hóa làng xã. Chỉ cần rẽ sang hai bên, sau mỗi ngôi nhà, sông nước, vườn tược vẫn còn gợi cho bao thế hệ về một miền quê thâm cảm.

Đường Cửa Đại đưa du khách về Cửa Đại, điểm cuối của con đường nhưng gợi nhớ bao trầm tích của thời gian. Trước khi đến bãi biển xanh mát, du khách còn đi qua các làng quê cổ xưa của người Việt được lập từ thế kỷ XVII. Đó là làng cá Đế Võng ở Sơn Phô, làng Thanh Châu chuyên nghề khai thác yến sào, làng có tên gọi rất đẹp là Hoa Phô chuyên trồng rau thơm và hoa; hay như làng An Mỹ với nhiều tục danh như Tâm Chiếu, xóm Chiêu và cả làng chài Thanh Nam không nổi danh vì cá tôm mà vì con gái đẹp.

Khi đến cầu Phước Trạch bắc ngang sông Cổ Cò, những chiếc thuyền câu làm tưởng nhớ đến một Lộ Cảnh Giang mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí- Quốc Sử Quán Triều Nguyễn có ghi: Lộ Cảnh Giang ở cuối hai huyện Diên Phước và Hòa Vang, sông này từ Thanh Châu chảy ra phía bắc đến phía tây núi Tam Thai (Non Nước) nhập với sông Cẩm Lệ. Trước khi bị bồi lấp vào nửa sau thế kỷ XIX, sông Cổ Cò nối liền Cửa Đại- Hội An với Cửa Hàn- Đà Nẵng và đầm Trà Quế làm nên  “Vũng Tàu Bắc”, nơi neo đậu, bốc dỡ, trung chuyển hàng hóa với thương cảng  Faifoo của các thương thuyền và là lộ trình giao thông thường thủy thuận lợi, được nhiều thương khách sử dụng, đi lại.

Về tới Cửa Đại, bãi tắm còn lại duy nhất dù Hội An có tổng cộng 7 km bờ biển, du khách không chỉ nghe sóng vỗ mà còn chiêm ngắm ra tới cù lao Chàm, còn được gọi là Tiêm Bất Lao, một hải đảo có di chỉ khảo cổ học niên đại hơn 2.000 năm, nơi cư trú của cư dân thời tiền-sơ sử rồi đến thời Chiêm cảng- Chămpa. Du khách đã đứng ngay trên Đại Chiêm hải khẩu, bên dưới những bờ cát trắng, rất nhiều dấu tích đã được tìm thấy về một cửa khẩu xưa cũ. Theo ông Trần Anh, giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản- di tích Quảng Nam, cho đến cuối thế kỷ XVIII, sông Thu Bồn vẫn đổ ra biển bằng hai cửa: Cửa Đại và Cửa Tiểu. Cửa Đại, sau này còn gọi là Cửa Lở, Cửa Khâu, nằm ở khu vực bãi tắm Cửa Đại hiện nay là cửa chính mà các thương thuyền Á- Âu tấp nập vào ra để buôn bán với cảng thị Hội An lúc bấy giờ.

Có thể bạn sẽ không bao giờ đi hết con đường chỉ dài chừng 5 km với ngồn ngộn sử liệu như đường Cửa Đại. Con đường có dấu ấn rất đậm nét trong tâm thức của người Hội An cũng như trong quá trình phát triển đi lên của một đô thị cổ- Di sản văn hóa thế giới.

. Theo báo Quảng Nam

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Niềm tin được chắp cánh  (12/01/2007)
Mây trắng Cà Đam  (11/01/2007)
Hướng về phía biển  (09/01/2007)
Quảng Nam: bước tiến 10 năm   (07/01/2007)
Nghi Sơn khu kinh tế động lực   (05/01/2007)
Ba lô đến Nam Lào  (04/01/2007)
Nhà vườn Huế và chiều sâu văn hóa  (02/01/2007)
Miền Trung: Liên kết và tạo điểm nhấn  (02/01/2007)
“Vàng trắng” - thách thức trước vận hội mới  (31/12/2006)
Săn ghẹ mùa biển động  (29/12/2006)
Đà Nẵng, đô thị phát triển vắng bóng cây xanh  (28/12/2006)
Lên miền tây xứ Thanh  (26/12/2006)
Dung Quất ở phía bình minh  (25/12/2006)
Về thăm địa đạo, Sông Đầm  (25/12/2006)
Nhịp cồng vui bên sông Đăk Bla  (21/12/2006)