Đâm trâu là một trong những tập tục của người Cor ở huyện vùng cao Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi. Đó là kết quả sau lời nguyện ước của một người trọng bệnh được chữa khỏi, cũng có khi đó là cuộc tế lễ của một người khá giả muốn đãi dân làng sau một năm làm ăn phát đạt. Nhưng lễ đâm trâu vào ngày 13.1.2007 tại thôn 2 xã Trà Thủy chỉ một lý do: Khánh thành ngôi nhà “tàu lửa” của làng.
|
Già làng Hồ Văn Ba (trái) làm lễ trước khi buộc trâu
|
Mấy đồng nghiệp ở huyện Trà Bồng gọi đó là cuộc tế lễ hiếm hoi của người Cor mà vật hiến tế là một “con trâu quốc doanh”. Ý nói con trâu này được Nhà nước đài thọ toàn bộ kinh phí cho một cuộc vui đến … hai-ba ngày! Trước đây người Cor quần cư trong các ngôi nhà dài, gọi là nhà “tàu lửa” với khoảng 10-15 “bếp” trong một nhà (bếp là đơn vị tính cho một gia đình). Thực hiện “đời sống mới”, hàng loạt nhà “tàu lửa” bị phá bỏ, người Cor chuyển sang làm nhà trệt, mỗi gia đình ở trong một nhà như người Kinh. Nhà sàn người Cor đã vắng bóng trong đời sống của họ dễ có đến ba mươi năm nay. Dù vậy, lớp người già thì vẫn canh cánh bên lòng về những ngôi nhà “tàu lửa” một thời. Thế rồi, một cuộc phát động khác, lần này là phục dựng lại các nhà văn hóa của làng. Nhà “tàu lửa” của người Cor có dịp được “sống lại”. Đó là lý do để người Cor dưới chân núi Cho này “đâm trâu” mừng nhà mới, dù ngôi nhà “tàu lửa” hôm nay không dài và đẹp như ngày trước.
Con trâu làm vật hiến tế lần này không quá lớn song rất đẹp, từ bộ lông cho đến đuôi, tai, bốn chiếc chân, đặc biệt là cặp sừng không chê vào đâu được. Anh Hồ Ngọc An, Trưởng ban văn hóa xã Trà Thủy cho biết, để có được con trâu này, dân làng đã cắt cử một nhóm người băng rừng lội suối suốt cả tuần mới tìm được tại xã Trà Nham, giáp với huyện Tây Trà. Con trâu giá 7,5 triệu nhưng phải mua về trước lễ từ hai tháng nay. Hàng ngày, một người dân trong làng được cắt cử chuyên tắm rửa và vỗ béo cho trâu.
|
Chuẩn bị hành quyết.
|
Đúng bảy rưỡi sáng, khi mặt trời vừa nhô lên khỏi rẫy quế trước làng, cuộc “hành quyết” bắt đầu. Trước khi con trâu được hóa kiếp, một loạt các nghi lễ được già làng Hồ Văn Ba tiến hành rất bài bản. Trước tiên là chọn chỗ để dựng nêu. Trụ cây nêu này được dùng làm chỗ buộc trâu trước khi đâm. Cây nêu của người Cor với những hoa văn tượng trưng cho quan niệm tín ngưỡng của dân tộc này gồm nhiều màu sắc bắt mắt. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa, cây nêu của người Cor độc đáo hơn hẳn các loại nêu của một số dân tộc anh em khác. Đó là lý do tại sao, cây nêu Cor có mặt trong Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Sau lễ dựng nêu là những lễ cúng dành cho nhiều bậc thần linh khác nhau. Ví như lễ cúng mo-huýt hay còn gọi là cúng Bà Chúa Ngọc-một vị thần cai quản toàn bộ đời sống vật chất lẫn tinh thần của làng. Nghe nói, Bà Chúa Ngọc không ăn được thịt trâu, vì vậy lễ cúng này, dân làng phải mổ hai heo! Buổi tối trước lễ đâm trâu, một loạt các lễ cúng khác cũng được tiến hành. Kèm theo lễ này là hội múa cồng chiêng với sự tham gia của các nghệ nhân của làng. Sáng sớm, già làng có một lễ cúng nhỏ, gọi là cúng mừng trâu. Cả làng đi vòng quanh con trâu, trẻ già trai gái đều ăn mặc đẹp như đi hội. Sau khi đi 9 vòng quanh con trâu để hát và múa chiêng, con trâu được “bàn giao” cho ông bà. Rắc một ít rượu và rải một nắm lá xanh vào người con trâu, già làng Hồ Văn Ba thủ thỉ: “Mày đừng buồn trâu ơi, chút nữa đây là mày về với tổ tiên ông bà, dân làng đã chọn vinh dự này cho mày chứ không một con trâu nào khác. Mày về “bên kia” ngọn núi, con sông và luôn phù hộ cho dân làng được mạnh khỏe, mùa màng tốt tươi”. Nói đoạn, già làng rải một nắm lá xanh vào đầu con trâu, sau đó ông rải số lá xanh còn lại lên đầu của tất cả con cháu trong họ tộc rồi về nghỉ tại nhà sàn. Những lời thủ thỉ trên đây tôi được một thanh niên của làng “dịch” lại, còn già làng chỉ vái bằng tiếng Cor, không hiểu được. Thủ thỉ những lời như thế với con vật hiến tế trước khi nó hóa kiếp, tôi nghĩ, người Cor xem rất “nhân văn”.
|
Lễ cúng Bà Chúa Ngọc
|
Sau bốn nhát đâm thật “nghiệt”, con trâu đổ gục bên cạnh cây nêu sau khi rống lên một hồi thảm thiết. Già làng ra xem hiện trường và tung nắm lá lách-một loại lá rừng- lên, đám thanh niên lao vào hứng lấy. Ai hứng được nhiều lá lách nhất, người đó được quyền mổ trâu. Làng tiếp tục liên hoan phần thịt của con trâu này suốt cả ngày hôm đó. Cơm, canh và thịt luôn luôn được nấu sẵn, ai đói cứ việc xơi, không soạn sành, bày vẽ hay thưa gửi dài dòng.
Lễ đâm trâu của người Cor không quy định ngày, thấy lúc nào rỗi là tổ chức lễ, chỉ có một điều kiêng kỵ là trong tháng đó, làng không có tang ma. Chứng kiến cảnh đâm trâu thật rùng rợn, chỉ có phần cúng trâu và phần múa chiêng là vui nhộn nhất. Có điều, trâu “quốc doanh” thì dân làng được một bữa no say mà không phải mất tiền, còn nếu lễ đâm trâu do một cá nhân đứng ra “bao sân” thì ít nhất cũng tốn từ 12-15 triệu. Bấy giờ, đúng như câu cửa miệng của dân Cor :”Ăn một bữa hết nửa gia tài!”. Còn nói như người Kinh thì “Đông vui nhưng mà … hao!”.
|