Sau gần 8 năm đầu tư xây dựng khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo (KKT-TMĐBLB), từ một thị trấn miền núi heo hút, cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội yếu kém, người dân không có nước sạch, điện sinh hoạt, giao thông cách trở, trường học, bệnh xá hết sức tạm bợ… đã dần hình thành một Trung tâm giao dịch thương mại tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Đến nay, tại KKT-TMĐBLB các công trình thiết yếu như hệ thống giao thông nội thị , liên xã, trường học, bệnh xá, bến xe, sân vận động, hồ chứa nước phục vụ cho sản xuất và đời sống… đã được xây dựng đồng bộ và hiện đại với tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 310 tỷ đồng. Bên cạnh đó, bằng cách huy động nhiều nguồn lực, KKT-TMĐBLB đã thu hút thêm hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào hệ thống đường dây và trạm cao thế 110 kV, hệ thống cáp quang viễn thông, nâng cấp đường 9, giao thông nội thị, xây dựng Quốc môn, trạm kiểm soát cửa khẩu… tạo thành một hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị và cải thiện đời sống nhân dân trong khu vực. Đặc biệt, với diện tích sàn 10.000 m2 Trung tâm Thương mại Lao Bảo đưa vào sử dụng từ năm 2003, thu hút 400 hộ kinh doanh và hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả. Tính đến cuối năm 2006 có 49 dự án đầu tư vào khu KT-TMĐBLB với tổng vốn đã và đang đầu tư và lập dự án 1.911,7 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất tăng hàng năm, trong năm 2005 đạt khoảng 200 tỷ đồng và năm 2006 khoảng 250-270 tỷ đồng. Tuy còn hạn chế về quy mô, song đây là bước phát triển góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa bàn huyện miền núi, vùng biên giới còn nhiều khó khăn. Bên cạnh các dự án sản xuất công nghiệp, các dự án dịch vụ được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động như khách sạn đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế, trung tâm thương mại, ngân hàng, bưu chính viễn thông, dịch vụ vận tải… đã phát huy hiệu quả sử dụng. Nhiều dự án khác đã và đang được lập thủ tục triển khai như siêu thị Đông Nam Á, khu Thương mại Trung Quốc, khu giới thiệu sản phẩm và văn phòng cho thuê, khách sạn Thái Hòa, khách sạn Thái Dương, khách sạn Đông Nam Á. Đến nay toàn bộ diện tích đất đầu tư cơ sở hạ tầng cho sản xuất kinh doanh đã được các doanh nghiệp cam kết lấp đầy. Thương mại dịch vụ cũng đã và đang phát triển mạnh cả số lượng, quy mô, chất lượng và các loại hình kinh doanh, lưu lượng phương tiện hàng hóa và khách du lịch ra vào KKT-TMĐBLB ngày càng tăng, tạo môi trường kinh doanh thương mại ngày càng sôi động. Năm 2003 chỉ có 130.000 lượt khách đến KKT-TMĐBLB, năm 2005 đã tăng lên 500.000 lượt người. Đặc biệt năm 2006 lượng khách tăng mạnh, mỗi ngày có trên 300 lượt phương tiện vận tải với hàng ngàn lượt khách ra vào khu vực. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu cũng tăng lên đáng kể. Số doanh nghiệp ngày càng tăng, năm 1998 khi mới thành lập chỉ có 12 doanh nghiệp, đến nay có trên 100 doanh nghiệp đang hoạt động. Mạng lưới chợ tại các xã cũng phát triển tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về phát triển kinh tế hàng hóa. Với những kết quả đã đạt được về đầu tư phát triển kinh tế, những năm qua thu nhập bình quân của khu vực tăng trên 16%, các doanh nghiệp đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng, riêng năm 2006 khoảng từ 15-17 tỷ đồng. Sự nghiệp giáo dục, y tế được cải thiện, an ninh trật tự, an ninh biên giới được giữ vững.
Năm 2007, bức tranh sáng tươi về KKT-TMĐB LBB đang hiện hữu và ngày càng đậm nét, biểu hiện một sức bật mới, vươn lên, chủ động hội nhập trên hành lang kinh tế Đông- tây, đồng thời khẳng định các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đã trở thành hiện thực sôi động trong bước đường đi đến ngày mai nơi cửa ngõ phía Tây tỉnh nhà.
. Theo báo Quảng Trị |