Sư đoàn lọc dầu
11:13', 19/1/ 2007 (GMT+7)

Nếu tính quân số đủ, mỗi sư đoàn là một vạn quân thì bắt đầu từ năm 2007 này, trên công trường Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ luôn luôn có mặt một sư đoàn! Ông Trương Văn Tuyến, Trưởng Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất nói vui: “Sư đoàn lọc dầu”.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra thi công Nhà máy lọc dầu Dung Quất (ảnh: TĐ)

 

Không biết thời ta làm thủy điện sông Đà, người có đông như thế không chứ làm nhà máy lọc dầu này, người đâu mà đông thế. Cứ thử hình dung mỗi chiều tan tầm, có mười ngàn người chen nhau ra cổng của nhà máy lọc dầu Dung Quất, thì hãi thật. Suốt ba năm như thế, tại khu lọc dầu này, ngày nào người cũng chen nhau như sau một trận đá bóng giải ngoại hạng Anh. Sự đông đúc ấy như được nhân lên trong tôi khi cả một ký ức hiu hắt về vùng đất này cứ lần lượt hiện về.

Còn nhớ ngày ấy, khoảng thời gian trong hai năm 1997-1998, hàng ngàn người dân xóm Đồng Tre của xã Bình Trị này lần lượt gồng gánh rời quê, nhường đất cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tôi đã thấy những giọt nước mắt của hy vọng lăn dài trên đôi gò má khổ hạnh của những bà mẹ quê khi phải đùm túm con cái rời làng. Và tôi cũng đã thấy những đôi mắt ấy có gì như oán trách khi họ phải thường xuyên đối mặt với những gian khổ chồng chất ngót mười năm sau đó mà cái nhà máy họ đặt niềm hy vọng tràn bờ kia thì vẫn xa tít mù tăm. Xin được lưu ý điều này: Ở vùng đông huyện Bình Sơn, tức Khu Kinh tế Dung Quất hiện nay, thời chống Mỹ được xem là “vùng đất chết” của cả lính Mỹ lẫn lính Đại Hàn. Lính Mỹ ví dân vùng này như những chú còng trên cát, thoắt ẩn thoắt hiện nên khó mà dồn dân lập ấp được. Họ đã trụ bám với cát để nuôi cách mạng, cưu mang cả một cuộc chiến tranh dài dặc ấy mà không rời làng nửa bước. Ấy vậy mà khi nghe phải nhường đất cho công trình trọng điểm quốc gia-nhà máy lọc dầu - họ đã vui vẻ ra đi dù là ra đi trong luyến tiếc. Vùng cát ấy đã thấm máu của nhiều thế hệ nên thêm một lần hy sinh đối với người dân nơi đây là thêm một trĩu nặng không chỉ về kinh tế mà còn có cả tâm linh nữa. Gần mười năm sống trong chịu đựng, trong ấm ức, trong bực bõ, dân Dung Quất không nổi giận lên đã là may lắm rồi!

Ở xã Bình Trị - nơi đặt nhà máy lọc dầu Dung Quất, có câu chuyện mà mỗi lần kể ra là một lần không biết nên cười hay nên rơi nước mắt. Chuyện rằng, Hội nông dân của xã có lập dự án vay vốn chăn nuôi. Cụ thể là nuôi bò thịt. Ngân hàng xem qua xét lại, thấy đất Bình Trị này khó phát triển đàn bò nên bác dự án. Họ cho rằng vùng “đất cát phì nhiêu” này làm gì có đồng cỏ để mà nuôi bò. Ông chủ tịch Hội nông dân xã bèn vác đơn đi … kiện. Kiện rằng, ở Bình Trị hiện có một đồng cỏ bao la, rộng trên trăm hecta chứ ai dám bảo là không có cỏ? Cán bộ ngân hàng về mục sở thị, ông hội trưởng nông dân liền dẫn xem thực địa. Hóa ra là mặt bằng Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính là “đồng cỏ tiềm năng” cho đàn bò dự án. Chắc chắn câu chuyện trên là có thêm mắm muối cho mặn mà, cho đỡ tức về cái nhà máy động thổ đã gần mười năm mà vẫn không triển khai xây dựng. Tuy nhiên, có một sự thật là, những năm ấy, mặt bằng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã thành nơi cưu mang cho một đàn bò ngót nghét trăm con, mà con nào cũng tròn lẳn, béo ú!  Hơn một năm nay, kể từ ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh “khởi công lại” gói thầu số 1 của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đàn bò ngót nghét trăm con đã đột ngột biến mất, nhường chỗ cho tiếng người ồn ã, tiếng xe tiếng máy ầm ào, nhường chỗ cho “sư đoàn lọc dầu” ngày đêm hối hả chạy đua với thời gian, tất cả đều hướng về cái đích cuối cùng: Đầu năm 2009, tại vùng quê này, những dòng dầu đầu tiên sẽ xuất xưởng, nhập vào dòng chảy chung của thế giới. Để chạm được cái đích ấy, từ đây đến đó là cả một cuộc vật lộn gian nan. Bước đi nào cũng phải dò dẫm, thận trọng. Kẻ khai sơn phá thạch bao giờ cũng để lại những dấu chân thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, có những niềm vui ùa vỡ nhưng cũng có những sai lầm xót đắng. Sự nông nổi của thời “Liên doanh Việt-Nga” của nhà máy lọc dầu này, bây giờ chúng ta đang phải trả giá. Thế nhưng, những người chịu trách nhiệm cao nhất trước nhân dân đã biết gạt qua những hòn sạn ấy để hướng về cái đích cuối cùng.

Ông Trương Văn Tuyến mở sổ: Đến cuối năm 2006, công việc thiết kế đạt khoảng 80-90%, không lo. Các móng trụ của từng công đoạn trên mặt bằng nhà máy đã và đang hoàn thiện. Hàng trăm ngàn tấn sắt thép đã tập kết về mặt bằng nhà máy. Trong tháng 1.2007, một khối sắt khổng lồ nặng đến 1.100 tấn sẽ cập cảng Dung Quất. Khối sắt này sẽ được cưa làm ba, song khối nặng nhất vẫn trên 600 tấn. Vì vậy, anh em công nhân đang cày ủi, đổ đất để lấp sông Đầm, mở đường cho xe qua, vì cầu sông Đầm sẽ sụp nếu tải khối sắt siêu trường siêu trọng này. Hỏi: “Vậy lo nhất là gì? Tiến độ thi công hay …tiền?”. Ông Tuyến lắc đầu: “Năm nay trời thương, bão không vô Quảng Ngãi nên cả đê chắn sóng (gói thầu 5A) lẫn mặt bằng nhà máy đều thoát hiểm. Chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn cam go đầu tiên nên việc chậm tiến độ đôi chút không quan trọng lắm. Có thể làm ca ba là kịp với kế hoạch đề ra. Còn tiền thì mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu phía ngân hàng giải ngân sớm cho các dự án lớn, trong đó có lọc dầu này nên tiền không phải là vấn đề bức xúc. Điều tôi quan tâm nhất hiện nay là với một lượng người khổng lồ đổ về Dung Quất trong năm 2007 này sẽ để lại những điều mà mình không lường hết được cho vùng quê vốn bình yên này”. Hóa ra ông Tuyến lại đi lo chuyện phần phụ của lọc dầu chứ không phải là lo chuyện con người như tôi chờ câu trả lời từ ông.  Phần chính, tức phần “nhân lực” bớt lo là có cơ sở, bởi lẽ ông Tuyến đang sở hữu một đội ngũ kỹ sư và công nhân vừa trẻ vừa có năng lực, họ được đào tạo rất bài bản. Toàn bộ số người này được làm việc với những chuyên gia hàng đầu về xây dựng cũng như về lọc dầu của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Họ đã học được tính kỷ luật, nhất là tính chuyên nghiệp trong công việc từ những chuyên gia này. “Các em còn thiếu một chút kỹ năng trong ứng xử và giao tiếp. Hay nói đúng hơn là thiếu sự từng trải. Tôi ngại chuyện đó thôi”. Ông Tuyến lại thanh minh. Riêng tôi thì thấy các bạn ấy trao đổi công việc hay trò chuyện bằng tiếng Anh tiếng Pháp với người nước ngoài, khiến những ông Tây to kềnh càng cười vỡ bụng, mà thèm, mà vui lây với sự trưởng thành của một thế hệ sẽ nắm vận mệnh đất nước này.

 

Công nhân ngành dầu khí thi công nhà máy lọc dầu (ảnh: TĐ)

 

Mười ngàn người đổ về Dung Quất năm 2007, rồi lên mười lăm ngàn người vào năm 2008, chao ôi là người! Ăn  đâu, ngủ đâu, sinh hoạt đâu, chơi đâu… tất cả những câu hỏi đó đang đùn lên trong đầu những nhà quản lý của các đơn vị thi công. Nó cũng ứ lên trong đầu những người lãnh đạo Quảng Ngãi. Trên 40.000 tỷ đồng Việt Nam đã và sẽ rót vào Dung Quất. Chỉ tính sơ sơ chuyện ăn chuyện ngủ nghỉ, chuyện rơi vãi từ cái sư đoàn lọc dầu này tại Dung Quất, mỗi năm là 2.000 tỷ đồng, gấp đôi tiền thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi trong thời điểm hiện tại! Ấy thế mà, tỉnh Quảng Ngãi gần như quá lúng túng trước khối tiền khổng lồ này. Họ không có một sự chuẩn bị cần thiết để đón nhận 2.000 tỷ mỗi năm kia. Thật khó có thể tin rằng, cho đến hôm nay, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa hình thành được một vùng rau sạch thật sự, thực phẩm và lương thực sạch thật sự để có thể đáp ứng được phần nào cho cái sư đoàn lọc dầu kia. Gần như tất cả lương thực thực phẩm, các đơn vị thi công đều phải vận chuyển từ TP Hồ Chính Minh và Đà Lạt ra.

Ông Tuyến lo lắng là có cơ sở. Rồi sẽ có những mâu thuẫn xảy ra trong mỗi làng quê tại Dung Quất, thậm chí là trong mỗi gia đình, một khi sự phân hóa giàu nghèo ngày càng hiện rõ. Sư đoàn lọc dầu với khối tiền khổng lồ như trận mưa vàng trút lên vùng cát nóng sẽ để lại nhiều thứ phiền toái mà không một ai có thể lường hết được. Tuy nhiên, dẫu sao, cái mà người dân Dung Quất sẽ được hưởng từ nhà máy này, từ sư đoàn lọc dầu này vẫn là phần tích cực đáng được ghi nhận.

Cuối năm rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có về thăm Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nói chuyện với cán bộ và công nhân nhà máy, ông lưu ý là phải hết sức chú trọng đến chất lượng công trình chứ đừng vì sức ép của thời gian mà xem nhẹ tính bền vững của dự án. “Cả nước đang nín thở hướng về các bạn!”. Ông nói. Vâng, cả nước đang nín thở để nghe từng bước chân rầm rập ngày đêm của sư đoàn lọc dầu này. Một cuộc hành quân không có tiếng súng nhưng trận đánh lớn này chúng ta không có quyền thua.

  • Trần Đăng
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bức tranh sáng tươi về Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo  (18/01/2007)
Xem người Cor đâm trâu  (17/01/2007)
Đường về Đại Chiêm hải khẩu  (15/01/2007)
Niềm tin được chắp cánh  (12/01/2007)
Mây trắng Cà Đam  (11/01/2007)
Hướng về phía biển  (09/01/2007)
Quảng Nam: bước tiến 10 năm   (07/01/2007)
Nghi Sơn khu kinh tế động lực   (05/01/2007)
Ba lô đến Nam Lào  (04/01/2007)
Nhà vườn Huế và chiều sâu văn hóa  (02/01/2007)
Miền Trung: Liên kết và tạo điểm nhấn  (02/01/2007)
“Vàng trắng” - thách thức trước vận hội mới  (31/12/2006)
Săn ghẹ mùa biển động  (29/12/2006)
Đà Nẵng, đô thị phát triển vắng bóng cây xanh  (28/12/2006)
Lên miền tây xứ Thanh  (26/12/2006)