Trước năm 1997, mặc dù là trung tâm hành chính- kinh tế- văn hóa- xã hội của một tỉnh lớn Quảng Nam- Đà Nẵng, song TP Đà Nẵng lúc đó có rất ít khu vực thực chất mang tính phố phường, còn lại là tình trạng bán nông, bán thị với những xóm làng xen lẫn giữa những vùng đầm hoang vu.
Sau năm 1997, khi trở thành TP trực thuộc T.Ư, TP vừa chủ trương chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh vừa tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị. Với quyết sách đúng đắn, táo bạo của Đảng bộ, cùng với chủ trương hợp lòng dân, biết phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, Đà Nẵng đã và đang thực hiện tiến trình đô thị hóa thành công trên cả mặt quy mô và chất lượng. Một trong những thành quả to lớn nhất ở TP Đà Nẵng một thập niên qua là công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị, khai thác nguồn lực trong dân một cách hiệu quả để phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian đô thị. Điều này đã làm thay đổi bộ mặt TP, thu hút các nhà đầu tư, tác động tích cực đến quá trình phát triển KT-XH, góp phần nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Về quy mô đô thị, diện tích nội đô, từ con số 5.000 ha cách đây mấy năm, giờ đã tăng lên hơn gấp 3 lần. Với việc triển khai hàng loạt các dự án cải tạo đô thị như: Khu đô thị mới Thạc Gián- Vĩnh Trung, Dự án Bạch Đằng Đông, khu Liên Chiểu- Thuận Phước, Khuê Trung- Hòa Cường, Làng Đại học Đà Nẵng, các đường như Nguyễn Tất Thành, đường ven biển Sơn Trà- Điện Ngọc… không gian đô thị Đà Nẵng không còn bó hẹp ở một số phường của quận Hải Châu và Thanh Khê như trước. Đến nay, TP Đà Nẵng đã được mở rộng thành 6 quận nội thành với quy mô rộng lớn, cơ sở hạ tầng tương xứng với đô thị loại I. Trong một thập niên qua, TP đã vận động khoảng 65 ngàn hộ gia đình, nghĩa là hơn 1/3 cư dân toàn thành phố chịu giải tỏa di dời, lấy đất xây dựng những công trình công cộng, phúc lợi. Những con đường lớn như: Trường Chinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Tri Phương, Ngô Quyền, Sơn Trà- Điện Ngọc… cùng với những cây cầu: Sông Hàn, Tuyên Sơn, Cẩm Lệ… không chỉ tỏa nét đẹp hoành tráng cho thành phố mà còn là điều kiện, tiền đề cho Đà Nẵng mở rộng và phát triển trên nhiều mặt.
Về chất lượng đô thị, tuy còn rất nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề phải bàn thảo, kể cả những khiếm khuyết, chưa tương xứng với tầm vóc đô thị loại 1, nhưng chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị của TP Đà Nẵng là để sắp xếp, tạo lập lại không gian đô thị văn minh, hiện đại đã cho những hiệu ứng tích cực. Kết quả của chủ trương này là chỉ trong một thập niên qua, bộ mặt TP được thay đổi căn bản theo hướng tích cực, hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ.
Về mặt nhà ở có sự thay đổi đến bất ngờ. Nhiều khu nhà chồ tạm bợ của ngư dân ven sông Hàn được xóa sạch trong một thời gian ngắn, thay vào đó là sự tăng lên gấp 3,8 lần loại hình nhà hai tầng trở lên. Những xóm nghèo nhếch nhác sống lay lắt bên những vùng đầm hôi thối được thay bằng những khu phố sạch đẹp với những căn nhà khang trang, lộng lẫy. Có thể nói rằng, cái được nhất của người dân sau khi giải tỏa, di dời tái định cư là vấn đề nhà ở. Kiểu loại nhà tạm bợ được dẹp bỏ, thay vào đó là những kiểu loại nhà hiện đại và tiện nghi sang trọng hơn. Nhiều người dân coi sự biến đổi này như là một sự đổi đời của họ. Nhiều gia đình đã bao đời sống trong những căn nhà tạm bên những vùng đầm Thuận Phước hay ven sông Hàn, nhờ có chính sách đền bù giải tỏa, tái định cư mà họ có được nơi ở sạch đẹp và sở hữu những căn nhà khang trang.
Đồng hành với sự phát triển chung của TP là khả năng tiếp cận với các dịch vụ đô thị cơ bản như điện, nước sạch, vệ sinh môi trường của dân cư ngày càng được nâng lên, nhất là sau khi được tái định cư ổn định. Về vấn đề thu gom rác, trước tái định cư chỉ có 39% sô hộ tham gia dịch vụ thu gom rác công cộng. Như vậy, phần lớn rác được thải ra xung quanh nơi ở. Sau tái định cư, người dân sống trong các khu dân cư quy hoạch có cơ sở hạ tầng đô thị được thiết kế tương đối đồng bộ. Các hộ đều được xe thu gom rác đến tận ngõ theo định kỳ, có ý nghĩa trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường trường văn minh đô thị.
Nhờ có chủ trương quy hoạch và chỉnh trang đô thị ở tầm chiến lược của Thành ủy và chính quyền thành phố mà tạo ra một sự thay đổi có tính cách mạng trong lòng xã hội và trong tư tuy của mỗi con người. Chính quá trình di dân, tái định cư trong các dự án phát triển của TP đã thúc ép, tạo điều kiện, cơ hội, đã tạo ra tình thế bắt buộc người dân thoát ra khỏi thói lề cũ, tự mình chuyển đổi nghề nghiệp cho thích ứng với môi trường mới, điều kiện mới và mưu cầu một tương lai có cuộc sống tốt hơn. Cái được lớn nhất của chủ trương quy hoạch, chỉnh trang đô thị, tái định cư chính là chỗ tạo điều kiện, tiền đề cho sự ổn định và phát triển lâu dài, vững chắc cho từng cá nhân gia đình và toàn xã hội.
Một thập niên, khoảng thời gian không dài đối với lịch sử, nhưng Đà Nẵng đã có một bước tiến nhanh trên con đường đô thị hiện đại, văn minh. Lại một mùa xuân mới đang về, Đà Nẵng với bao sắc màu tươi trẻ.
. Theo báo Công an TP Đà Nẵng |