|
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải |
Một nông dân ở Quảng Trị đang ngày đêm tất bật chuẩn bị thực hiện dự án rất táo bạo: Làm đập dâng ngăn sông Bến Hải, dẫn nước tưới cho 1.600 ha lúa ở vùng Tây-Nam huyện Vĩnh Linh thường xuyên bị khô hạn. Ý tưởng thật hiếm. Anh là Trần Công Chức, 38 tuổi, chỉ nói vỏn vẹn: "Tôi đã ấp ủ ý tưởng này từ lâu và quyết tâm làm cho bằng được để giúp dân".
Thôn Nam Sơn, xã Vĩnh Sơn, quê hương của Trần Công Chức nằm bên dòng Bến Hải. Mỗi mùa hạ đi qua mang theo gió Lào rát bỏng làm cho ruộng đồng quê anh luôn khô hạn, thiếu nước tưới. Mỗi sáng thức dậy thấy dòng nước ngọt của sông Bến Hải lững lờ trôi về biển, anh đau đáu một suy nghĩ: tại sao ta lãng phí nước ngọt đến như vậy? Tại sao không ngăn sông lại để dẫn nước về tưới mát cho ruộng đồng?
Đỉnh điểm là mùa hạn 2006, cả 3 xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thủy không gieo được lúa vì ruộng khô, đồng cháy. Người dân hàng tháng trời thiếu nước sinh hoạt. Người dân thiếu ăn vì mất mùa, đàn vịt con cứ rơi dần xuống các đường nẻ của ruộng hạn.
Cả vùng rộng lớn chỉ có một hồ thủy lợi La Ngà nhưng thời gian sử dụng quá lâu ngày nên lòng hồ bị bồi lắng, không đảm đương được nhiệm vụ cấp nước cho ruộng đồng. Đã thế, khu rừng đầu nguồn đang bị tàn phá nghiêm trọng làm nguồn nước ngầm cạn kiệt suốt mấy mùa qua… Theo anh Chức thì muốn giúp người dân thoát khỏi đói nghèo chỉ còn cách ngăn sông Bến Hải dẫn nước về tưới cho ruộng hạn.
Sau nhiều lần thuê người khảo sát thực địa, địa điểm chọn làm đập dâng ngăn sông Bến Hải nằm tại vùng Bến Than. Qua nghiên cứu đo lường vào năm hạn lớn nhất trong lịch sử Quảng Trị(5-2005) nước mặn từ biển thâm nhập theo sông ngược lên cách cầu Tiên An 8 km (vẫn chưa đến được điểm Bến Than). Do vậy, xây dựng đập dâng ở đoạn Bến Than tránh được nước mặn và rất thuận lợi cho việc dẫn nước ra kênh. Hơn nữa, vị trí chọn ngăn dòng là thác cuối cùng (tính từ thượng nguồn) của sông Bến Hải cũng thuận lợi cho việc ngăn đập dâng.
Hai phương án được anh Chức đưa ra để thuyết minh với các nhà chức trách. Một là ngăn sông Bến Hải tạo thành một dập dâng lấy nước tự chảy và hai là chỉ làm đập dâng và bơm điện. Do phương án hai có nhiều ưu điểm hơn nên anh quyết định chọn để thiết kế thi công. Theo đó, đập được ngăn cao chừng 2 mét. Phía trên đập ngăn sẽ đặt hệ thống máy bơm điện đẩy nước lên độ cao 5 mét rồi chảy vào một con kênh (dựa vào rãnh thấp của nhiều dãy đồi) có chiều dài 9.000 m, men theo chân các ngọn núi trước khi đưa nước về chứa tại hồ Dục Đức. Từ đây, dòng nước ngọt của sông Bến Hải sẽ được phân phối cho đồng ruộng hạn. Chi phí tất cả của công trình này đến 3,2 tỷ đồng. Hiện tại anh có 2,5 tỷ đồng, phần vốn còn anh tính huy động từ nhiều người khác.
Khi được hỏi về hoàn vốn của công trình, theo anh Chức thì nếu thu tiền thủy lợi phí theo quy định của Nhà nước, phải mất khoảng 6 năm mới hoàn được vốn. Nhưng trước mắt, để giúp dân nghèo, anh chưa tính đến chuyện thu tiền thủy lợi phí trong dân. Vùng quê này vốn bị tàn phá rất nặng nề trong chiến tranh đời sống bà con rất khó khăn, họ cần được giúp đỡ để thay đổi cuộc sống.
Theo ông Hoàng Đức Hoàn, Phó chủ tịch xã Vĩnh Sơn thì ý tưởng xây dập dâng trên sông Bến Hải của anh Chức rất phù hợp với nguyện vọng của bà con nông dân trong vùng. Nếu làm được đập dâng, hiệu quả kinh tế nông nghiệp mang lại cho người dân vùng này vô cùng lớn. Có lẽ do ý tưởng của anh Trần Công Chức quá thiết thực đối với đời sống của hàng vạn người dân vùng hạn nên Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, ông Lê Đức Yên đã không ngần ngại đồng ý cho anh Chức thực hiện công trình ngăn sông Bến Hải.
Theo tính toán của nhiều nhà kinh tế nông nghiệp, mỗi năm khô hạn gây thất thu cho 1.600 ha đất nông nghiệp của ba xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thủy lên đến 20 tỷ đồng. Nếu làm được đập dâng trên sông Bến Hải thì ba xã trên không còn cảnh chịu hạn nữa. Công trình của anh Chức ít nhất sẽ mang lợi về cho người dân ba xã trên đến 20 tỷ đồng mỗi năm.
. Theo báo Tài nguyên và Môi trường
|