Thưa bóng nhà sàn
11:54', 28/1/ 2007 (GMT+7)

Nhà sàn là một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. Những năm gần đây, do tác động của một số nguyên nhân, nhà sàn truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi ngày càng thưa dần. Đó là thực trạng rất đáng tiếc đã và đang diễn ra.

Cũng đã trên 8 năm tôi mới có dịp đi lại trên con đường khá đặc biệt từ xã Trà Phong (huyện Tây Trà) qua xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà). Chuyến hành trình trên con đường này hồi 8 năm về trước đã để lại trong tôi những ấn tượng thật khó quên. Ngày ấy, con đường còn nguyên sơ, hoang vắng, vượt qua nhiều đèo dốc cao và sông suối sâu băng qua những cánh rừng già bí hiểm và những buôn làng bình yên của bà con đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Cũng từ chuyến hành trình trên con đường đặc biệt này, tôi được nghe kể về những năm tháng hết sức gian khổ, ác liệt thời chiến tranh. Ngày ấy, các thế hệ cha anh đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thử thách để vạch ra con đường mòn, vận chuyển lương thực, thực phẩm và những vật dụng  cần thiết phục vụ sự nghiệp kháng chiến lâu dài cho đến ngày giành thắng lợi vẻ vang. Và cũng trong chuyến hành trình trên con đường ngày đó, tôi còn tình cờ phát hiện ra điều thú vị có liên quan đến cái nhà sàn của đồng bào dân tộc H’re.

Hành trình từ xã Trà Phong (huyện Tây Trà) đi về hướng xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà) tức là chúng ta đã đi qua hai vùng không gian văn hoá của hai dân tộc thiểu số, là dân tộc Kor và dân tộc H’re.

Ranh giới của sự phân bố này được biểu hiện rất rõ nét bằng văn hóa vật thể, thông qua cái nhà sàn truyền thống của người H’re. Ngày xưa, không chỉ có dân tộc H’re K’dong mà cả dân tộc Kor ở miền tây Quảng Ngãi  cũng ở nhà sàn. Nhà sàn người Kor là loại nhà dài hay còn gọi là nóc, trong đó có nhiều hộ gia đình cùng huyết thống chung sống với nhau. Thế nhưng bây giờ, nhà sàn dài của người Kor đã hoàn toàn biến mất. Sự biến mất của cái nhà sàn người Kor ở hai huyện Trà Bồng và Tây Trà diễn ra một cách nhanh chóng- chỉ trong vòng vài chục năm trở lại đây. Trong khi đó, người H’re thì vẫn còn bảo lưu và trung thành với nhà sàn truyền thống của dân tộc mình. Chính vì vậy, mà khi chúng ta đi ngang qua vùng giao thoa giữa không gian văn hóa của người Kor và người H’rre, nếu để ý quan sát sẽ rất dễ nhận ra sự thay đổi này nhờ cái nhà sàn. Khi bóng dáng nhà sàn xuất hiện, thì cũng bắt đầu từ đó, không gian sinh sống của người H’re cũng bắt đầu hiền ra.

Về nguyên lý và kết cấu, cơ bản nhà sàn của các dân tộc thiểu số là tương đối giống nhau. Tuy  nhiên, nhà sàn của mỗi dân tộc cũng có sáng tạo và những nét riêng, phù hợp với tập quán và điều kiện của dân tộc mình. Sự phù hợp của lối kiến trúc nhà sàn trên địa hình miền núi  đã nhiều lần được các nhà khoa học chứng minh. Dưới góc độ văn hóa, nhà sàn còn thể hiện rõ bản sắc riêng, rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Thế nhưng, thời gian gần đây, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Ngãi đã và đang có xu hướng thoát khỏi dần với cái nhà truyền thống của dân tộc mình. Nhà sàn dài của dân tộc Kor chỉ còn trong tiềm thức, vì đã biến mất hoàn toàn. Buồn thay, quá trình ấy cũng đang diễn ra đối với nhà sàn của người H’re, người K’dong trước tác động mạnh mẽ của nhịp sống hiện đại đang ùa về các buôn làng.

Bây giờ có dịp đi lại trên các con đường này, nếu lấy cái nhà sàn để phân biệt không gian văn hóa giữa cộng đồng người dân tộc Kor và H’re thì đã không còn chính xác nữa. Bởi vì tập quán sống nhà sàn trong cộng đồng người H’re cũng đang thay đổi, làm nhà trệt đã trở nên phổ biến hơn, bóng dáng nhà sàn theo đó cũng thưa dần. Đây là thực trạng đáng lo ngại, nhưng nó đã và đang còn tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng cao.

Phải chăng người dân không còn mặn mà với yếu tố truyền thống? Trong thực tế hoàn toàn không như vậy. Đồng bào các dân tộc còn rất yêu thích cái nhà sàn của dân tộc mình, nhưng xuất phát từ những khó khăn do yếu tố bên ngoài tác động, họ đành phải chấp nhận thích nghi với cái nhà trệt hiện nay.

Nhà sàn đang dần mất đi, sẽ đồng nghĩa với một phần bản sắc văn hóa truyền thống rất đặc trưng của các dân tộc thiểu số đang biến dạng. Điều đó trái với quan điểm, chính sách giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoa dân tộc của Đảng, Nhà nước. Vậy nên, trước hết, mỗi người dân chúng ta hãy ý thức, biết tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông mình, dân tộc mình để gìn giữ cho con cháu mai sau. Mặt khác, các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương cần có những việc làm cụ thể, tích cực hơn để bảo tồn cái nhà sàn và những nét đẹp văn hóa truyền thống khác của đồng bào các dân tộc trước dòng chảy hội nhập và phát triển mạnh mẽ đang diễn ra.

Theo báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện một nông dân ngăn sông Bến Hải  (23/01/2007)
Đô thị hóa ở Đà Nẵng- Một thập niên nhiều đổi thay  (21/01/2007)
Sư đoàn lọc dầu  (19/01/2007)
Bức tranh sáng tươi về Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo  (18/01/2007)
Xem người Cor đâm trâu  (17/01/2007)
Đường về Đại Chiêm hải khẩu  (15/01/2007)
Niềm tin được chắp cánh  (12/01/2007)
Mây trắng Cà Đam  (11/01/2007)
Hướng về phía biển  (09/01/2007)
Quảng Nam: bước tiến 10 năm   (07/01/2007)
Nghi Sơn khu kinh tế động lực   (05/01/2007)
Ba lô đến Nam Lào  (04/01/2007)
Nhà vườn Huế và chiều sâu văn hóa  (02/01/2007)
Miền Trung: Liên kết và tạo điểm nhấn  (02/01/2007)
“Vàng trắng” - thách thức trước vận hội mới  (31/12/2006)