|
Xếp dỡ hàng container tại cảng Quy Nhơn. ảnh: haiquanbinhdinh.gov.vn |
Diễn đàn “Dịch vụ cảng biển và hậu cần thương mại Việt Nam” vừa diễn ra tại Đà Nẵng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam, trong đó có khu vực duyên hải miền Trung. Diễn đàn cũng đã cảnh báo việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm hệ thống cảng biển.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên thì Việt Nam hiện có 266 cảng biển lớn nhỏ tại 24 tỉnh, thành vùng duyên hải. Trong đó, 9 cảng có khả năng cải tạo, nâng cấp để tiếp nhận tàu 50.000 DWT (loại tàu trung bình của thế giới) hoặc tàu chở container đến 3.000 TEU. So với quốc tế, quy mô cảng biển Việt Nam còn nhỏ, nhưng thời gian qua đã đảm nhận thông qua hơn 80% khối lượng hàng xuất, nhập khẩu.
Về cơ hội phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, theo ông Alan Tousignant- Tham tán Kinh tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, Việt Nam có thể phát triển thành một đầu mối vận tải biển quan trọng ở châu Á. Việc thiếu cơ sở hạ tầng cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn, trang thiết bị cũ, thiếu hiệu quả và mạng lưới vận tải nội địa không đầy đủ... đang hạn chế rất nhiều tiềm năng này. Chỉ 19% đường sá ở Việt Nam được trải nhựa, hệ thống đường sắt cần nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng; chi phí hậu cần cao gấp đôi mức chi ở các nước có trình độ phát triển hơn... Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 8 nhóm địa lý, với 3 trung tâm chính gọi là các cảng cửa ngõ quốc tế để tiếp nhận tàu trọng tải lớn, phục vụ các khu kinh tế trọng điểm. Đến năm 2010, hệ thống cảng biển Việt Nam có khả năng thông qua khoảng 100 triệu tấn hàng hóa. Quy hoạch đã được lập và phê duyệt cách đây gần 10 năm, các yếu tố liên quan đến kinh tế - xã hội đến nay đã có nhiều thay đổi (như Luật Hàng hải ra đời, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO...). Do vậy, nước ta cần nghiên cứu, xây dựng lại quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới.
Liên quan đến vấn đề phát triển cảng biển, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà thì, việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam phải được hoạch định căn cứ trên tình hình kinh tế của từng địa phương. Đối với khu vực duyên hải, con đường duy nhất để bứt phá đi lên là hướng ra biển. Cần tránh tình trạng đầu tư tràn lan, thiếu trọng tâm như hiện nay. Các địa phương, khu vực được chọn xây dựng cảng biển phải phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ..., có khả năng liên kết nội địa và quốc tế, để tạo ra sản phẩm hàng hóa xuất, nhập khẩu tương ứng, đáp ứng khai thác cảng có hiệu quả.
Để nâng cao năng lực hệ thống cảng biển Việt Nam, theo ông Nguyễn Thu, Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng thì, cần xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ cũng như các chương trình tiện ích hỗ trợ quản lý như công nghệ thông tin, thương mại điện tử... Ngoài ra, các khối cảng cần có các tiêu chuẩn, thủ tục thông thoáng trong trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại và vận tải, từ đó duy trì sự hợp tác, liên kết giữa các khối cảng. Các khối cảng khu vực miền Trung có tiềm năng phát triển rất lớn, vì không chỉ có vị trí quan trọng đối với các hải vận quốc tế, mà còn là cửa ngõ của tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Khối cảng khu vực này cần có sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành trong việc xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư. Các địa phương trong khu vực cần có những chiến lược xúc tiến, vận động đầu tư phát triển các dịch vụ vận tải, kho vận, dịch vụ logistic tại các khối cảng..., tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp xuất nhập hàng của cảng. Ông Thu cũng đề xuất việc giảm phí hàng hải đối với hàng hóa quá cảnh tại cảng Đà Nẵng (phí bảo đảm hàng hải, phí trọng tải cho tàu trung chuyển...), nhằm giảm áp lực về chi phí cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực.
. Theo báo Đầu tư
|