Bài ca Mu-ra
17:15', 2/11/ 2007 (GMT+7)

* Bút ký của Trần Đăng

Với ông, hai tiếng Mu-ra bao giờ cũng có một sức vang ngân kỳ lạ. Ông gắn với hai tiếng ấy như một định mệnh của đời mình. Gắn một cách mê đắm và tự nguyện. Gắn một cách vô tư để rồi dường như ông quên hết mọi thứ ở đời, kể cả cái tổ ấm cỏn con nơi thành phố Quảng Ngãi, đôi khi cũng chỉ là chỗ ngả lưng thoáng chốc với ông. Mu-ra là bài ca của đời ông, bài ca ấy như một ma lực, luôn luôn cuốn xoắn lấy ông...

 

Người anh hùng giữa … cỏ. Ảnh: TĐ

 

Mu-ra là đàn trâu, còn ông là Hồ Giáo, người duy nhất của Việt Nam cho đến lúc này, được nhận hai lần danh hiệu Anh hùng lao động, người mà từ già chí trẻ đều gọi bằng “anh”- anh Hồ Giáo. Một truyện vừa-vừa cả độ dày lẫn sức nặng văn chương, một bài thơ cũng vừa vừa về thi tứ, cả hai loại hình văn học ấy được đưa vào sách giáo khoa, vừa đủ để “đóng đinh” ngôi nhân xưng của ông, biến Hồ Giáo mãi mãi là “anh”, dù ông năm nay chuẩn bị bước vào tuổi tám mươi!

Sáng nào cũng vậy, từ tinh mơ, những người đàn bà đi chợ sớm t hướng tây vào thành phố Quảng Ngãi, đã thấy một cụ già, mặc bộ quân phục đã cũ, đầu đội … mũ bảo hiểm (dù đi bộ!), tay cắp lồng cơm, nhằm hướng trại trâu Nghĩa Hành trực chỉ. Người đó là Hồ Giáo. Cái dáng lầm lũi và tận tụy ấy, tôi đã thấy từ hơn 30 năm trước, lúc ông trên đất Bắc trở về quê ông ở Sơn Tịnh-cũng là quê tôi. Lòng ông ngày ấy nặng trĩu những ưu tư sau hơn hai thập kỷ chia cắt còn vai ông thì nặng trĩu mấy mươi chiếc lốp xe đạp Sao Vàng-món quà đã theo ông trên một ngàn cây số để về tặng bà con. Sau này, khi đã thấm thía với cảnh xếp hàng để mua gạo và củi, hình ảnh ấy lại hiện lên trong tôi với câu hỏi không bao giờ giải đáp nổi: “Ông đã xếp hàng bao nhiêu năm để mua được chừng ấy chiếc lốp xe?”. Ông cười hiền lành khi nghe tôi nhắc lại chuyện cũ: “Ai mà xếp hàng cho nổi anh! Mỗi lần đi dự hội nghị, người ta bán lốp xe ưu tiên cho đại biểu, tôi tích góp nhiều lần như thế mà thành”. Tôi bám theo chi tiết thật vui này để trêu ông: “Bác quy đổi ra tiền để biếu bà con có phải gọn nhẹ hơn không?”. Ông Giáo giẫy nảy: “Ấy chết, anh đừng nói thế! Anh không sống vào thời điểm đó nên không hiểu hết cái chuyện “quy đổi” ấy đâu. Tôi là thằng cùng đinh áo rách, điên khùng chi để người ta gán cho mình cái tội tư thương? Với lại, hồi ấy người ta tuyên truyền dữ quá, rằng quê mình bị thằng Mỹ nó kìm kẹp, đến cái xe đạp cũng hiếm nên tôi tin rằng lốp xe sẽ là món quà đáng giá nhất lúc ấy. Ai ngờ…”. Ông bỏ lửng câu nói rồi cười phá lên.

Ông Giáo hơn tôi ba mươi tuổi nhưng bao giờ nói chuyện với tôi, ông cũng xưng “tôi” và “anh”-điều hiếm thấy ở một người Quảng Ngãi chay như ông. Có lần tôi “phê bình” ông: “Sao bác không gọi bằng “cháu” xưng “bác” có phải thân thiết hơn không?”. Ông lại cười: “Không được! Anh là nhà báo, đến đây làm việc, xưng hô như thế là không phải. Khi nào về quê ăn giỗ, tôi sẽ bác-cháu với anh”. Ngừng một lát, ông tiếp: “Anh không thấy ở một số cơ quan hiện nay, nhiều người cứ xưng chú chú-cháu cháu luôn miệng, nhưng “cháu” lại bồ với “chú” lúc nào không biết!”. Thì ra ông Giáo đáo để hơn những gì tôi tưởng. Tôi đã từng bị cuốn hút bởi những điều kỳ lạ và bất ngờ khi đọc những gì mà người ta viết về ông, cả trong sách lẫn trong báo, giờ ông lại dắt tôi đi qua hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng chính những suy nghĩ của riêng ông.

Cách đây gần mười năm, đúng chiều 29 Tết tôi ghé thăm ông tại trại trâu Nghĩa Hành này để gửi ông chút quà của một người bạn từ Hà Nội. Thật quá ngạc nhiên cho tôi khi nhìn thấy một ông già đã sắp bảy mươi rồi mà chiều 29 Tết vẫn còn lui cui cắt cỏ cho trâu. Tôi hỏi: “Bác không biết ngày mai là ngày gì à?”. Ông vất nắm cỏ cắt dở rồi ngồi bệt xuống đất và bắt đầu tua ngược đời mình: “Tôi không biết đến Tết từ năm 14 tuổi. Đó là năm tôi bắt đầu đi ở đợ cho địa chủ. Anh đừng bận lòng, tôi có niềm vui của tôi trong công việc”. Tôi chợt ân hận với câu hỏi ấy. Hình như trong thẳm sâu ký ức của đời ông, bao nhiều giông gió cơ cực đã ùa về vào buổi chiều hôm ấy. Ông đã kể về nó bằng một giọng chậm buồn như thể nhấm nháp lại nỗi cay đắng của đời mình từ hơn 55 năm trước.

Tuổi thơ khốn khổ ấy đã theo ông đến năm 18 tuổi. Ông vất chiếc roi chăn bò của kẻ ở đợ và lên đường vào bộ đội. “Cách mạng đã cứu tôi”. Ông thú nhận ơn nghĩa ấy một cách chân thành. Suốt đời mình, ông cũng không quên “ơn nghĩa” về những năm tháng cơ cực ấy. Chính nó đã rèn cho Hồ Giáo đức tính kiên nhẫn ít ai bì kịp. Có thể xem đó như một kinh nghiệm cực kỳ quý báu trong việc nuôi bò, để sau này ông trở thành hai lần anh hùng lao động cũng chỉ vì một công việc ấy: Nuôi bò sữa và trâu sữa.

Ba mươi năm trước, lúc mới tiếp xúc với nền văn học cách mạng, tôi đã thầm kính phục anh Nhẫn trong “Cỏ non” và cũng luôn nuôi một ao ước là được một lần gặp nhân vật ấy. “Nhẫn trong sách chính là tôi. Dạo ấy có con Ba Bớp rất ngổ ngáo. Thích thì nó đi theo đàn, không thích thì nó bỏ ngang. Về không chịu vào chuồng mà cứ đi lung tung. Nó lại là con bò cái, thế mới ức. Tôi đã rèn cả năm trời mới “cải tạo” được nó”. Ông chợt sôi nổi hẳn lên khi nghe tôi gợi lại chuyện xưa.

“Thưa bác, có ông nhà thơ viết về bác thế này: “Hỏi anh anh thích nghề gì? Anh rằng: thích nhất nghề đi chăn bò”, đúng vậy không ạ?”. Tôi hỏi ông nhưng cũng chính là để kiểm chứng lại bộ nhớ của mình về những bài thơ đã từng là niềm kiêu hãnh của văn học một thời ấy, nay đã mất hút mù tăm trong sách giáo khoa. Ông thú nhận: “Có đấy. Chăn bò cũng là một nghề. Đã làm nghề thì phải có nghề, như anh viết báo vậy. Nghĩa là phải đam mê, phải thích nó, mới thành công được. Chăn bò không chỉ đơn thuần là lùa nó ra khỏi chuồng, cho nó ăn cỏ rồi hàng ngày vắt sữa, mà phải thật hiểu biết tâm tính từng con, gắn bó và yêu thương nó”. Lúc ông nói với tôi điều đó thì có một đàn trâu nghé bốn con ùa tới vây lấy ông. Con thì rúc đầu vào người, con thì giật gấu quần, níu áo ông, trông như một đàn trẻ con ngộ nghĩnh. Nhìn khuôn mặt Hồ Giáo lúc ấy, tôi như thấy có bao nhiêu hạnh phúc ở đời này đều đọng lại nơi ông. Danh hiệu Anh hùng mà Nhà nước phong tặng cho ông vào năm 1966 không hẳn là do ông nuôi nhiều bò mà cái chính là nghệ thuật thuần dưỡng này.

 

Anh hùng Hồ Giáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: TL

 

Cứ ngỡ là sau ngày hòa bình, ông sẽ được về quê để thành lập một nông trại chuyên nuôi bò sữa như mơ ước thời trẻ của ông, nào ngờ ở tận miền Nam có Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ Sông Bé đã “gọi” ông. Đàn trâu sữa ở đây lên đến 1.700 con. Ngày ngày ông lại lặng lẽ làm cái công việc nuôi trâu ấy, để một lần nữa, năm 1986, danh hiệu Anh hùng Lao động lại đến với ông. Hai lần nhận danh hiệu anh hùng cho mỗi một công việc là nuôi trâu và bò, chuyện chưa từng có ở đất nước này. Cách đây mấy hôm, gặp ông ở trại trâu Nghĩa Hành, ông khoe với tôi về chuyến “hành phương Nam” của vợ chồng ông hai tháng trước. Trung tâm nghiên cứu trâu và đồng cỏ Sông Bé tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, và ông được xem như một thượng khách. “Phần lớn trâu ở Trung tâm đều được chuyển ra dân. Có ông nông dân nuôi đến trên một trăm con, tôi cứ nhìn đàn trâu của ổng mà thèm. Giá như quay ngược được kim đồng hồ thời gian vài chục năm…”. Nói với tôi điều đó, ông Giáo cố nén một tiếng thở dài, nhất là khi ông  nhìn đàn trâu trong trại trâu Nghĩa Hành này chỉ còn lèo tèo dăm bảy con. Lập trại trâu này không phải vì trâu mà vì chuyện khác, ngoài trâu, nên cơ đồ nó mới ra như thế.

“Cháu thấy nhiều người sau khi được nhận danh hiệu Anh hùng như bác, họ đều “lên chức” hết, sao bác vẫn cứ nuôi trâu? Có khi nào bác mong ước mình trở thành giám đốc không?”. Tôi lại cà khịa ông cụ. Bị đụng đến chỗ mà ông đã nén từ lâu, Hồ Giáo như được xả hơi: “Mỗi người một việc, hãy làm đúng khả năng của mình. Anh tưởng người ta không gợi ý tôi làm giám đốc chắc? Có đấy! Nhưng tôi từ chối vì nghĩ rằng mình chỉ biết có mỗi một việc là nuôi trâu. Tôi nghĩ, đừng nên ham những gì mà khả năng của mình không có, điều đó chỉ làm khổ mình thôi”. Tôi chỉ còn biết vái dài ông Giáo về câu nói đậm chất triết lý ấy, câu nói như được chắt ra từ những va đập thấm thía của đời mình.

Hình như có người sinh ra là để gắn với một nghề, dù anh có bươn chải đến đâu đi nữa thì cuối cùng anh vẫn rơi về cái điểm mà tạo hóa đã định sẵn cho anh. Ông Hồ Giáo là một trường hợp như vậy. Đúng năm 60 tuổi (1990), Nhà nước cho ông về hưu. Nghe tin ông về Sài Gòn nhận công việc nuôi bò sữa cho một ông chủ nào đó với mức lương 600.000đ/tháng (bằng 3 chỉ vàng lúc đó), Cố vấn Phạm Văn Đồng-người mà Hồ Giáo xưa nay vẫn xem như cha nuôi của mình- đã động viên ông trở về Quảng Ngãi cùng đàn trâu Mu-ra 15 con mà Sông Bé đã tặng. Ông nhận lời mà không một chút so đo tính toán. Thế là sau hơn 40 năm rong ruổi, cuối cùng rồi Hồ Giáo cũng trở về cái nơi mà ông đã từng vứt chiếc nón cời cùng chiếc roi chăn bò để đi theo cách mạng. Với Hồ Giáo, được làm việc là một hạnh phúc rồi, đây lại là công việc được ông Phạm Văn Đồng giao phó, ông Giáo lại càng vui. Tôi vẫn luôn bị ám ảnh với câu hỏi này: Vì sao, giữa hai con người ấy, ở hai vị trí khác nhau, nhưng lại có một sợi dây thâm tình kỳ lạ đến như vậy? Sinh thời, không lần nào về thăm Quảng Ngãi mà ông Phạm Văn Đồng không ghé thăm Hồ Giáo, lúc thì ông lên tận nhà, khi thì ông cho người gọi Hồ Giáo xuống chỗ ông ở . Ông Giáo đã lý giải phần nào những thắc mắc ấy của tôi bằng một kỷ niệm vui: “Năm 1961, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên thăm Nông trường Ba Vì. Tôi đang nuôi bò ở đây. Nhiều người vây lấy Thủ tướng hỏi han đủ chuyện, chỉ có tôi là đứng thật xa để … ngắm ông Đồng. Thấy tôi rụt rè, ông bước lại hỏi thăm và được biết tôi cùng quê Quảng Ngãi với ông. Sau khi thăm hỏi sức khỏe, gia đình và công việc của tôi, ông dặn tôi lúc nào rỗi thì viết thư cho ông. Tôi phải khai thiệt với Thủ tướng là tôi mới chỉ học lớp vỡ lòng nên chuyện viết thư là rất khó khăn. Ông không nói gì mà chỉ động viên tôi phải sắp xếp thời gian để học chữ. Chừng một tuần sau, tôi nhận một gói quà từ Hà Nội gửi lên. Tôi quá bất ngờ khi biết đó là quà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Mở ra xem thì thấy toàn là vở và bút! Tôi đã hiểu ra mọi điều. Những ngày sau đó, tôi vừa phải đánh vật với đàn bò hàng trăm con, vừa “đánh vật” với những con chữ. Tôi “mài” riết rồi cũng viết được thư cho Thủ tướng!”. Bắt đầu từ lúc ấy, hễ mỗi lần về Hà Nội là Hồ Giáo lại ghé thăm ông Đồng. Năm 1966, hay tin Hồ Giáo được phong Anh hùng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời ông vào Phủ Thủ tướng dùng bữa cơm thân mật. Hơn 40 năm rồi mà Hồ Giáo vẫn không quên động tác gắp thức ăn của Thủ tướng bỏ vào chén cho mình, kèm lời dặn: “Cháu như vậy là tốt rồi, nhưng phải học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa mới mong sớm trở về miền Nam”. Năm 2000, ông Phạm Văn Đồng từ trần. Trong ngày đại tang ấy tại Hà Nội, giữa một rừng mũ mão cân đai, người ta lại thấy một ông già, tóc húi cua, chân vẫn mang dép lốp, chen giữa đám đông để tiến về phía linh cữu người đã khuất và thắp một nén hương. Người đó là Hồ Giáo. Ông đã thủy chung với Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến giây phút cuối cùng. Đó cũng là lần thứ ba trong đời, Hồ Giáo rơi nước mắt, sau hai cái chết của cha mẹ ông.

 

Anh hùng Hồ Giáo với đàn trâu ở Nghĩa Hành. Ảnh: TĐ

 

Sáu cây số từ thành phố Quảng Ngãi lên trại trâu Nghĩa Hành là quãng đường không đáng ngại đối với trai trẻ, nhưng với cái tuổi “U 80” như ông Giáo là cả một không gian vời vợi. Vậy mà có hôm, đang giữa trưa, ông lại phải quay về thành phố để dặn bà Thành vợ ông nấu thêm một suất cơm tối rồi mang theo lên lại trại trâu. Một con trâu đang trở dạ, ông phải có mặt qua đêm. “Cái giống trâu này đau đẻ đến là lâu. Nhưng tôi thì tôi biết giờ nào nó sẽ đẻ. Chỉ nghe tiếng thở của nó là biết mà”. Ông “khoe” thế khi thấy tôi có vẻ ngạc nhiên cho cái sự cuốc bộ 6 cây số giữa trưa của ông. “Chủ nhật, ngày lễ gì tôi cũng phải có mặt tại đây. Anh biết đấy, thấy bóng tôi đầu ngõ là chúng la toáng lên. Không lên với chúng sao đặng?”. Ông luôn “lên với chúng”, bất chấp là ngày lễ hay ngày chủ nhật, bất chấp trời nắng 40 độ hay mưa lũ bời bời, bởi vì đó là “bài ca” của đời ông. Ông mê đắm “bài ca” ấy đến nỗi, trên 50 tuổi ông mới gặp bà Thành- một người đàn bà “hơn mọi người đàn bà” về đức hy sinh và sự chịu đựng. Hồ Thị Minh, đứa con gái duy nhất của ông bà nay đã yên bề gia thất nhưng ông Giáo thì vẫn chưa yên với “bài ca Mu-ra” của đời mình. Cứ đều đặn mỗi sáng, ông lại cuốc bộ 6 cây số lên trại trâu ở Nghĩa Hành để bón phân, chăm sóc vườn cỏ, cắt đúng hai tạ cỏ cho … 4 con bò và 4 con trâu và lấy 250.000đ thù lao tiền cỏ mỗi tháng, nhận 700 ngàn “tiền lương hợp đồng” mỗi tháng…

“Phong cho bác một lần anh hùng nữa nhé?”. Ông Giáo cười móm mém: “Anh hùng bây giờ họ đi toàn xe hơi bạc tỷ, tôi thì xe đạp không biết đi, anh hùng chỉ nữa, anh!”. Ông bắt tay tạm biết tôi rồi chìm khuất trong rừng cỏ non.

  • T.Đ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền Trung: Đối mặt với đợt lũ mới  (31/10/2007)
Xây hệ thống cảng biển  (29/10/2007)
Quảng Nam: Phát hiện quần thể voọc chà vá chân xám lớn nhất từ trước đến nay  (26/10/2007)
Mở đường ra biển   (17/10/2007)
Miền Trung mưa to, nguy cơ lũ lớn   (16/10/2007)
Cú huých lớn cho miền Trung  (14/10/2007)
Thăm di tích lịch sử ngục Chín Hầm   (24/09/2007)
Là con don tôi ở sông Trà  (23/09/2007)
Đà Nẵng: Bảo tồn rạn san hô, hệ sinh thái vùng biển  (19/09/2007)
Cù Lao Chàm-Hội An được đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới  (17/09/2007)
Mũi Né - điểm sáng mới trên bản đồ dụ lịch  (11/09/2007)
Hành lang kinh tế đông tây (EWEC): Con đường phát triển liên quốc gia  (04/09/2007)
Đình Hoành Sơn: Công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc trên xứ Nghệ  (31/08/2007)
Hội thảo về bảo mật thông tin khi sử dụng internet  (27/08/2007)
Đánh thức Chư Mom Ray  (21/08/2007)