Khi mà những trận lũ lụt dồn dập đổ tới miền Trung với đỉnh lũ vượt qua cả cơn đại hồng thủy năm 1999, thì cũng là lúc các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ được công bố đứng đầu về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trong bảy vùng của cả nước. Hai bức tranh trái ngược với nhiều ngụ ý khác nhau.
Duyên hải Nam Trung bộ, nơi đầu sóng ngọn gió
Có lẽ các tỉnh Nam bộ khó mà quên được mất mát do những cơn bão bất ngờ trong những năm gần đây gây ra. Sự tàn phá của tự nhiên thực là kinh hoàng. Đã bao năm trôi qua mà tàn tích vẫn còn đó. Nếu ai có dịp đến Vũng Tàu sẽ thấy một cụ già mắc bệnh tâm thần ngày nào cũng nhìn ra biển gọi những đứa con của mình đã bị biển cướp đi trong cơn bão số 5 năm 1998.
|
Hai bức tranh trái ngược: đỉnh lũ cao nhất và chỉ số cạnh tranh cao nhất. |
Tuy nhiên, những gì mà các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, cái rốn lũ của Việt Nam, phải gánh chịu còn nhiều hơn thế. Đây là nơi được ghé thăm thường xuyên của phần lớn những cơn bão đổ bộ vào Việt Nam hàng năm. Nếu gió không tốc mái thì lụt cũng trôi nhà, những điều xảy ra như cơm bữa đối với các tỉnh duyên hải Trung bộ trong mùa mưa bão.
Có lẽ do quá quen với thiên tai dịch họa, nên sự thiệt hại về người trong mỗi cơn bão hay những trật lũ lụt không lớn bằng những trận cuồng phong bất ngờ đổ vào các tỉnh Nam bộ, nhưng số gia đình bị mất đi người thân qua những mùa mưa bão ở các tỉnh này lại lớn hơn nhiều. Và thật xót xa khi hầu như năm nào điều này cũng xảy ra.
Không chỉ mất người mà biết bao của cải, mồ hôi nước mắt của những con người cần cù một nắng hai sương bị cuốn đi. Nếu hàng năm, tự nhiên không lấy đi mất một phần không nhỏ của cải làm ra thì có lẽ đời sống người dân nơi đây sẽ ít khó khăn hơn rất nhiều.
Duyên hải Nam Trung bộ, sự thay đổi đáng kể
Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm nay cho thấy 7 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đạt được 61,35, cao nhất trong 7 vùng của Việt Nam. Trong đó, các chỉ tiêu có sự vượt trội như chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và đào tạo lao động.
Những đánh giá của cộng đồng các doanh nghiệp dân doanh cho thấy các địa phương này đang cố gắng cải thiện mình, để tạo ra một hình ảnh tốt hơn với một môi trường kinh doanh ngày một thân thiện hơn.
Tuy nhiên, cho dù ở vị trí dẫn đầu, nhưng điểm số 61/100 của duyên hải Nam Trung bộ quả là khiêm tốn, mới chỉ cao hơn điểm năm một chút. Với con số như vậy chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Để có thể thỏa mãn tương đối nhu cầu của các doanh nghiệp, có lẽ các tỉnh này cần tìm cách để cải thiện chính mình sao cho có thể đạt điểm 8, ngưỡng thấp nhất của điểm giỏi.
Duyên hải Nam Trung bộ vẫn rất nghèo
Duyên hải Nam Trung bộ được coi là các tỉnh trọng điểm của Trung bộ, với những chính sách đặc biệt được Chính phủ phê duyệt, bước đầu đã có sự khởi sắc về phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ngoại trừ Đà Nẵng thì các tỉnh còn lại vẫn nằm ở nửa dưới so với bình quân chung của cả nước với tổng sản phẩm bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 70% GDP đầu người của Việt Nam.
Nhiều người cho rằng số liệu thống kê của các tỉnh thường có xu hướng cao hơn số bình quân chung của cả nước. Nhưng cho dù có thể con số đã được nâng lên một mức nào đó thì con số hiện tại vẫn là quá thấp với tổng sản phẩm làm ra bình quân chỉ khoảng 500 đô-la trên đầu người.
Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy đã một nắng hai sương, nhưng do sự tàn khốc của tự nhiên, nhiều gia đình ở miền Trung nghèo vẫn hoàn nghèo. Tuy không ở mức độ không có cái ăn, nhưng có lẽ không ít gia đình luôn ở trong tình trạng ăn không đủ no hay thiếu ăn lúc giáp hạt. Đây là một thực tế không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều, nhất là trong tình cảnh lũ chồng lên lũ liên tục như trong thời gian qua.
Duyên hải Nam Trung bộ, hướng đi nào
Muốn thoát nghèo và trở nên thịnh vượng, bất kỳ một địa phương nào cũng cần phải có một khu vực sản xuất kinh doanh năng động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa bán ra bên ngoài cũng như thỏa mãn nhu cầu nội tại.
Đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ làm thế nào để có được điều này. Cách duy nhất là thu hút các nhà đầu tư từ bên ngoài cũng như phát huy nội lực bên trong. Thu hút đầu tư là cần thiết, nhưng câu hỏi được đặt ra là ai? Các nhà đầu tư nước ngoài hay các nhà đầu tư trong nước?
Tỉnh nào cũng muốn thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu nhìn lại ở 7 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ thì dường như có điều gì đó không ổn.
Hết nhà đầu tư này đến các nhà đầu tư khác thường xuyên hứa hẹn những dự án trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đô-la. Tuy nhiên, suốt 20 năm qua, chỉ có một vài dự án ra tấm ra miếng được thực hiện tại 7 tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó, dự án sửa chữa tàu biển của liên doanh Huyndai-Vinashin đang trở thành tâm điểm về ô nhiễm môi trường. Dự án được xem là đem lại lợi ích nhất có lẽ là khách sạn Furama ở Đà Nẵng.
Việc có được các dự án đầu tư lớn là điều cần thiết, nhưng không khéo sẽ trở thành bãi rác cho các nước khác, trong khi lợi thế của mình lại không được phát huy, tiềm năng không được sử dụng.
Trong thời điểm hiện tại, khi mà dư địa ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam còn tương đối nhiều, thì việc mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến các tỉnh ở xa là điều không đơn giản. Những ai có ý định bỏ vài chục triệu hay một vài trăm triệu đô-la để đầu tư vào một nơi nào đó thì họ thường phân tích rất kỹ lưỡng điểm mạnh - điểm yếu, cơ hội – thách thức. Việc nhận ra nơi nào có lợi thế hơn là điều không khó đối với họ.
Do vậy, có lẽ khả dĩ nhất đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ là tạo một môi trường kinh doanh thật thuận lợi để thu hút kinh tế dân doanh. Đây là thành phần được xem là đa dạng, năng động, và khả dĩ để thu hút nhất cho các tỉnh ở xa hai vùng kinh tế động lực phía Bắc và phía Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước địa phương đang phải sắp xếp và dần teo lại, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chưa có nhiều động lực tìm đến các vùng nghèo.
Tỉnh Bình Dương có chỉ số cạnh tranh luôn đứng đầu qua ba lần khảo sát, và là địa phương được xem là thành công nhất về phát triển kinh tế. Nhưng cũng nên thấy chính các doanh nghiệp dân doanh là những người khai phá đầu tiên để tạo ra một Bình Dương như ngày nay.
Duyên hải Nam Trung bộ, chung sống với thiên nhiên
Nhìn lại cả một quãng thời gian dài hàng thập kỷ hay hàng trăm năm, sẽ thấy nổi lên một câu hỏi ở vùng này: dường như lũ lụt có xu hướng mạnh lên, với tần suất lớn hơn? Phải chăng quá trình phát triển kinh tế và thiên nhiên đi ngược chiều nhau?
Trong khi bão là từ Thái Bình Dương đổ vào, lũ miền Tây Nam bộ là từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ xuống, thì lũ ở miền Trung xuất phát chính từ địa phận nước ta.
Khôi phục những khoảng rừng đã mất, tạo ra những hồ chứa nước để trung hòa lũ dữ, hay những biện pháp nào khác nữa… đó là những điều phải nghiên cứu để Trung bộ có thể phát triển bền vững.
Về phát triển kinh tế, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, dựa vào điều kiện tự nhiên, nên hướng trọng tâm vào ngành du lịch. Đây chính là ngành gắn được với thiên nhiên, chịu ít rủi ro hơn khi mưa bão xảy ra và cũng chính là ngành có thể tránh được nguy cơ trở thành bãi rác cho các nước khác.
Khi ngành du lịch, nhất là du lịch sinh thái được khai thác tốt, những mảng màu xanh sẽ quay trở lại và khi đó, những cơn lũ dữ sẽ dần biến mất, thiên nhiên sẽ hiền hòa và dễ thương hơn. Nếu không, với cách khai phá tự nhiên như hiện nay, cái rốn lũ sẽ ngày một trầm trọng hơn.
. Theo VNN
|