Không cần phải lặn lội đến tận Sơn Tây, Quảng Trị hoặc về Hòa Vang (Đà Nẵng) mới tìm thấy làng cổ. Từ Tam Kỳ, chỉ cần ngược 40km lên vùng bán sơn địa Tiên Phước là du khách đã có thể gặp màu rêu cũ. Nơi ấy có làng Lộc Yên, Tiên Cảnh cách thị trấn Tiên Kỳ 5km về hướng bắc, với những ngôi nhà cổ, ngõ đá ban sơ phong kín thời gian, ẩn giữa vườn đầy hoa trái...
1. Con đường duy nhất dẫn vào làng, như một cầu vồng bảy sắc, lung linh hạt nắng, uốn lượn theo chân ruộng bậc thang. Có đoạn giống lộ trung tâm giữa thung lũng cắt chia đất làng với dãy gò đồi hai bên: gò Tròn bên trái, bên phải gò Ngang.
Ngôi nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh (đã mất vài tháng trước, thọ 93 tuổi) ở gò Tròn, xây dựng vào năm 1850, được xem là một trong số ít nhà cổ ở Quảng Nam đã được xếp hạng di tích, còn giữ được phần kiến trúc nghệ thuật chạm khắc tinh xảo. Cùng với một giếng cổ 150 năm sâu chưa đầy 1m, nước trong veo, mát lạnh và chưa bao giờ cạn, ngay cả trong mùa khô hạn nhất; và các bể nước xây bằng đá núi ngày xưa, nằm dọc theo lối chân đồi lên. Ngôi nhà cổ, đẹp này đã từng được các đời chủ nhân bảo quản vật liệu gỗ theo lối cổ truyền, không thắp đèn dầu tây (dầu lửa), không sử dụng hóa chất như vécni hay chất có dầu để phủ lên mặt gỗ và tre khô có gai, bó thành từng khóm lộn xộn đặt dưới mái nhà chống dơi làm tổ, đã từng được Tổng thống chế độ cũ Ngô Đình Diệm nhờ anh trai Ngô Đình Khôi (Tổng đốc Quảng Nam) dạm mua, nhưng chủ nhân một mực khước từ. Hoặc, có thể từ chợ làng, qua 2 ngôi nhà, vài đám ruộng nhỏ, theo lối dẫn bằng đá quanh co, bước qua phiến đá bắc qua ao xây đá cũ sẽ gặp ngôi nhà cổ khác ở gần chân đồi của ông Đồng Viết Mão.
Ngoài ngôi nhà mái đất, tường đất của cụ Trần Khiêm, gọi là nhà lá mái xưa - loại nhà đặc biệt có hai tầng mái, mái dưới bằng đất, mái trên lợp bằng tranh, tưởng chỉ xuất hiện ở Bình Định, Phú Yên từ thế kỷ trước, đã từng được các nhà nghiên cứu cảnh báo là “còn rất hiếm hoi”, thì 7 nhà cổ còn lại ở làng, dựa lưng vào chân đồi, núi đất, theo hình thái riêng về bố cục không gian đều do thợ Văn Hà tạo ra từ gỗ mít, chạm trổ công phu. Dù đã thay vách bằng đá núi, tô trét bằng vôi, xi măng, vẫn giữ lại kiến trúc xưa cũ của một ngôi nhà 3 gian 2 chái với phần trang trí hoa văn tinh xảo các đầu kèo. Đuôi kèo hình con giao, lá cúc, mai, điểu, dơi, hoa lan, mai, nho, chim, sóc, trĩ... cách điệu. Nhiều chủ nhân cho rằng, linh hồn tổ tiên cha ông họ đã được gởi gắm vào đây, nên chẳng có gì lạ khi chạm vào gỗ, cột, tường đất là chạm vào mạch nước nguồn thao thức...
2. Nhà cổ, đẹp, lạ, nhưng chưa phải là phần hồn của làng cổ Lộc Yên. Những ngõ đá đến tường đá bọc quanh giếng, men sườn đồi, chung quanh khu vườn nhà và những con đường đá mới chính là phần hồn của không gian làng cổ. Ngõ đá xinh xắn, quanh co dài dằng dặc, lượn theo sườn đồi, chạy giữa rừng cây xanh, nhiều tầng bậc, ngập hoa trái đến tận những ngôi nhà cổ đẹp và thi vị, tạo thành một thạch tranh hoặc một thạch trận “kỳ bí”, đến nỗi nhiều người còn đặt xứ sở này là của những ngõ đá độc đáo.
Qua thời gian, dù con đường chính dẫn vào làng đã có đoạn bị bê tông hóa, Lộc Yên vẫn giữ được nét đẹp thiên nhiên ban đầu. Không gian sống với vườn đồi cây lá, bờ đá, ngõ đá tạo thành tấm thảm xanh, phủ trên mái ngói nâu đỏ sắc màu ấm áp của mùa đông và cái mát lạnh của mùa hạ. Từ việc phát quang, dọn vườn lấy đất sản xuất, tạo bờ, ngăn nước, tạo lối đi, cổng ngõ đã “vô tình” trở thành nghệ thuật sắp đặt công phu và độc đáo với những bờ tường cao không quá 1 đến 1,2m, vững chãi, không cần vôi vữa... Và, không chỉ thế, con sông đá Giăng chảy qua làng Lộc Yên bắt nguồn từ sông Trạm (Tiên An) đổ về sông Tiên ở Tiên Kỳ còn tạo thành dải nước mềm với những bờ xe nước, đập ngăn đầy phong vị làng xưa... cùng với các cây đặc sản: lòn bon, quế, chè, dâu đất, hồ tiêu... và nhiều món ăn khó gặp ở đâu khác. Có thể nguồn thực phẩm chính từ vườn nhà người phụ nữ Lộc Yên đã tạo ra những món ăn đậm hương vị dân dã như chuối chần, canh đu đủ lá lốt, mít non lá lốt, mít luộc - trứng chiên mắm, hoa chuối luộc chấm mắm. Và khi hội hè, lễ lạt, tết nhứt, trong nhà không thể thiếu các loại bánh mứt bánh tét nhân chuối sứ, nem chua lá liễu, bánh gừng, bánh ít lá gai, xôi vang và mít hông...
Những ngôi làng nhỏ lợp tranh với những tấm phên liếp và cửa chống, dựng trên những cột tre chôn thẳng xuống đất nay đã hoàn toàn bị mất đi. Trong hoàn cảnh đơn điệu của các nhà cao tầng, bê tông khắp chốn, thì việc đi trên con đường làng cổ xưa với những nếp nhà ba gian khiến chúng ta tìm thấy lại cảm giác tĩnh lặng, thanh bình; hoặc ngồi quanh bếp lửa trên sườn đồi, nướng thịt uống rượu quê đêm hè hẳn sẽ có được nhiều cảm xúc... Từ làng cổ Lộc Yên, du khách sẽ thấy yêu quí hơn, khát khao hơn một gáo nước mưa trong vắt, hứng từ bẹ cau, chảy xuống cái chum sành ở góc sân ngày xưa hay một giếng khơi trong trong vườn nhà... Sao không thể một lần tìm gặp làng xưa?
. Theo báo Quảng Nam
|