|
VinaCapital ký thỏa thuận nguyên tắc đầu tư khu phức hợp - trung tâm thương mại 325 triệu USD tại Đà Nẵng. |
Năm 2007, miền Trung - Tây Nguyên thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tương đương giai đoạn 1998 - 2006, với quy mô bình quân mỗi dự án gấp 4 lần cả nước!
Ông Trịnh Minh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (IPCC thuộc Bộ KH-ĐT) cho hay, với 77 dự án cấp mới và 6 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn FDI đăng ký tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong 11 tháng năm 2007 đạt gần 3,3 tỷ USD, tăng 264,5% so với cùng kỳ năm 2006 và chiếm tỷ lệ 22% so với tổng vốn FDI của cả nước (tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay). Dự kiến đến cuối năm 2007 sẽ đạt trên 3,4 tỷ USD.
Như vậy, riêng năm 2007, miền Trung - Tây Nguyên đã thu hút lượng vốn FDI tương đương với 19 năm giai đoạn 1998 - 2006 là 3,54 tỷ USD. Kết quả này đã đưa tổng số dự án FDI hiện có của khu vực lên con số 395 với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 6,73 tỷ USD (chiếm 8,6% so với cả nước), vốn thực hiện đạt 988,5 triệu USD (chiếm 2,97%) so với cả nước.
Trong đó, với dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, tỉnh Phú Yên đã vươn lên dẫn đầu khu vực về thu hút vốn FDI trong năm 2007 (1,714 tỷ USD), tiếp đó là Đà Nẵng (830,6 triệu USD), TT - Huế 374,4 triệu USD, Quảng Nam 233,6 triệu USD, Bình Định 72,4 triệu USD... Như vậy, Phú Yên đã vượt qua Đà Nẵng để trở thành địa phương thu hút tổng vốn FDI lớn nhất khu vực (chiếm 27,9%), Đà Nẵng xuống vị trí thứ 2 (25,6%), tiếp đó là Quảng Ngãi (12,6%). Trên 50% số dự án tập trung ở các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo đánh giá của ông Trịnh Minh Vân, sự xuất hiện của một số dự án lớn trong năm 2007 như Nhà máy lọc dầu Vũng Rô của Anh và Nga (1,7 tỷ USD tại Phú Yên), Trung tâm Thương mại VinaCapital (325 triệu USD tại Đà Nẵng), khu phức hợp resort cao cấp của Singapore (276,25 triệu USD tại TT - Huế), Công ty TNHH Daewon Cantavil (250 triệu USD tại Đà Nẵng)… đã nâng quy mô vốn đầu tư cấp mới của khu vực miền Trung - Tây Nguyên đạt bình quân 42,34 triệu USD/dự án, cao hơn 4 lần so với quy mô bình quân của cả nước (9,85 triệu USD/dự án).
Về đối tác đầu tư, trong năm 2007 đã có 22 nước và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại miền Trung - Tây Nguyên. Riêng tốp 5 nhà đầu tư lớn đã chiếm hơn 82% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả khu vực. Dẫn đầu là Anh (chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký), tiếp đến là Nga (chiếm 25,6%) và quần đảo Virgin thuộc Anh (chiếm 14,1%).
Như vậy, đến nay đã có 36 trong số 81 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN có dự án đầu tư tại miền Trung - Tây Nguyên. Đặc biệt, lần đầu tiên Vương quốc Anh đã vượt qua các nhà đầu tư châu Á, chiếm vị trí dẫn đầu trong danh sách các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào khu vực này (chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trên toàn khu vực), tiếp đó là Hàn Quốc (12,83%), Nga (12,78%).
Ông Trịnh Minh Vân đặc biệt lưu ý việc nguồn vốn FDI đổ vào miền Trung - Tây Nguyên trong năm 2007 tập trung chủ yếu vào công nghiệp - xây dựng (chiếm 57,7% tổng vốn đăng ký), tiếp đó là thương mại - dịch vụ chiếm 42,2%. Trong khi nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 0,1%. Qua đó đưa tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào công nghiệp - xây dựng của khu vực này chiếm 62% tổng vốn đăng ký, thương mại - dịch vụ chiếm 35%, còn nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 3%. Điều đó cũng phản ảnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong khu vực theo hướng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ.
“Từ năm 2006, với việc ra đời các khu kinh tế có cơ chế, chính sách thông thoáng như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Vân Phong và cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thu hút nguồn vốn FDI.
Chính quyền các địa phương còn đặc biệt quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư nên đã mở ra những triển vọng mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất nghèo khó này. Hiện IPCC đang xúc tiến một dự án lớn khoảng 3,5 tỷ USD vào khu vực này và nhiều khả năng sẽ trở thành hiện thực trong năm 2008 - 2009!” - ông Trịnh Minh Vân cho hay.
. Theo VNN |