Hoàng Sa nhìn từ đảo Lý Sơn
9:59', 7/12/ 2007 (GMT+7)

Từ Lý Sơn mà nhìn về Hoàng Sa và Trường Sa bằng mắt thường thì chắc là không thấy gì. Tuy nhiên, từ hơn 300 năm trước, các Chúa Nguyễn rồi các vua nhà Nguyễn đã “nhìn thấy” hai quần đảo này khi mở rộng bờ cõi của đất nước về phương Nam.

 

Mộ gió phía sau nhà thờ họ Phạm Quang ở Lý Sơn. (Ảnh: T.Đ)

 

Những cuộc ra đi

Lúc còn làm Hiệp trấn Thuận Hóa (1776), Lê Quý Đôn đã có lần đề cập đến Đội Hoàng Sa-đội quân do các Chúa Nguyễn thành lập, làm nhiệm vụ canh giữ vùng lãnh hải phía nam của đất nước, đặc biệt là ở đảo Hoàng Sa. Cứ vào tháng 2 âm lịch hàng năm, làng An Vĩnh (thuộc xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh-Quảng Ngãi) chọn 70 suất đinh, gồm những trai tráng giỏi nghề bơi lặn và khỏe nhất làng để sung vào Đội Hoàng Sa. Đến thời Gia Long, 70 suất đinh này được chọn tại đảo Lý Sơn. Trước khi lên đường ra Hoàng Sa, dân Lý Sơn đã tế sống những người lính này, gọi là “lễ khao lề tế lính Hoàng Sa”. Họ làm những con thuyền và hình nhân bằng giấy, sau phần tế lễ, thuyền và hình nhân được thả xuống biển để “thế mạng” cho những người lính trước khi họ lên đường. Sau 6 tháng ra Hoàng Sa, đội quân này trở về và ghé vào Phú Xuân, dâng các sản vật kiếm được lên vua. Kể từ khi Chúa Nguyễn Hoàng trấn nhậm phương Nam, Đội Hoàng Sa đã được thành lập và các cuộc ra đi của nhiều thế hệ trai tráng trên đảo Lý Sơn đã được tiến hành hàng năm. Lúc đầu đội quân này chỉ ra Hoàng Sa để lấy sản vật tiến vua, nhưng đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà Nguyễn đã thành lập hẳn một đội thủy quân quy mô. Đội quân này còn làm nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ và dựng bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa nữa.

 

Phần mộ của Đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật-người đã cắm cột mốc khẳng định chủ quyền của VN trên đảo Hoàng Sa. (Ảnh: T.Đ)

 

Do phương tiện ra Hoàng Sa là những chiếc ghe bầu quá lạc hậu nên việc trở về của những người lính này là rất hiếm hoi. Hễ sau 6 tháng mà không thấy đội quân ấy trở về, người dân trên đảo tiến hành làm các ngôi mộ gió, hay còn gọi là mộ liếp để tưởng nhớ những người đã hy sinh.

Những ngôi mộ gió

Theo tài liệu của các tộc họ lâu đời trên đảo Lý Sơn, bên trong những ngôi mộ gió này đều có hình nhân bằng đất sét. Mỗi ngôi mộ được “phiên” vào một người lính tham gia vào Đội Hoàng Sa đã hy sinh. Người dân trên đảo Lý Sơn tiến hành chôn cất những hình nhân này giống như chôn người thật, sau khi thầy pháp làm lễ gọi hồn người chết về nhập xác vào hình nhân. Lễ mai táng diễn ra hết sức thiêng liêng và nghiêm cẩn nên người thân của những người lính hy sinh cảm thấy con em mình đang nằm dưới những ngôi mộ gió. Vì vậy, việc thờ tự cúng kính luôn được duy trì qua nhiều thế hệ trên đảo Lý Sơn.

 

Thuyền và hình nhân thế mạng tại lễ “Tế lính Hoàng Sa” được dân Lý Sơn tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm. (Ảnh: T.Đ)

 

Những cuộc ra đi của Đội Hoàng Sa được chấm dứt kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Cũng từ đó, những ngôi mộ gió không còn tiếp tục xuất hiện nữa. Những biến động của thời cuộc đã diễn ra liên tục suốt mấy mươi năm chiến tranh đã làm cho các thế hệ kế tiếp trên đảo Lý Sơn đã không còn quan tâm đến những ngôi mộ gió. Chưa một ai thống kê có bao nhiêu ngôi mộ gió đang tồn tại trên đảo Lý Sơn. Những ngôi mộ gió hiện nằm rải rác quanh nhà thờ họ Phạm Quang ở xã An Vĩnh và quanh khu vực bia “chiến sĩ trận vong”. Người mỗi ngày một đông, đất trên đảo mỗi ngày một hẹp dần nên những ngôi mộ gió cũng theo đó mà “hẹp” lại, nhường đất canh tác cho cây hành, cây tỏi. Vài năm trở lại đây, Lý Sơn đã khôi phục lại “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” với những nghi thức đã từng song hành với họ cách nay hơn một thế kỷ, song những ngôi mộ gió thì vẫn chưa được chăm chút dù không một ai dám “đụng” đến.

Mộ gió trên đảo Lý Sơn cần phải xem đó như một di tích văn hóa và lịch sử, bởi đó là một phần máu thịt trên hành trình giữ nước của cha ông ta.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vốn FDI đổ vào miền Trung - Tây Nguyên tăng đột biến  (06/12/2007)
Ra mắt bộ sách sử thi Tây Nguyên đồ sộ nhất từ trước đến nay  (06/12/2007)
Rêu xanh làng cổ...  (03/12/2007)
Làng cổ Đông Sơn  (29/11/2007)
Thông đường hầm thủy điện dài nhất Việt Nam   (26/11/2007)
Hình ảnh về Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2007   (22/11/2007)
Khai mạc Festival Van hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2007   (22/11/2007)
Duyên hải Nam Trung bộ: Hai bức tranh đối lập   (20/11/2007)
Chính phủ yêu cầu các tỉnh miền Trung: Nhanh chóng khắc phục hậu quả và đối phó với đợt lũ mới   (20/11/2007)
Phát triển kinh tế xã hội dải ven biển miền Trung  (15/11/2007)
Bà Nà: Mảnh sân thượng của Thành phố Đà Nẵng  (14/11/2007)
Lợi thế từ Cầu Treo  (06/11/2007)
Bài ca Mu-ra  (02/11/2007)
Miền Trung: Đối mặt với đợt lũ mới  (31/10/2007)
Xây hệ thống cảng biển  (29/10/2007)