Lục trong đống ảnh tư liệu bừa bộn của mình, tình cờ một tấm ảnh liên quan đến Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD) văng ra. “Nhân vật” chính trong tấm ảnh là một đàn bò bình yên gặm cỏ ngay giữa mặt bằng nhà máy. Lại một tấm ảnh khác xuất hiện, “nhân vật” chính lần này là một chùm ống tháp tách của phân xưởng cracking vươn lên trời xanh, đúng ngay chỗ đàn bò gặm cỏ dạo nào. Vậy là, hai “nhân vật” ấy đã thế chỗ cho nhau, diễn ra trong thời gian ngót 10 năm!
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thị sát Nhà máy lọc dầu Dung Quất cuối năm 2007. Ảnh: TĐ
|
Người mới vài lần đến Dung Quất, khi thấy cảnh hối hả của công trường cùng những bể chứa dầu mọc lên san sát trong nhà máy ngay trong thời điểm này thì bảo “nhanh quá”, kẻ từng chờ đợi mỏi mòn về NMLD đầu tiên của đất nước hơn 10 năm nay thì lắc đầu “lâu quá”. Tôi cũng đã từng “sốt ruột” cho dự án 2,5 tỷ đô la này và cũng đã từng vỡ òa khi nhìn thấy những kiện hàng siêu trường siêu trọng của nhà máy nặng hàng trăm tấn cập cảng Dung Quất. Rồi chợt vui niềm vui con trẻ khi thấy những bồn, những bể, những tháp tách cao cả trăm mét lừng lững vươn lên trời xanh. Nhà máy lọc dầu Dung Quất- trái tim cho cả khu kinh tế rộng đến 14 ngàn hecta này đã bắt đầu đập bằng nhịp đập của một cơ thể đang hồi sinh. Thử nhìn từ “trái tim” này để thấy hết sức nặng của một dự án và sức bật của một vùng đất, không chỉ riêng cho Quảng Ngãi mà cho cả miền Trung.
Tàu sắp vào ga
Có thể ví von như thế để nói về Dung Quất hôm nay. Trên 120 dự án đã đăng ký đầu tư vào Dung Quất, riêng trong năm 2007 là 25 dự án, thu hút một số vốn khổng lồ: Trên 8 tỷ đô la. Chỉ trong vòng ba năm 2005-2007, Dung Quất đã hút về mình một lượng vốn đầu tư bằng cả mười năm cộng lại, biến Quảng Ngãi từ một tỉnh “ngoài vùng phủ sóng” trên tất cả các mặt, vọt lên “đại gia” trong việc thu hút vốn FDI (đứng thứ 3 trong cả nước năm 2006), là một trong không nhiều địa phương của miền Trung gia nhập câu lạc bộ nghìn tỷ từ năm 2006. “Đoàn tàu” đầu tư đang hối hả lăn nhanh về ga cuối tại Dung Quất. Ngoài NMLD do Việt Nam tự đầu tư với số vốn 2,5 tỷ USD, một số dự án khác đáng để “giật mình”: Nhà máy thép 3,3 tỷ USD, công suất 5 triệu tấn phôi/năm, 100% vốn của tập đoàn thép Tycoons-Đài Loan vừa khởi công hồi tháng 11.2007, nhà máy công nghiệp nặng Doosan của Hàn Quốc, vốn 300 triệu USD cũng đang được triển khai, nhà máy polypropylen trên 200 triệu USD vừa khởi công, Nhà máy đóng tàu Vinashin vốn 800 triệu USD sắp cho xuất xưởng chiếc tàu dầu khổng lồ 103 ngàn tấn, đóng nhãn “Made in DungQuat-Vietnam”, một sê-ri dự án của các tập đoàn công nghiệp, tài chính hàng đầu của Hàn Quốc cũng đang thăm dò để đầu tư vào Dung Quất với số vốn hàng trăm triệu USD. Nếu như ba năm trước đây, khi NMLD chưa khởi động lại, lòng tin của người dân về một dự án tầm cỡ quốc gia ấy gần như bị tát cạn thì giờ đây, việc dồn dập “khởi công”, tất bật “động thổ” của nhiều dự án đã khiến tình hình đầu tư tại Dung Quất có cảm giác như đã “quá tải” so với sự chuẩn bị về nhân tài, vật lực cũng như cơ sở hạ tầng tại đây. Để có được những con số “cựa quậy” như trên, sự đóng góp của NMLD với tư cách “đầu tàu” là rất lớn. Gần như tất cả các dự án đã từng “quay lưng” khi NMLD còn nguội lạnh, giờ bắt đầu trở lại. Hầu như dự án nào cũng ấn định thời hạn cuối cùng để “cập bến” cùng lúc với thời hạn hoàn thành dự án NMLD Dung Quất, tức là năm 2009-2010. Cuộc trùng phùng của tất cả các dự án lớn tại Dung Quất vào “ga cuối” ấy sẽ thành một cú hích nữa để Quảng Ngãi và miền Trung thay đổi hẳn diện mạo của mình.
|
Cụm tháp tách phân xưởng cracking đã hoàn thành. Ảnh: TĐ
|
Những gặt hái đầu tiên
Nếu như năm 2005, tỉnh Quảng Ngãi phải “đôn quân thúc lính” vã mồ hôi mới thu được 500 tỷ đồng tiền thuế thì sang năm 2006, khi NMLD bắt đầu triển khai, tiền thuế đã vọt lên trên 1.100 tỷ, chễm chệ ngồi cùng chiếu với các “đại gia” Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định. Năm nay, số thuế của Quảng Ngãi sẽ vọt lên trên 1.300 tỷ, trong đó, riêng khu Dung Quất đóng góp trên 500 tỷ đồng. Một câu hỏi được đặt ra cho ông Trần Lê Trung, Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất khi nghe ông thông báo một cách “hớn hở” về khoản thu mà Dung Quất đóng góp: “Nhưng nguồn thu 500 tỷ chủ yếu là từ xây dựng chứ không phải từ sản xuất. Liệu khi NMLD xây dựng xong, nguồn thu kia có còn không?”. Ông Trung tự tin: “Dĩ nhiên hiện nay nguồn thu chính tại Dung Quất vẫn là tiền xây dựng các dự án, song nguồn thu này vẫn sẽ được duy trì trong nhiều năm tới vì cả Dung Quất có đến 8 tỷ USD từ các dự án chứ không chỉ có NMLD. Vả lại, khi NMLD đi vào vận hành, đến năm 2010, nguồn thu chỉ riêng nhà máy này thôi cũng lên đến khoảng 2 ngàn tỷ/năm”. Những ai “yếu bóng vía” về chuyện tiền bạc, nghe con số trên, chắc là phải uống thuốc hạ huyết áp! Tôi lẩn thẩn ngồi nhẩm theo kiểu của mấy mệ bán trầu: Đầu tư 2,5 tỷ USD vào NMLD tức 40.000 tỷ đồng VN để góp vào ngân sách mỗi năm là 2 ngàn tỷ, vậy 3,3 tỷ USD của nhà máy thép (cũng sẽ xong trong năm 2010) sẽ góp vào ngân sách là … không đếm hết!
Góp vào ngân sách là cái đang thấy nhưng điều làm cho Dung Quất và Quảng Ngãi “hồi sinh” lại ẩn bên trong mà không phải ai cũng nhận ra. Đó là tại Dung Quất đã hút một lượng người khổng lồ với khoảng 2 vạn kỹ sư và công nhân vào làm việc tại các nhà máy, với mức thu nhập 1,2 triệu bình quân/người/ tháng. Thú thực, tôi nêu con số trên là dựa vào… báo cáo chứ mức thu nhập của người lao động tại đây có thể cao hơn nhiều. Chỉ tính riêng “thợ đụng” (tức “đụng gì làm nấy”), mỗi ngày các chủ thầu cũng đã trả cho họ 60.000đ rồi. Gần như Trường Dạy nghề Dung Quất bị “cháy” người dù cho mỗi năm họ cho ra lò từ 2-3 ngàn công nhân. Rồi thì bao nhiêu dịch vụ “ăn theo” các dự án, từ chuyện cho thuê nhà đến gội đầu, cạo mặt đến mát xa mát gần… đủ các kiểu mà “kiểu” gì thì cũng thu được tiền, hơn gấp nhiều lần so với làm ruộng tại đây. Đó mới là “nguồn thu” mà người dân Dung Quất được hưởng trực tiếp chứ không phải thu thuế 2 nghìn tỷ/năm. Tuy nhiên, nếu làm lọc dầu, hình thành khu kinh tế Dung Quất mà chỉ để người dân hưởng lợi từ việc “cạo mặt gội đầu” như thế thì chẳng ai làm. Đích ngắm cuối cùng của các nhà quản lý vĩ mô là qua lọc dầu, qua KKT Dung Quất sẽ “kích hoạt” cho cả miền Trung “vùng lên”. Và miền Trung cũng đã “vùng lên”, bắt đầu từ Dung Quất, từ nhà máy lọc dầu.
|
Khởi công cụm công nghiệp nặng Doosan. Ảnh: TĐ
|
Sức lan tỏa
Ông Trịnh Minh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (IPCC thuộc Bộ KH-ĐT) cho hay, với 77 dự án cấp mới và 6 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng vốn FDI đăng ký tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong năm 2007 là 3,4 tỷ USD, chiếm tỷ lệ 22% so với tổng vốn FDI của cả nước, cao nhất từ trước đến nay. Một thống kê khác: từ 1998 đến 2006, tổng vốn FDI vào miền Trung chỉ bằng năm 2007! Không phải “thấy người sang bắt quàng làm họ” đâu nhưng rõ ràng để có một lượng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài như thế phải kể đến những đóng góp quan trọng từ những dự án “đinh”, trong đó có NMLD Dung Quất.
Dù bất lợi về giao thông, xa các trung tâm tài chính hàng đầu so với hai đầu đất nước, song miền Trung vẫn có thế mạnh riêng. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà đầu tư nước ngoài lại đến “ào ào” như thế trong năm qua. Các nhà kinh tế sẽ có những phân tích thấu đáo về hiện tượng này, nhưng dưới góc nhìn của một người bình thường thì thấy rằng sự kích hoạt từ một vài điểm nhấn tại các khu kinh tế đã tạo hiệu ứng dây chuyền trong đầu tư vào miền Trung.
Dung Quất đang bon bon về ga cuối, kéo theo cả khu vực cùng về đích dù rằng đó là cuộc hành trình đầy nhọc nhằn nhưng luôn lấp lánh những khát vọng.
|