Lên Kon Tum thích nhất là được đi dưới những hàng phượng lốm đốm nắng. Trịnh Công Sơn viết “đường phượng bay” cho Huế, nhưng ở Kon Tum cũng có đường phượng bay như thế. Phượng ở đây mang tính ẩn dụ nhiều hơn, có vẻ lãng mạn trữ tình hơn, thấp thỏm hơn, mảnh mai yểu điệu chứ không vạm vỡ rực rỡ như phượng thành phố cảng Hải Phòng.
|
Nhà thờ gỗ ở Kon Tum (ảnh: Timnhanh.com)
|
Kon Tum là một thị xã nhỏ thuộc một tỉnh bắc Tây Nguyên, nhưng vì nhỏ nên nó đẹp và vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính của mình. Kể từ khi người Pháp đầu tiên đặt chân đến đất này đã hơn một trăm năm mươi năm (hai cha cố Combes và Fontain đến Kon Tum năm 1850 và năm 1913 thì tỉnh Kon Tum được chính thức thành lập). Cái tòa giám mục và nhà thờ gỗ rất đẹp giữa thị xã mà bất cứ ai đã đặt chân đến đều phải ghé thăm và là niềm tự hào của người Kon Tum cũng đều xấp xỉ trăm tuổi. Rất nhẹ nhõm và tĩnh lặng là cảm giác của tất cả mọi người khi đến thị xã này. Những ngôi nhà vườn đang mất dần đi nhường chỗ cho những khu phố hiện đại là điều không thể khác, nhưng may mắn, ta vẫn mát mắt với những miên mang màu xanh, với lô xô mái ngói rêu phong thấp thoáng sau tàn phưượng rủ. Là một trong những thị xã hiếm hoi mà làng đang còn xen kẽ trong phố. Những là Kon Rơ Bàng, là Plây Tơ Nha… chỉ cần quặt vào bất cứ một con đường nhỏ nào đó là ta đã hòa mình vào đời sống Ba Na với tất cả sự kỳ diệu bí ẩn và thanh thoát nhẹ nhõm. Trong một chạng vạng chiều vàng đẹp đến tê người ngày nào, tại một giọt nước ở làng Plây Tơ Nha, tôi chứng kiến đạo diễn Lê Đức Tiến và nhà văn Nguyên Ngọc cùng đoàn làm phim phát hiện ra cô Hơ Panh để chọn vào vai H’liêu cho phim “Đất nước đứng lên” khi cô đang… tắm. Những giọt nước, bến nước của làng hiện diện vào giữa văn minh đô thị khiến ta có cảm giác phố xá thân thương gần gũi. Kon Tum gần giống Sa Pa ở chỗ người dân tộc Ba Na tham gia vào đời sống thành thị khá nhiều. Sáng chủ nhật, các con chiên Ba Na súng sính bên con chiên người Kinh lũ lượt vào nhà thờ. Thổ cẩm áo ló xen với thướt tha áo dài… Ngay sau nhà thờ gỗ là một cô nhi viện do toàn các sơ người dân tộc Ba Na phụ trách, nhiều cháu mồ côi các dân tộc từ Ba Na đến Giẻ Triêng, Xê Đăng, Rơ Mâm, Gia Rai… đến Kinh đã trưởng thành từ đây, rất nhiều cháu được nuôi từ sơ sinh đỏ hỏn do mẹ chết khi sinh con, các sơ cứu cháu từ hủ tục mẹ chết chôn theo hài nhi. Cách đấy một đoạn là cơ sở dệt thổ cẩm của chị em phụ nữ người dân tộc, nhộn nhịp, đông vui và sặc sỡ.
Một di tích lịch sử rất quý cũng hiện diện ngay trung tâm thị xã là di tích Ngục Kon Tum. Đây là nơi diễn ra “cuộc đấu tranh lưu huyết” mà ông Lê Văn Hiến đã kể trong cuốn sách đầu tiên của nền văn học Kon Tum: cuốn “ Ngục Kon Tum”. Bây giờ, một quần thể kiến trúc- văn hóa đã hiện diện nơi đây, bên dòng Đăk Bla, con sông “như một tiếng tù và thổi qua lòng xanh thị xã". Đăk Bla là một con sông rất lạ, nó… chảy ngược, băng qua thị xã Kon Tum hợp lưu với dòng Đắk Pô Cô hướng lên thăm thẳm mịt mù Trường Sơn, sang nhập với sông Tông Lê Sáp (Campuchia) đổ vào Biển Hồ mênh mông rồi lại quay về Việt Nam qua hệ thống sông Cửu Long. Trên dòng chảy của nó người ta đã và đang xây dựng một tổ hợp thủy điện với Ya Ly, Sê San, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4.
Đất ấy sinh ra những người cũng…lạ. Nhân vật đặc trưng là ông Sô Lây Tăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum. Ông là người Giẻ, là bác sĩ được đào tạo rất bài bản. Là người rất thông minh và tâm huyết với bản sắc văn hóa dân tộc. Ông chính là người ký chỉ thị “khôi phục nhà rông truyền thống ở Kon Tum”. Vì thế cho đến giờ Kon Tum là tỉnh còn nhiều nhà rông truyền thống nhất ở Tây Nguyên và nhà nước phải bỏ tiền ít nhất cho việc xây dựng nhà rộng. Có gì đâu , ông trả các nhà rông về cho buôn làng, cho nhân dân tự xây dựng, hạn chế xây dựng nhà rông ở xã, ở các khu trung tâm, tốn hàng trăm triệu mà chỉ để giải quyết khâu oai chứ giá trị sử dụng rất ít. Ông được nhân dân quý bởi ngoài sự thông minh sắc sảo, ông còn rất gần dân. Đi công tác về làng, việc mà ông rất hay làm khi đương chức Bí thư Tỉnh ủy, ông có thể sà vào bất cứ cuộc rượu nào, uống hết mình với bà con và nhờ thế mà cũng giải đáp hết thắc mắc của bà con và cũng hiểu thêm rất nhiều điều từ cơ sở. Hồi chuẩn bị phê duyệt xây dựng nhà máy thủy điện Ya Ly, trước một số ý kiến còn rụt rè, ông kiên nhẫn thuyết phục từng người trong Chính phủ, trong Quốc hội và cuối cùng tuyên bố: nếu không quyết làm Ya Ly, ông sẽ… đóng khố đi họp Quốc hội.
Hôm rời Kon Tum tôi nhập vào đoàn vào viếng nghĩa trang liệt sĩ. Bó hương đùng đùng cháy trong chiều Kon Tum ào ạt tưng bừng mây. Một hoàng hôn đầm đìa gió bên dòng Đăk Bla vàng mượt dã quỳ với những tấm bia câm lặng còn ám ảnh tôi khi ngồi viết những dòng này.
. Theo báo Kon Tum
|