Vào mùa thu năm Ất Mùi (1835), một nho sinh quê ở huyện Bành Hồ, đang là chủ giảng Dẫn Tâm Thư viện ở Đài Loan, sau khi thi hương xong đáp thuyền trở về nhà để vấn an mẹ thì bị gió bão đánh trôi giạt ra vùng biển Đông cùng nhiều thuyền nhân khác. Con thuyền vô định lênh đênh trên biển trong suốt hơn 10 ngày, từ ngày 2 đến đêm 11 tháng Mười, thì tấp vào lãnh địa của nước Việt Nam. Vị nho sinh cùng những thuyền nhân bị nạn đã được nhân dân và quan chức địa phương tận tình cứu giúp, và đã được đưa vào cửa Thới Cần (Sa Cần). Vị nho sinh đó sau này đã trở thành một danh nhân của Đài Loan, Trung Quốc, và là vị tiến sĩ đầu tiên của huyện Bành Hồ - tiến sĩ Thái Đình Lan.
|
Chùa Ông-Thu Xà-nơi có nhiều người Hoa sinh sống mà Thái Đình Lan hay lui tới trong những ngày lưu lại Quảng Ngãi. Ảnh: T. Đ
|
Cuộc hành trình qua Việt Nam của Thái Đình Lan dẫu là bất đắc dĩ, nhưng chính nó đã giúp ông trở thành một nhân vật nổi tiếng đương thời và cả về sau này. Nhiều người cùng thời với Thái Đình Lan cũng như báo chí Mỹ, Trung Quốc và báo chí của nhiều nước ở phương Tây đã từng xôn xao khi viết về ông và những gì ông đã chứng kiến trong cuộc hành trình bất đắc dĩ hơn 6 tháng này. Sở dĩ có được điều đó là nhờ Thái Đình Lan đã ghi chép khá tỉ mỉ, sinh động về những gì ông đã trải qua và chứng kiến, kể từ khi ông bắt đầu lên thuyền, rồi bị trôi giạt đến Quảng Ngãi cho đến ngày ông về lại Trung Quốc, trong tác phẩm nổi tiếng Hải Nam tạp trứ (tạm dịch là “Ghi chép tản mạn về biển phương Nam”).
Hải Nam tạp trứ chia làm 3 thiên. Đó là các thiên: Thương minh kỷ hiểm, Viêm hoang kỷ trình và Việt Nam kỷ lược. Thương minh kỷ hiểm là những trang ghi chép về 10 ngày Thái Đình Lan và những người cùng thuyền bị bão tố đánh tan tác trên biển. Viêm hoang kỷ trình là những trang ghi chép về thái độ ứng xử hết sức tốt đẹp của vua Minh Mạng, của các quan chức, lẫn nhân dân Việt Nam, nhân dân Quảng Ngãi đã dành cho ông trong suốt thời gian ông ở Việt Nam, mà trong đó có 70 ngày ông lưu trú tại Quảng Ngãi, cùng 118 ngày đi bằng đường bộ lẫn đường thủy từ Quảng Ngãi, đến biên giới Lạng Sơn để về đến Trung Quốc, với gần 7.000 dặm (Thái Đình Lan đã trôi giạt vào Quảng Ngãi vào ngày 11 tháng Mười và rời khỏi Quảng Ngãi ngày 21 tháng Mười hai, về đến An Môn-Phúc Kiến vào ngày 20 tháng Tư năm Bính Thân - 1836). Việt Nam kỷ lược là ghi chép sơ lược về lịch sử nước Việt Nam từ thuở lập quốc đến thời vua Minh Mạng, việc tổ chức hành chính, một số phong tục tập quán, tín ngưỡng... mà Thái Đình Lan thu nhặt được từ các nguồn tư liệu lẫn từ trong thực tế.
Riêng với Quảng Ngãi, trong Hải Nam tạp trứ, Thái Đình Lan đã dành gần 1/3 số trang của thiên Viêm hoang kỷ trình để ghi chép về những gì ông đã chứng kiến, gặp phải trên mảnh đất này. Là một người chuyên tâm đến việc nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi thật sự quý trọng những dòng Thái Đình Lan ghi chép như thế này khi ông lưu trú tại Quảng Ngãi: “Họ (các quan tuần thủ tấn Sa Cần, mà thời đó còn gọi là Thới/Thái Cần) đều chít khăn lụa đen, mặc áo đen tay hẹp, quần lụa điều, đi chân trần”, và ông còn chua thêm: “các quan Việt Nam đi đâu đều đi chân đất, áo mặc không phân biệt nóng lạnh, ngay giữa mùa đông cũng mặc áo quần lụa mỏng. Người quyền quý phần nhiều dùng hai màu xanh (lam) và đen; khăn chít đầu cũng thế, quần thì mặc quần lụa điều”(1). Khi Thái Đình Lan dâng lễ vật bẩm báo, ông cũng chú ý ghi: “Phàm đưa lễ vật đến biếu tất phải đặt lễ lên chiếc mâm đồng đội trên đầu, quỳ xuống mà dâng tiến, gọi là cống đồng bàn” (nghĩa là cái mâm có đặt lễ vật dâng lên). Ở một đoạn khác, ông ghi: “Chỗ làm việc của quan tấn lớn nhỏ đều không đặt bàn ghế. Giữa nhà đặt một chiếc giường thấp quay về hướng nam, đó là chỗ ngồi của người bậc trên, hai bên tả hữu mỗi bên đều đặt giường, nhìn về hướng tây và hướng đông, bên trái là chủ, bên phải là khách, như thể chế nhà Hán. Nếu có người cùng ngồi thì người bậc trên ngồi ngoài, người bậc dưới theo thứ tự ngồi trong”. Lại ở một đoạn khác, Thái Đình Lan ghi: “...khi có thuyền vào địa phận cửa tấn, quan thủ ngữ đặt phép phòng hộ, cho đánh chiêng trước nhà làm việc, các thuyền đánh cá chèo đến tập trung nghe sai phái, không dám đòi công sá...”. Những dòng ghi chép ấy cho ta biết ít nhiều về lề lối trang phục, cách bố trí nhà cửa, một vài hình thức nghi lễ, kỷ cương... của người xưa, ít ra cũng vào thời Minh Mạng, mà không dễ gì bây giờ nhiều người biết được (thậm chí làm được).
Về Quảng Ngãi, Thái Đình Lan còn ghi chép khá kỹ lưỡng về tên họ những vị quan trấn thủ tấn Thới Cần như Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Văn Lợi; những vị thư lại ở các ty Án sát và Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi như Bùi Hữu Trực, Nguyễn Sĩ Long, Bùi Kính Thúc, Trần Hưng Trí, Nguyễn Tiến Thống; các quan đầu tỉnh lúc bấy giờ mà ông thường xuyên được ưu ái tiếp kiến như Tôn Thất Bạch (Bố chánh), Đặng Kim Giám (Án sát); các vị khoa bảng từng đỗ tiến sĩ mà ông từng được họa thơ phú như Lê Triều Quý, Phạm Hoa Trình; một số người Hoa ở phố Quảng Ngãi thời ấy (tức Thu Xà), và ở cổ thành Quảng Ngãi như Bang chủ bang Phúc Kiến Trịnh Kim, các thương nhân Hoàng Văn, Lâm Tốn... Ông cũng ghi chép khá kỹ về phong cảnh (như ông nói là “còn đẹp hơn hẳn Đài Loan”), phong tục, địa danh, việc học tập của học trò Quảng Ngãi, việc giao thông, buôn bán, kể cả việc ông bực mình vì có quá nhiều người đến xin chữ để treo trong nhà..., đặc biệt là về tấm lòng quý mến, hiếu khách, trọng nhân tài của người Quảng Ngãi, từ các vị đại quan như các quan án sát, bố chánh, các tri phủ, tri huyện... đến dân chúng, đã dành cho ông trong suốt hơn 2 tháng lưu trú ở đây.
|
Cửa biển Sa Cần-nơi Thái Đình Lan đặt chân lên đất liền sau những ngày lênh đênh trên biển. Ảnh: T.Đ
|
Mấy dòng tóm lược chưa đầy đủ trên đây chỉ nói về những ghi chép của Thái Đình Lan về Quảng Ngãi. Hải Nam tạp trứ là những ghi chép khá tường tận về những chặng đường Thái Đình Lan đã đi qua, từ Quảng Ngãi đến tận Lạng Sơn, mà trong suốt chặng đường hàng nghìn dặm đó ông đã gặp không biết bao nhiêu tấm lòng, từ đức vua cho đến thứ dân, đã đối xử với ông hết sức chân thành và trọng thị, dầu mới đầu mọi người cũng chỉ biết ông là một thuyền nhân gặp nạn, và sau đó là một nhà nho có tài (lúc này ông chưa đỗ tiến sĩ, ông đỗ tiến sĩ vào năm 1844, tức sau 9 năm kể từ ngày gặp nạn).
Cách đây không lâu, đoàn hương thân Bành Hồ do GS.TS Trần Ích Nguyên làm trưởng đoàn cùng hậu duệ của ông là Thái Đình Tiến và một số nhà nghiên cứu, nhà giáo ở quê ông đã đến Quảng Ngãi. Dù chuyến viếng thăm vội vàng nhưng chúng tôi cũng đã có dịp đưa đoàn đi thăm lại một số nơi Thái Đình Lan từng đi qua cách đây 172 năm trước. Họ đã thật sự xúc động khi đến thăm cửa biển Sa Cần - nơi đầu tiên Thái Đình Lan được chia xẻ nỗi niềm của một thuyền nhân gặp nạn, thăm núi Thiên Ấn để được nhìn tổng thể cảnh quan vùng đất Quảng Ngãi, thăm Thu Xà - nơi vốn có nhiều người Hoa mà Thái Đình Lan từng được giao du... GS Trần Ích Nguyên đã nói với chúng tôi: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm Quảng Ngãi. Khi đến đây, qua những ngày tiếp xúc với nhiều người, chúng tôi càng hiểu hơn những gì mà người Quảng Ngãi đã đối xử với tiến sĩ Thái Đình Lan thuở trước”.
|