Tháng 11-2005, “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là một sự vinh danh và khẳng định rằng: Cồng chiêng Tây Nguyên thực sự có một vị trí xứng đáng, trở thành tài sản quý giá không chỉ của Tây Nguyên, của Việt Nam mà còn là của cả nhân loại.
|
Cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh: ST
|
Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ bình thường mà nó còn là một khí cụ linh thiêng, là thông điệp giữa người và thần linh, vì bản thân nó, theo niềm tin của đồng bào, là nơi cư ngụ của các vị thần. Đồng bào trước khi đem cồng chiêng ra sử dụng thì thường có tục cúng thần chiêng, cho thần chiêng “ăn” bằng cách bôi máu của các con vật hiến sinh lên vành chiêng; sau khi sử dụng xong, người ta lại đem cất giữ bộ chiêng ở nơi kín đáo hoặc trang trọng. Tiếng chiêng ngay từ thời nguyên sơ, trong tâm thức đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng; điều đó được phản ánh rất đậm nét trong các sử thi Tây Nguyên.
Với những nét độc đáo đó, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thật xứng đáng khi được UNESCO vinh danh là “Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Người dân Tây Nguyên tự hào, nhân dân cả nước tự hào về điều đó. Nhưng bên cạnh niềm tự hào, lại đặt ra yêu cầu cấp thiết: cần phải là gì để bảo tồn, phát huy như thế nào để không gian văn hóa cồng chiêng ấy không bị mai một?
Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu cồng chiêng, biện pháp cấp bách là phải xây dựng một chương trình tổng thể về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng như: tổ chức nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng một cách có hệ thống và toàn diện; khai thác kỹ năng, kỹ thuật chỉnh chiêng, trình diễn chiêng của các nghệ nhân để lưu giữ, truyền dạy; phục hồi các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tạo môi trường diễn xướng của không gian văn hóa cồng chiêng; tổ chức, đào tạo cán bộ nghiên cứu về văn hóa cồng chiêng là người dân tộc thiểu số tại chỗ; đào tạo, xây dựng và phát triển lực lượng nghệ nhân chỉnh chiêng, chế tác, trình diễn cồng chiêng người dân tộc bản địa; tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản, để từ đó chặn đứng nạn "chảy máu cồng chiêng"; tổ chức các cuộc hội thảo, liên hoan văn hóa cồng chiêng thường xuyên, định kỳ nhằm tôn vinh giá trị cồng chiêng trong đời sống văn hóa cộng đồng…
Theo ông Hoàng Chuyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Dak Lak, thì trong những năm qua ngành VH-TT đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng như: Tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong nhân dân về giá trị di sản văn hóa cồng chiêng mà cha ông để lại; tiến hành điều tra, nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học nghiên cứu, bảo tồn, phát huy nhạc cụ dân gian… diễn tấu nhạc cụ dân tộc, hội diễn văn nghệ quần chúng… ngành phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức phục hồi một số lễ hội dân gian như: lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ bỏ mả, lễ cúng trưởng thành, lễ ăn trâu mừng được mùa… Đồng thời tổ chức nhiều lớp dạy cồng chiêng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Hầu hết những em tham gia các lớp học nầy đều biết sử dụng cồng chiêng thành thạo. Gần đây nhất, Sở Văn hóa thông tin tỉnh đã tổ chức thành công Liên hoan Văn hóa cồng chiêng tỉnh Dak Lak lần thứ V. Điều đặc biệt đáng chú ý là tại liên hoan này có sự xuất hiện của rất nhiều nghệ nhân trẻ; đây cũng chính là kết quả đạt được trong những năm qua của công tác đào tạo lực lượng kế cận tiếp nối, giữ gìn di sản văn hóa cồng chiêng của ông cha để lại.
Mùa xuân mới đang về trên vùng đất cao nguyên đầy nắng gió, bằng những việc làm thiết thực bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Dak Lak, tiếng chiêng, tiếng cồng vẫn luôn cất vang vọng và vinh danh “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” sẽ sống mãi với thời gian.
. Theo báo Dak Lak
|