Du lịch sinh thái- tiềm năng và triển vọng
15:30', 28/2/ 2007 (GMT+7)

Bải biển Sầm Sơn

Tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái ở Thanh Hóa tương đối phong phú. Thanh Hóa có hệ thống sông, hồ rải đều trên toàn tỉnh với những con sông dài như sông Mã, sông Chu và những  cửa biển đẹp như cửa Hới, Lạch Bạng, Thần Phù… những hồ nước rộng như  Sông Mực, Cánh Chìm, Thạch La, Kim Giao… Đặc biệt, Thanh Hóa có suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) độc nhất vô nhị ở Việt nam, là điểm du lịch đang thu hút được sự quan tâm của rất nhiều du khách.

Thanh Hóa còn có nhiều hang động đẹp kỳ ảo như động Long Quang (Hàm Rồng); động Ngọc Nữ, Ngọc Hoàng, Ngọc Long, Vương Mậu (Tĩnh Gia); động Hồ Công, Kim Sơn (Vĩnh Lộc); hang Con Moong (Thạch Thành); Cửa Hà (Cẩm Thủy). Đáng kể là động Từ Thức (Nga Sơn) hay còn gọi là động Bích Đào lưu lại câu chuyện huyền thoại Từ Thức gặp tiên. Những cảnh quan nổi tiếng như hòn Trống Mái (Sầm Sơn), núi Nhồi (Đông Sơn). Các bãi tắm đẹp, cát mịn độc đáo như ở Sầm Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia… Đến Sầm Sơn buổi sáng, du khách có thể chạy thể dục, ngắm mặt trời mọc và xem ngư dân kéo lưới rồi tắm biển; buổi chiều chơi thể thao hoặc lên bãi cát mịn nằm dài ngắm cảnh. Sầm Sơn chẳng những có bãi biển đẹp, lại có cả núi đá, đủ các hòn lớn, nhỏ, nằm, ngồi, chồng lên nhau muôn hình muôn vẻ, có rừng cây cho bóng mát, có đền, chùa với nhiều truyền thuyết lý thú. Ngoài bãi biển đẹp Thanh Hóa còn có cù lao Biện Sơn, cù lao Du Xuyên, có đảo Nẹ và đảo Mê. Những khu rừng nguyên sinh  rộng lớn, rừng luồng bạt ngàn và cả rừng quốc gia Bến En (Như Thanh). Với sự gắn bó giữa núi rừng và hồ, giữa cây, chim thú với nước, vườn quốc gia Bến En có thể qui hoạch mở rộng lên trên 30.000 ha. Trên một số đảo, khách có có thể dựng lều, căng bạt nghỉ ngơi qua đêm và giải trí bằng cách câu cá, bắt cua đá trong hang, hốc. Muốn tham quan hết khu rừng, hồ, du khách cũng phải mất nhiều ngày. Ngoài khu vực hồ, đảo và rừng, Bến En còn có dãy núi đá vôi với một số cụm hang động khá đẹp, còn giữ được nét tự nhiên nguyên thủy. Do cấu trúc của địa hình rừng, núi và hồ nước lớn nên khí hậu ở đây khá mát mẻ, trong lành, quanh năm có độ ẩm bình quân 85% và nhiệt độ trung bình 25 độ rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi của du khách đến tham quan, nghiên cứu suốt cả 4 mùa.

Với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, đa dạng có thể phát triển tất cả các loại hình du lịch sinh thái: sinh thái rừng, biển, hang động; sinh thái kết hợp rừng, núi, biển. Điều kiện tự nhiên đó vừa hấp dẫn khách du lịch, vừa có điều kiện để hình thành, phát triển vùng, cụm du lịch liên hoàn. Chỉ tính trong năm 2006, một số khu du lịch sinh thái như Bến En (Như Thanh) đã đón 42.700 lượt khách, tăng 15,5% so với năm 2005, doanh thu đạt 13,5 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái Pù Luông (Bá Thước) mới được hình thành cũng đã thu hút được 1.250 lượt khách, tăng 17% so với năm 2005, doanh thu đạt 9,5 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái  Sầm Sơn đón 925.000 lượt khách, tăng 23,4% so với năm 2005, doanh thu đạt 233,79 tỷ đồng và nhiều khu du lịch sinh thái khác đang thu hút nhiều khách đến tham quan và doanh thu ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch sinh thái, dường như khai thác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Hầu như các khu du lịch sinh thái đều đang trong tình trạng chưa được quan tâm và phát huy đúng mức. Cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, danh thắng có khả năng khai thác du lịch chưa được đầu tư, chậm hình thành các điểm đến du lịch. Chất lượng các dịch vụ còn thấp, sản phẩm du lịch đơn điệu, chưa đặc sắc, sức cạnh tranh hạn chế, chưa phát huy ưu thế về giá trị và tính độc đáo của tài nguyên, chưa đáp ứng nhu cầu cao  và đa dạng của thị trường, văn hóa du lịch chưa được coi trọng. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào các khu sinh thái còn ít, đa số doanh nghiệp nhỏ. Đội ngũ hướng dẫn viên còn thiếu và yếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của loại hình du lịch sinh thái hiện nay.

Nếu được khai thác tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương  du lịch sinh thái sẽ mang lại giá trị to lớn, vừa mang lại giá trị tinh thần cho du khách, vừa mang lại giá trị vật chất cho nhân dân địa phương. Trong những năm tới, du lịch sinh thái có xu hướng phát triển mạnh, trước mắt chúng ta vẫn phải  tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở đối với các khu du lịch có thế mạnh, các khu du lịch trọng điểm phát triển du lịch quốc gia; hoàn chỉnh công tác quy hoạch cụ thể và nhanh chóng triển khai các dự án trọng điểm. Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực. Phát triển du lịch sinh thái phải bảo đảm hiệu quả về kinh tế- xã hội gắn với việc bảo đảm quốc phòng- an ninh, bảo vệ tài nguyên môi trường, đặc biệt phát triển du lịch nhanh, bền vững trong mối liên hệ chặt chẽ với các ngành, lĩnh vực, đồng thời nâng cao khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

. Theo báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mùa xuân - mơ ước  (26/02/2007)
Cho vinh danh còn mãi…  (22/02/2007)
Quảng Ngãi với một nho sinh Đài Loan từ 172 năm trước  (21/02/2007)
Sức mới trên quê hương Lê Hồng Phong  (16/02/2007)
Đèn lồng phố Hội… thời gian và ánh sáng  (15/02/2007)
Thấp thoáng… Kon Tum  (12/02/2007)
Du khảo- khám phá đèo Ngoạn Mục   (06/02/2007)
Lời hẹn của mùa xuân  (02/02/2007)
Có một vùng văn hóa khố  (30/01/2007)
Thưa bóng nhà sàn   (28/01/2007)
Chuyện một nông dân ngăn sông Bến Hải  (23/01/2007)
Đô thị hóa ở Đà Nẵng- Một thập niên nhiều đổi thay  (21/01/2007)
Sư đoàn lọc dầu  (19/01/2007)
Bức tranh sáng tươi về Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo  (18/01/2007)
Xem người Cor đâm trâu  (17/01/2007)