Đứng trên chót vót hai đầu phía Tây xứ Nghệ thấy rõ con đường lên đang ngày một rộng mở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. xuân mới, lực mới sẽ sớm tới đích trên đường “Tây tiến” thực hiện khát vọng thoát nghèo.
Nói đến Kỳ Sơn, ai cũng biết là huyện rẻo cao nằm trong tốp nghèo nhất nước. Quốc lộ 7A được mở rộng nâng cấp lên tận biên giới, tuy chưa hoàn chỉnh nhưng đã thông thoáng, êm ái hơn. Khi đặt chân đến Mường Xén- nơi “đất cao, trời thấp,” thấy con đường thị trấn được giải tỏa rộng mở, những dãy nhà cao tầng, mái tân kỳ san sát mọc lên hiện rõ hình hài phố núi mới phần nào vơi bớt định kiến về một vùng biên ải đìu hiu, nghèo khó.
Qua nhiều kỳ Đại hội Đảng bộ huyện mà vẫn lúng túng trong việc đưa ra các giải pháp đưa đồng bào các dân tộc thoát khỏi nghèo đói. Và những năm gần đây, câu hỏi, sau khi xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, người dân trên những đỉnh núi chon von, vùng đất quanh năm mây phủ lấy gì để khỏa lấp khoảng trống mỗi năm 20 tỷ đồng thu nhập từ nhựa cây thuốc phiện trước đây trong khi tổng nguồn thu ngân sách hàng năm chưa vượt quá 300 triệu đồng? Theo ông Nguyễn Viết Cường, chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thì huyện đã vượt qua kỷ lục như hai năm nay thu ngân sách đạt hơn 1 tỷ đồng, trong nhiệm kỳ này Đảng bộ Kỳ Sơn đã có bước chuyển dịch lớn nhất về cơ cấu phát triển kinh tế đã xác định rõ được cây, con.
Kỳ Sơn là một trong số ít huyện ở Nghệ An và trong cả nước có điều kiện tự nhiên có thể nuôi thả cánh kiến đỏ. Cây chủ gồm phèn đỏ, pí niệng đều là loại cây mọc tự nhiên và đậu thiểu trồng xen với rẫy lúa dốc. Năm 2004 trên địa bàn có hơn 800 hộ nuôi thả, diện tích 80 ha, thu về hơn 12 tấn bạ cánh kiến đỏ, tổng giá trị hơn 300 triệu đồng. Năm 2006 diện tích nuôi thả cánh kiến đỏ đã tăng lên 100 ha, sản lượng thu khoảng 40 tấn, tổng giá trị khoảng 1,4 tỷ đồng. Từ loại đặc sản quý giá này thực sự mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân, góp phần đưa Kỳ Sơn phát triển kinh tế, ổn định và vững mạnh về an ninh quốc phòng. Huyện đã xây dựng dự án nuôi thả cánh kiến đỏ và được UBND tỉnh quyết định phê duyệt. Dự án sẽ thực hiện điểm ở 7 xã, tổng diện dích 520 ha, tổng mức đầu tư đến 2010 là trên 11 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước qua các chương trình xóa bỏ cây thuốc phiện, chương trình 135, 661 và nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, sẽ giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động. Cùng với cánh kiến đỏ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Kỳ Sơn còn phù hợp với loại cây đặc sản quý nữa là cây chè tuyết shan. Loại cây này đang được trồng khảo nghiệm trên xã Huồi Tụ do Tổng đội TNXP-XDKT Nghệ An đảm nhận. Nay mai Huồi Tụ sẽ cùng trở thành những làng chè lập nghiệp. Ngoài ra Kỳ Sơn còn phù hợp với cây sa nhân, cây mận tam hoa, đào úc và các cây dược liệu quý khác chưa được tận dụng phát triển.
Để từng bước khắc phục và chống đói nghèo có hiệu quả vững chắc, huyện Kỳ Sơn đã xây dựng 11 chương trình hành động phát triển kinh tế- xã hội- an ninh quốc phòng cho thời kỳ 2006-2010. Trong đó định hướng phát triển chăn nuôi bò hàng hóa được coi là then chốt. Đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn có truyền thống chăn nuôi bò, phần lớn là giống địa phương, đặc biệt trên độ cao 1000 m nơi khí hậu ôn hòa, bà con dân tộc Mông có giống bò quý thuộc dòng BossIndicuss. Hiện Kỳ Sơn có tổng đàn bò 24.528 con, trung bình ba con/hộ. Kỳ Sơn phấn đấu đạt tiến độ mua vào đến năm 2010 phải tạo được 5.000 con bò cái sinh sản nâng tổng đàn bò tăng thêm 15 nghìn con, giá trị thu được 45 tỷ đồng.
Bước vào cửa ngõ huyện Quế Phong cực Tây bắc đã thấy khí thế nhộn nhịp mở đường lên các vùng sâu, vùng xa, Quốc lộ 48 từ trung tâm huyện lên biên giới Thông Thụ, đường Châu Kim- Trí Lễ, những tuyến liên xã đang rộng mở lộ dần “con đường ra con đường”. Theo Bí thư huyện ủy Lô Chí Kiêm, thì Quế Phong đang đi lên từ đường, hiện trên địa bàn được nhà nước đầu tư các công trình xây dựng hạ tầng, giao thông, thủy điện… hàng nghìn tỷ đồng.
Đứng trên chót vót hai miền Tây Nam và Tây Bắc của Nghệ An mới thấy việc thực hiện Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về Phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2010 đang được chỉ đạo quyết liệt, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Kinh tế có bước phát triển khá, văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện. Hạ tầng kỹ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh quốc phòng được giữ vững… Trên nẻo đường “Tây tiến” từ nay đến 2010 còn nhiều việc phải làm, còn nhiều gian nan thử thách. Nhưng trước xuân mới, lực mới tin rằng sẽ sớm tới đích.
. Theo báo Nghệ An |