Đến Trà Linh, nghe già làng nói chuyện trồng sâm
10:33', 6/3/ 2007 (GMT+7)

Sâm giống Ngọc Linh 4 năm tuổi ở Trà Linh. Ảnh TPO

Đường lên xã Trà Linh (Nam Trà My) trong ngày nắng ấm đã khó, nhưng để cảm nhận hết về cái rét của núi rừng Quảng Nam, cách tốt nhất là có mặt tại xứ sở sâm nổi tiếng bậc nhất của nước ta vào những ngày đầu xuân. Mưa bụi, gió và lạnh có lẽ là đặc thù đang hiện hữu cả bốn mùa ở đất Trà Linh. Một ngày đi đường cả xe ôm và cuốc bộ vượt qua dốc tức thở, dốc hết hơi, dốc vỡ đầu gối (theo cách gọi của cánh xe ôm), chúng tôi mới đặt chân đến đỉnh Ngọc Linh của dải Trường Sơn hùng vĩ!

Xã Trà Linh có 4 thôn, 15 nóc, trong đó nghĩa của các nóc luôn gắn liền với đời sống tự nhiên. Chẳng hạn như nóc Măng Lùng (nghĩa là nơi ở cao trên mây), quanh năm thời tiết đều lạnh. Mùa hè nhiệt độ trung bình ban ngày chưa đến 20 độ C, đêm xuống trời rét kinh khủng. Nhiệt độ ban đêm vùng núi Trà Linh xuống còn 5-7 độ C. Sáng ra, 8-9 giờ mới nhìn thấy mặt nhau, buổi chiều mới 15 giờ sương đã giăng kín, tạo ra một khung cảnh huyền ảo. Rất lạ, mây cứ lững lờ ngay sát trên đầu người.

Mỗi lần có dịp lên công tác tại xã Trà Linh, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là nhà ông Hồ Văn Reo. Ông sinh năm 1942, tại làng Lùng Lãi, thôn 2, Trà Linh. Tham gia du kích xã từ năm 1958, ông từng đảm nhận các chức vụ như Phó Bí thư, Bí thư Huyện ủy Trà My, Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Khi về hưu ông lại quay về với núi rừng nơi ông sinh ra.

Hình như bữa ăn nào ông Reo cũng mang hũ rượu thuốc của mình ra đãi khách. Thứ rượu có màu đen thẫm, vị ngái đắng, nhưng khi uống còn vương vấn lại vị ngọt ở đầu lưỡi. Theo ông Reo thì mấy năm trước, muốn có thẩu rượu sâm để ngâm uống dần người dân ở đây kiếm rất dễ. Nhưng ba bốn năm trở lại đây đành chịu. Một lạng sâm tại địa bàn xã Trà Linh có giá bán lên đến 900 ngàn đồng, thậm chí 1,2 triệu đồng đối với sâm già có tuổi. Do đó, “ngâm được thẩu rượu phải mất cả ký sâm thì tiền đâu cho đủ. Toàn bộ số sâm ngâm trong thẩu này là của nhà tôi trồng đấy”. Theo già Reo thì trồng được củ sâm, công bỏ ra cũng không phải ít, cũng may là nhân dân ở đây đã có kinh nghiệm trong việc nhân giống cây con. Bình thường khi thu hoạch là bỏ luôn phần trên gốc, nhưng chúng tôi lại lấy phần đó để nhân cây giống mới theo cách làm này vừa tiết kiệm được thời gian vừa giúp cây giống khỏe mạnh. Ngoài ra, còn có cách nhân giống bằng hạt như kỹ thuật của Trạm dược liệu Quảng Nam thường làm. Cách làm nay hiệu quả là một lần nhân ra rất nhiều cây giống, nhưng đổi lại cần có thời gian chăm sóc cây mẹ rất dài và tốn công lao động. Riêng giai đoạn cây cho quả là vất vả nhất, vừa phải đan chụp để giữ hạt không cho chuột, sóc và chim ăn, vừa phải theo dõi thời gian quả chín để thu hoạch hạt.

Hiện nay vườn sâm trong nhân dân xã Trà Linh còn khá nhiều, nhất là thôn 2. Có điều là ít khi họ cho người lạ biết khu vực đó có sâm, bởi lẽ chống mất trộm, và cũng bởi nhân dân không có thói quen khoe của. Thường mỗi vườn sâm người dân trồng đều có biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như cắm bẫy bàn chông, bẫy thò kín cả chung quanh khu vực cần bảo vệ. Người nào mò mẫm vào có ý ăn trộm mà vướng phải bẫy là xem như dưỡng thương cả đời. Đối tượng ăn trộm sâm chỉ lấy củ, bỏ lại cây. Cây sâm mất củ nhưng cắm xuống đất vẫn cứ xanh tươi mới lạ. Khi chủ vườn ra rẫy kiểm tra thì cây sâm trong rẫy vẫn nguyên vẹn, hóa ra bên duới chỉ còn gốc, không củ!

Trên địa bàn xã Trà Linh hiện nay có gần chục quầy tạp hóa của người dưới xuôi lên dựng bán với nhiều loại hàng hóa. Phần lớn các sạp hàng đều cho dân nợ với thời gian không hạn định, miễn là khi có sâm phải đưa ra bán để trừ nợ. Chính cái cũng cách thuận mua vừa bán như trên phần nào đã làm cho cây sâm Ngọc Linh dần mai một trên địa bàn xã Trà Linh.

Gia đình ông Reo mấy năm qua đã trồng được hơn 1.000 cây sâm Ngọc Linh. Ông đầu tư vốn, một số hộ dân thôn 2 góp công để trồng. Hiện nay vườn sâm của gia đình ông đã bước sang tuổi thứ tư, nếu tất cả đều thuận lợi ít năm nữa ông thu về khá bộn tiền từ sâm. Ông nhẩm tính, thu hoạch hết vườn sâm cũng được vài chục ký sâm khô. Giá thị trường hiện nay là 9 triệu đồng/kg sâm tươi, cứ  4 kg sâm tươi cho ra một kg sâm khô. Vậy là thấy ngay tiền ấy mà.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên nẻo đường “Tây tiến”  (04/03/2007)
Du lịch sinh thái- tiềm năng và triển vọng  (28/02/2007)
Mùa xuân - mơ ước  (26/02/2007)
Cho vinh danh còn mãi…  (22/02/2007)
Quảng Ngãi với một nho sinh Đài Loan từ 172 năm trước  (21/02/2007)
Sức mới trên quê hương Lê Hồng Phong  (16/02/2007)
Đèn lồng phố Hội… thời gian và ánh sáng  (15/02/2007)
Thấp thoáng… Kon Tum  (12/02/2007)
Du khảo- khám phá đèo Ngoạn Mục   (06/02/2007)
Lời hẹn của mùa xuân  (02/02/2007)
Có một vùng văn hóa khố  (30/01/2007)
Thưa bóng nhà sàn   (28/01/2007)
Chuyện một nông dân ngăn sông Bến Hải  (23/01/2007)
Đô thị hóa ở Đà Nẵng- Một thập niên nhiều đổi thay  (21/01/2007)
Sư đoàn lọc dầu  (19/01/2007)