Đất nước ta khoảng ba phần tư diện tích là núi đồi. Ngoài vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long ở miền Nam và tỉnh Hưng Yên ở miền Bắc là không có núi, còn đâu đâu ta cũng gặp núi non trùng điệp, dăng thành, kết lũy. Hà Giang cực bắc có cả một thung lũng đá, người ta phải gùi từng vốc đất lên núi, bỏ vào hốc đá mà gieo ngô, ở Sapa còn có cả một bãi đá có nhiều hình khắc đang làm đau đầu nhiều nhà khảo cổ. Hình vẽ ấy nói gì? Đá ấy nói gì? Vẫn còn là một bí mật từ nghìn xưa để lại.
Riêng Thanh Hóa có một hòn núi nhỏ, một đôi hòn đá được phổ hồn mà sống với nhân gian, được mang tình yêu của cõi trần thế hạnh phúc và trầm luân này. Đó là đôi vợ chồng hòn Trống Mái.
Vợ chồng nhà đá ấy có mặt từ bao giờ trên bãi biển này, triệu năm hay vạn năm? Không ai trả lời. Có khi là từ khi con người biết kết đôi gọi là vợ chồng, chồng vợ thì đá cũng tìm nhau mà tự se duyên, muốn chung mặt với con người để sẻ chia Niết bàn ngay trong trần thế.
Gió biển Sầm Sơn, nắng biển miền Trung rót từ trời cao biển rộng xuống nơi này, hẳn đã chứng kiến mối tình của đá ấy bền bỉ trong yên lặng nhưng không có mối tình nào sánh được. Đá chồng và đá vợ. Khen cho ai thời xưa đã biết cách tận hưởng hạnh phúc mà đặt tên cho đá khiến cho Thanh Hóa thành đất diễm tình, thành nơi hò hẹn, thành niền hoan lạc yêu đương.
Đôi vợ chồng nào trong cõi đời này chẳng có lúc giận hờn, quay mặt đi khiến cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Nhưng chắc rằng chưa hề có ai một lần nào nghe được hòn Trống Mái cãi nhau vì ghen tuông hay giận hờn, oán trách. Đá chỉ biết yêu, chỉ một lòng yêu. Chỉ gắn bó không rời dù nắng chang chang đổ lửa ngày gió Lào hay những trận bão tố cuồng phong từ biển Đông ào ạt xô về tàn phá.
Sương nắng đã bào mòn bao nhiêu phần da thịt đá, mà đến lớp người ngày nay, hôm nay, ta vẫn thấy ai qua đây cũng muốn sờ tay vào vợ chồng nhà đá, đứng tựa vai vào đá, có khi là để lấy phước chăng, có khi là để đá cho thêm sức mạnh để yêu nhau, đá gửi hồn theo về muôn phương cho tình càng nồng đượm khăng khít dù con đàn cháu đống hay lầm lũi nhọc nhằn hiếm hoi. Và phi lao thành rừng trên bãi biển, phi lao leo lên khắp chiều dài núi Trường Lệ, phi lao ngày đêm đem dàn nhạc vĩ cầm ra hòa tấu khúc tình ca bất tử và bất tận cho giấc mơ vợ chồng nhà đá thêm say sưa đắm đuối?
Có những đêm trăng nào, người con trai và người con gái cùng nhau trèo lên núi, ngồi trong bóng đá để trao nhau lời thề chung thủy sắt son như tình đá đứng đây nghìn thu không phai nhạt?
Chiến tranh ác liệt đã đi qua, đá vẫn trơ gan mà chiến thắng, vẫn sẻ chia sức mạnh cùng con người để chúng ta cất cao bài ca tình yêu như nhạc sĩ Hoàng Việt đã viết bài Tình ca và nhạc sĩ Văn Ký viết bài ca Hy vọng.
Hòn Trống Mái không làm ra một sản phẩm cụ thể nào cho các nơi. Nhưng hòn Trống Mái làm ra một tinh thần bất tử, sánh với thời gian lồng lộng giữa không gian xanh thẳm nồng nàn.
Mỏ đá Tràng Kênh Hải Phòng làm ra xi măng, mỏ đá Kiện Khê, Hệ Dưỡng Hà Nam làm ra đá lát đường tàu và đá dựng xây. Ninh Bình có núi Gôi, Thanh Hóa có núi Nhồi… và bao nhiêu nơi khác, đá xẻ thân mình ra cho con người, từ chiếc cối xay, cối giã đến chiếc cột đền (như đền Thái Vi ở Ninh Bình), nhà thờ Phát Diệm, làm ra chiếc cầu đá vùng Kinh Bắc, có cả những đá mài cho con dao thêm sắc ngọt và đá lát đường lên núi Yên Tử vi vu trăng gió… những vật phẩm thiết thực đó thật quý từ bao đời, đến nay ta vẫn thầm cảm ơn những hòn núi đá vô danh cho ta thêm tiện nghi cuộc sống. Chỉ riêng hòn Trống Mái là không làm thế, nhưng chính hòn Trống Mái đã cho hết hồn mình cho cuộc đời ngày càng tươi tốt bền lâu. Trái đất này sẽ tuyệt diệt nếu không có tình yêu. Đó là điều chắc chắn như một định lý, một chân lý. Mà hòn Trống Mái còn sừng sững kia chính là biểu tượng vĩnh viễn và bền chắc của tình yêu nồng nàn đôi lứa, không gì chia cắt được.
Gió biển Sầm Sơn còn thổi mãi. Phi lao Thanh Hóa còn xanh rờn mãi. Tình yêu của đá còn mãi đó là điều chắc chắn như Thanh Hóa còn phát triển trong tình yêu vĩnh cửu nước non này.
. Theo báo Thanh Hóa
|