Mới đây, một đồng nghiệp ở VTV có nhờ tôi chọn cho anh một nhân vật "đặc biệt" để ra Hà Nội tham gia chương trình "Người đương thời". Gắn bó với đất Sơn Mỹ đã lâu nhưng tôi thật sự bối rối trước yêu cầu này. Chợt nhớ một câu thơ trong trường ca "Trẻ con ở Sơn Mỹ" của Thanh Thảo được viết từ hơn 30 năm trước: "Em bé này đã che đạn cho tôi/ Từ buổi sáng tôi chưa về Sơn Mỹ". "Em bé" ấy bây giờ đã là mẹ của 3 đứa con: Chị Trần Thị Oanh, 47 tuổi, "1 trong 3 người còn lại" trong trí nhớ của nhiều người khi nhắc đến vùng đất đau thương này.
|
Ngôi nhà của chị Trần Thị Oanh. Ảnh: T.Đ
|
Thật ra, những người còn lại qua vụ thảm sát đẫm máu ngày ấy không chỉ có 3. Sở dĩ tôi chọn 3 người là vì họ quá đặc biệt: Chị Võ Thị Liên, người thay mặt cho nhân dân Việt Nam từng đi khắp năm châu bốn biển thời chiến tranh để tố cáo tội ác của giặc Mỹ, giờ thành người thiên cổ từ 13 năm qua. Anh Võ Ba, cậu bé sống sót trong vũng máu được 3 viên phi công Mỹ cứu thoát, từng bị lãng quên trong tù tội sau một lần trót dại, nhờ có mấy bài báo mà Ba trở thành người lương thiện đã 9 năm nay. Và người thứ 3 là chị Trần Thị Oanh-người duy nhất trong ba người còn lại kia hiện vẫn trụ với Sơn Mỹ. Không được "lên truyền hình" ồn ã như chị Liên hay anh Ba, chị Oanh lặng lẽ như củ khoai lang vùng cát Sơn Mỹ. Củ khoai lang ấy thầm lặng tỏa sáng và thắp lên bao hy vọng cho những người đàn bà nghèo vùng cát Sơn Mỹ. Chị là người phụ nữ mẫu mực về sự bền lòng. Nói như nhiều người dân Sơn Mỹ khi nhắc đến chị: "Đó là người đã biến cát thành cơm!".
Nhớ một buổi sáng bên rổ khoai lang
Tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ còn lưu giữ một trong những tấm ảnh thật ấn tượng: Cánh tay của một bà cụ bị đạn bắn toác một mảng khá lớn. Vết thương đã lành nhưng khuôn mặt của cụ thì vẫn chưa hết căm giận khi chỉ vào vết thương ấy. Đó là cụ Đốc, bà nội của Trần Thị Oanh. Một cựu binh Mỹ đã trở lại Sơn Mỹ sau ngày giải phóng và ghi lại hình ảnh này. Nhắc đến bức ảnh ấy, chị Oanh như đắm chìm trong dòng hồi tưởng khi nhớ về cái buổi sáng khủng khiếp nọ: "Lúc ấy (16.3.1968), tôi 8 tuổi, chưa làm quen với sách vở nhưng có thể phân biệt rất rõ tiếng nổ của các loại đạn. Từ sáng sớm, tôi đã nghe những tiếng nổ khác lạ nhưng cả 8 người trong gia đình tôi vẫn quây quần bên rổ khoai lang. Khi tiếng quần đảo của bầy trực thăng vừa dứt, tiếng rầm rập của giày đinh đã ập vào cổng ngõ. Từng loạt đạn từ những họng súng đen ngòm đã bắn xối xả vào những người ngồi quanh rổ khoai. Cha mẹ và những đứa em tôi lần lượt gục đổ. Bà nội bị nát một cánh tay còn tôi thì bị đứt nửa bàn chân. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu vì sao mình lại có thể sống sót trong một màn kịch giả vờ chết cùng với người bà…". Tôi cố lái câu chuyện sang một hướng khác: "Bây giờ chị kể chuyện vui đi. Chẳng hạn như chuyện bằng cách nào mà chị trở thành một trong số rất ít người giàu có nhất làng này? Hoặc như chuyện thằng con trai của chị học đại học trong Sài Gòn quanh năm suốt tháng cứ xăn quần móng lợn?". Chị Oanh chùi nước mắt: "Quên cái buổi sáng ấy là có tội với đồng bào mình. Gần chục năm nay, gia đình tôi đã từ giã ăn khoai lang rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh đứa em gái của mình vào cái buổi sáng khủng khiếp ấy. Nó đã tắt thở nhưng trên miệng còn ngậm một mẩu củ khoai! Tôi đã lớn lên bằng những chiếc củ khoai thấm máu của vùng cát này. Quên sao được".
|
Chị Trần Thị Oanh. Ảnh: T.Đ
|
"Tay không bắt giặc"
Nhiều người dân Sơn Mỹ ví cái gia sản mà chị Oanh có được hôm nay bằng câu nói cửa miệng thời chiến tranh: "Tay không bắt giặc". Sau giải phóng, những mẩu củ khoai vùng cát Sơn Mỹ chỉ đủ nuôi Oanh học đến lớp 4. Cụ Đốc đã ngoài 70. Oanh ngoài 20 mà khẳng khiu như cây sậy. Bấy giờ, ở làng bên có anh Đoàn, thấy Oanh côi cút mà chăm chỉ nên đem lòng thương. Rồi họ lấy nhau. Chị Oanh nhớ lại: "Ngày nào anh ấy cũng xuống sông Kinh mò cua đổi gạo. Cua rồi cũng hết. Nhà lại thêm đứa con. Tôi thì dặt dẹo, tay chân không lành lặn để bươn chải bán buôn như người ta được. Phía bên chồng có đến 12 người con nên cũng không giúp được gì ngoài mảnh vườn cỏn con cùng ngôi nhà tranh mà nắng mưa gì cũng dột. Ý định rời làng vào Nam kiếm sống đã nhiều lần thôi thúc vợ chồng tôi. Những lúc quẩn bách như thế, hình ảnh chiếc rổ khoai lang dạo nào lại hiện về. Tôi trấn an chồng: "Sống chết gì mình cũng bám lấy vùng cát này!". Nói xong điều ấy, tôi quày quả về nhà người chị họ vay tạm mấy ang lúa, đem bán và mua vịt nuôi. Vợ chồng con cái thì ăn khoai, còn cơm thì nhường cho vịt! Cứ lấy ngắn nuôi dài, từ vài chục rồi vài trăm, giờ thì tôi có cả nghìn con vịt. Không chỉ có vịt thịt mà cả vịt đẻ nữa". Nói đến chuyện nuôi vịt của vợ chồng chị Oanh, dân Sơn Mỹ ai cũng ngã mũ chào. Ví như chuyện anh Đoàn-chồng chị- có thể ngâm mình trong nước hết ngày đến đêm để mò cua bắt ốc nuôi vịt đẻ. Hay chuyện chị Oanh ngồi thâu đêm bên chòi vịt để nhặt hàng trăm quả trứng rồi phân loại để kịp bán buổi chợ mai. Hình như họ không hề có khái niệm về thời gian. Hết mùa nuôi vịt lại xoay sang làm vườn. Ba sào đất nhà chị như cũng vã mồ hôi theo người đàn bà tần tảo này. Ngồi đợi các phóng viên truyền hình ghi hình có vài chục phút tại Nhà chứng tích Sơn Mỹ mà chị cứ nhắc nha nhắc nhỏm như lửa đốt vì đàn vịt đang đợi chị ở nhà, vì đám lúa đang cắt dở đợi chị ngoài đồng. Chị bảo rằng tranh thủ gặt sớm đám lúa để kịp trồng bí đao. Năm ngoái, vợ chồng chị cũng "tranh thủ" như vậy để trồng khổ qua, kiếm trên 8 triệu bạc, đủ mua một chiếc vi tính cho thằng con trai đầu đang học đại học tin học ở Sài Gòn. Sơn Mỹ là vùng đất cát, một trong những nơi nghèo nhất tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người ví von rằng để có một cái củ khoai, người dân vùng cát này phải đổi cả bát mồ hôi. Vì vậy, kiếm được 8 triệu đồng trên một sào đất, hẳn mồ hôi của vợ chồng chị Oanh không thể đong bằng bát được. Cũng như mỗi năm gia đình này kiếm được 70 triệu đồng từ nuôi vịt và làm ruộng, mồ hôi của họ cũng không thể nào đong đếm được.
|
Khách nước ngoài tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh: T.Đ
|
Mơ ước của người mẹ
Chị Oanh nói: "Đời tôi có hai mơ ước lớn: Một là được nhìn thấy mái nhà mình lợp ngói rồi chết cũng được. Hai là con mình được học hành đến nơi đến chốn. Nhà ngói thì thấy rồi, xây gần 100 triệu đấy, nhưng chưa thể "chết" được vì mới có một cháu vào đại học. Hai đứa còn đang học phổ thông". Nghe chị Oanh nói có đứa con đang học đại học tại Sài Gòn, lại học vi tính, tôi "bám" theo: "Anh chị hướng cho cháu học vi tính?". Chị bẽn lẽn: "Tôi có biết vi tính vi toán gì đâu mà hướng cho nó. Vợ chồng tôi chỉ có mỗi một việc là chúi mặt xuống đất mà cuốc . Chỉ dặn con điều này: Cố gắng học để khỏi chúi mũi xuống đất như cha mẹ. Vậy thôi". Như sực nhớ ra điều gì, chị Oanh khoe với chúng tôi: "Cháu nó mới học vi tính mà tính toán giỏi lắm các anh à. Thấy nó đi xe đạp đến trường quá vất vả vì nhà trọ ở xa, cha nó gợi ý là mua cho cháu một chiếc xe máy. Nó chối đây đẩy và chi li với vợ chồng tôi thế này: Đi xe máy phải tốn thêm tiền mua xăng, khi bị công an phạt phải mất 200 ngàn, mỗi lần gửi xe phải mất 3 ngàn; còn xe đạp thì không tốn xăng, tiền gửi xe cũng ít hơn, các chú công an cũng dễ "tha" cho nếu chẳng may phạm luật giao thông!". Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước phép tính này của chàng sinh viên 19 tuổi. Đúng là mang "tinh thần vùng cát Sơn Mỹ" vào đất Sài Gòn! Tôi trêu chị Oanh: "Hai mơ ước lớn của đời chị cũng gần đạt rồi. Lúc nãy chị bảo rằng hồi anh chị mới gặp nhau, cả nhà ăn khoai còn cơm thì nhường cho vịt. Giờ thì sao?". Chị cười xòa: "Giờ thì cả người và vịt đều ăn cơm. Thi thoảng, người còn ăn thịt vịt nữa. Nếu không bận, tôi mời mấy anh một bữa thịt vịt!". Nói rồi, chị xăm xúi đi về phía chuồng vịt. Chúng tôi vội cuốn máy móc lại rồi nhanh chóng lên xe. Sợ mấy chú vịt nhà chị chết oan. Lại nhớ đến "bài toán" của thằng con trai nhà chị khi nó từ chối một chiếc Wave Alpha mới cứng mà bố nó dự định mua cho nó chỉ vì tiền gửi xe đạp một lần chỉ tốn 1.000 đồng, còn xe máy phải tốn đến 3 ngàn. Một con vịt nhà chị trị giá bằng 30 ngày gửi xe đạp của chàng sinh viên con chị!
|