|
Cây cao su ở huyện Sa Thầy. |
Đầu năm mới 2007, chúng tôi trở lại Sa Thầy, đến thăm những tỷ phú "chân đất", những người mạnh dạn đi đầu trong việc đưa cây cao su vào phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Theo ông Đỗ Tấn Thành ở thôn Nhơn Nghĩa, xã Sa Nhơn bộc bạch: Những năm mới lên Sa Thầy (Kon Tum) lập nghiệp, cuộc sống của gia đình tôi thật sự khó khăn. Tôi chỉ có hai lao động chính, đất thì nhiều nhưng không biết trồng cây gì, nuôi con gì. Giữa lúc đó, Đảng và Nhà nước có chủ trương đưa cây cao su vào phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo, tôi mạnh dạn vay vốn nhà nước trồng cao su. Ban đầu tôi chỉ dám trồng một vài ha, sau thấy có hiệu quả nên đã động viên gia đình trồng thêm. Đến nay gia đình tôi đã có 5 ha, trong đó có 2 ha đang giai đoạn khai thác, trừ mọi chi phí mỗi năm gia đình tôi cũng có thu nhập 80 triệu đồng.
Có thể nói, giàu lên từ phong trào trồng cây cao su như gia đình ông Thành và nhiều gia đình khác ở xã Sa Nhơn, Sa Sơn, Ya Ly là bước đi đúng hướng và đem lại hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Sa Thầy trong những năm gần đây, góp phần vào sự phát triển vượt bậc về tình hình kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Trong đó mô hình phát triển cây cao su tiểu điền có sự đóng góp đáng kể. Năm 2001, toàn huyện có 535 ha thì đến năm 2006 đã tăng lên 2.123 ha. Nhiều xã như Sa Nhơn, Sa Sơn, Ya Ly… đã chọn cây cao su là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế. Năm 2006, toàn huyện đã trồng mới 633 ha, vượt 533 ha so với kế hoạch đề ra. Yếu tố quan trọng để tạo nên thành công này chính là nhờ sự chỉ đạo kịp thời thời và sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Địa phương đã tạo điều kiện giúp nhân dân được vay vốn mở rộng diện tích cao su; đẩy nhanh việc chuyển giao mục đích sử dụng đất cho người dân và thành lập nhóm hộ nông dân chủ chốt, mỗi nhóm có từ 3 đến 4 người. Mỗi hộ nông dân chủ chốt phụ trách từ 30 đến 40 ha cao su, có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi và tiếp thu những thắc mắc của từng hộ gia đình; hướng dẫn kịp thời về kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su cho từng hộ dân. Các hộ nông dân chủ chốt này hàng năm còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chăm sóc và khai thác cao su. Nhờ vậy việc chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân được rút ngắn về quy trình, thời gian mà đem lại hiệu quả cao, các diện tích cao su đều phát triển tốt. Một vùng chuyên canh cây cao su lớn như hiện nay chỉ đến năm 2010 toàn huyện Sa Thầy sẽ có khoảng 5.000 ha cao su được đưa vào khai thác.
Theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch Hội nông dân thì Huyện đã chỉ đạo cho Hội Nông dân vận động nhân dân chuyển hết số diện tích đất bạc màu sang trồng cao su, phấn đấu đến năm 2010 toàn huyện có 5.000 ha đất trồng cao su. Với địa hình tương đối thuận lợi, thì việc phát triển cây câo su ở Sa Thầy là một trong những bước đi đúng hướng.
Chỉ trong một vài năm tới “vàng trắng” sẽ trở thành nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ gia đình, góp phần vực dậy một nền kinh tế từ nông nghiệp lạc hậu chuyển dần sang hướng phát triển hàng hóa theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Điều đáng nói là cây cao su đã trở thành cây làm giàu của người nông dân trên mảnh đất Sa Thầy, mở ra một tương lai tươi sáng.
. Theo báo Kon Tum
|