Trăn trở con đường di sản miền Trung
14:5', 16/3/ 2007 (GMT+7)

Miền Trung có đến 5 Di sản thế giới: Đô thị cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam); Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế (Di sản văn hóa phi vật thể); Phong Nha, Kẻ Bàng (Di sản Thiên nhiên thế giới). Đây  chính là cơ hội để miền Trung đột phá trong phát triển Du lịch. Nhưng, phải làm gì để “kho báu” vô tận ấy phát huy được đầy đủ tiềm năng và mãi trường tồn với thời gian?

 

                          Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)

 

Từ Phong Nha- Kẻ Bàng, một di sản mà thiên nhiên ban tặng, 4 di sản còn lại ở miền Trung đều gắn liền với lịch sử, truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Một Di tích Mỹ Sơn huyền bí mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể  giải mã một cách chính xác và thuyết phục. Một Phố cổ Hội An cổ kính mang đậm chất Á Đông với nhiều làng nghề, lễ hội truyền thống được tái hiện để phục vụ du khách; đưa số lượng khách du lịch đến Quảng Nam lên con số hơn 1.000.000 lượt, tăng bình quân hơn 20%/năm. Một Cố đô Huế được mệnh danh là “Thiên An Môn” của Việt Nam, là Di sản Văn hóa Thế giới được công nhận sớm nhất ở nước ta với hệ thống lăng tẩm, đền đài, chùa chiền độc đáo đã tạo nên một quần thể kiến trúc hấp dẫn và Nhã nhạc Cung đình Huế, một loại hình nghệ thuật trước đây chỉ phục vụ riêng cho giới vua chúa, quan lại. Một Phong Nha-Kẻ Bàng với những hang động thạch nhũ, huyền tích lấp lánh được tạo nên bởi lịch sử địa chấn của của núi đá vôi, là một tác phẩm điêu khác khổng lồ mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, bên cạnh là Vườn Quốc gia Kẻ Bàng với những khu rừng nguyên sinh, nhiều động thực vật thuộc vào hàng quý hiếm.

Năm ngoái Cty Du lịch VN (Vitours) tại Đà Nẵng đã phối hợp với 13 hãng lữ hành tại Hà Nội và TP HCM ký kết chương trình du lịch mang tên “Happy Holiday- Hành trình Di sản miền Trung", trên cơ sở hợp tác, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm. Sự kiện có ý nghĩa này không chỉ tạo bước đột phá trong việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch VN mà còn là sự cộng hưởng cần thiết để Con đường Di sản miền Trung khai thông. Ngành Du lịch 5 tỉnh đã ngồi cùng nhau để nâng cao chất lượng phục vụ, cho du khách cảm nhận được sự thoải mái, có ý nghĩa. Sự cam kết bồi thường 200% nếu khởi hành không đúng ngày, 100% nếu chất lượng dịch vụ không bảo đảm sẽ tạo lòng tin cho du khách khi quyết định chọn miền Trung làm điểm đến.

Thời gian làm cho các công trình xuống cấp, nhưng không phải là không thể gìn giữ nó trường tồn. Di tích Mỹ Sơn trở nên hoang tàn, phần lớn do bom đạn tàn phá trong chiến tranh, song không vì thế mà không thu hút khách du lịch. Tuy nhiên các loại hình dịch vụ hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu của khách, bởi vậy họ đến tham quan Mỹ Sơn mới chỉ dừng lại ở hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”. Hiện du khách chỉ mới tham quan một góc nhỏ của tổng thể Di tích Mỹ Sơn.

Với Phố cổ Hội An, nguồn thu từ các loại hình dịch vụ đã chấp nhận được. Nhưng đáng lo là những ngôi nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng, có nhà đã sập. Mùa mưa đến thì hầu như cả thị xã ở hạ nguồn sông Thu Bồn bị chìm trong biển nước. Mặc dù đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp các ngôi nhà cổ, song vẫn chưa đủ nếu không tìm được giải pháp giảm thiểu tình trạng xâm hại do lũ lụt. Cố đô Huế với hàng loạt công trình được các nhà khảo cổ học phát hiện, khai quật làm đa dạng thêm giá trị du lịch thì vẫn còn sự thờ ơ, đáng lo ngại của con người đã xâm phạm đến nhiều công trình kiến trúc. Với Nhã nhạc cung đình Huế- Di sản Văn hóa phi vật thể thì lớp nghệ nhân am hiểu về vốn quý này chỉ còn lại rất ít và đều đã ở tuổi xế chiều.

Với Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng thì tình trạng săn bắt thú, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. “Phong Nha đệ nhất động” sẽ không được an toàn một khi khu rừng nguyên sinh che chở bị xâm phạm.

5 Di sản Thế giới là điều đáng tự hào, “ Con đường Di sản miền Trung” là cầu nối thúc đẩy nền kinh tế của khu vực phát triển. Song, bên cạnh việc khai thác một cách hiệu quả và hợp lý thì công tác giữ gìn và phát huy cũng cần đặt ra nhiều vấn dề cần giải quyết, nhất là trong công tác quản lý và nhận thức trách nhiệm của người dân.

. Theo báo Thanh Tra

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lâm Đồng- Hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển du lịch   (15/03/2007)
Những người làm cho “vàng trắng” ở Sa Thầy lên ngôi  (12/03/2007)
Người còn lại ở Sơn Mỹ  (11/03/2007)
Tình đá xứ Thanh  (09/03/2007)
“Lộc” đầu năm cho dân chài miền Trung  (08/03/2007)
Đến Trà Linh, nghe già làng nói chuyện trồng sâm  (06/03/2007)
Trên nẻo đường “Tây tiến”  (04/03/2007)
Du lịch sinh thái- tiềm năng và triển vọng  (28/02/2007)
Mùa xuân - mơ ước  (26/02/2007)
Cho vinh danh còn mãi…  (22/02/2007)
Quảng Ngãi với một nho sinh Đài Loan từ 172 năm trước  (21/02/2007)
Sức mới trên quê hương Lê Hồng Phong  (16/02/2007)
Đèn lồng phố Hội… thời gian và ánh sáng  (15/02/2007)
Thấp thoáng… Kon Tum  (12/02/2007)
Du khảo- khám phá đèo Ngoạn Mục   (06/02/2007)