Nghệ An khai thác giá trị di tích- danh thắng phục vụ du lịch
16:29', 22/3/ 2007 (GMT+7)

Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng ở Xứ Nghệ còn là nơi có nhiều thắng cảnh đẹp (Cửa Lò, hang Bua,  thác Sao Va, thác Khe Kèm…). Những sinh hoạt văn hóa, lễ hội hàng năm gắn với các di tích như Lễ hội đền Cuông, đền Cờn, đền Quả, đền Bạch Mã, đền Hoàng Mười… đã mang đến cho người dân xứ Nghệ nói riêng, cho du khách cả nước nói chung những “món ăn tinh thần” hấp dẫn.

Thị xã biển Cửa Lò là một trong những địa phương có vị trí địa lý thuận lợi nhất tỉnh Nghệ An cho việc đầu tư phát triển du lịch. Theo ông Phan Công Lưu, Phó Chủ tịch UBND thị xã thì Cửa Lò có nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền Nguyễn Sư Hồi, đền Thu Lũng, chùa Lô Sơn, nhà thờ Nguyễn Xí, đền Mai Bảng và các danh lam thắng cảnh đẹp như núi Quân Tùng, núi Lò, đảo Lan Châu, núi Rồng, Hòn Ngư, Hòn Mắt, núi Cờ, núi Gươm… Đặc biệt, đảo Ngư có ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng và tiềm năng du lịch phong phú đang kêu gọi thu hút đầu tư… Những năm qua, Cửa Lò đã biết phát huy khai thác tiềm năng di tích- danh thắng để phát triển du lịch. Hiện Cửa Lò đã hình thành nhiều tuyến, tour du lịch với các vùng phụ cận như: Tuyến du lịch trên biển, trên sông (Cửa Lò theo sông Lam qua các di tích lịch sử văn hóa như núi Dũng Quyết, mộ Vua Mai, đền Hoàng Mười, Cửa Lò- Nghi Thiết- đền Cờn; Cửa Lò- rừng bần Hưng Hòa- biển Xuân Thành; Cửa Lò-đảo ngư). Tuyến du lịch đường bộ (tuyến Cửa Lò- Vinh, Quảng trường Hồ Chí Minh, núi Dũng Quyết, khu di tích Phượng Hoàng Trung Đô, Nam Đàn- quê Bác, quê hương Phan Bội Châu, Mai Hắc Đế; Cửa Lò- Cảng- đền Nguyễn Sư Hồi- nhà thờ Nguyễn Xí- đền thờ An Dương Vương…). Tháng 9-2006, Cửa Lò đã đón và phục vụ 1.000.000 lượt khách đạt 100% kế hoạch, trong đó khách nước ngoài trên 5.500 lượt khách.

Từ Cửa Lò, du khách đến TP Vinh không thể không ghé thăm  Quảng trường Hồ Chí Minh, đến với Thành Cổ- khu quân sự thời Nguyễn, ghé thăm Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, thăm mộ Đội Cung. Từ Vinh, trên con đường 46 về Nam Đàn, chúng ta đến với Hưng Nguyên- quê hương Cách mạng. Ngay tại trung tâm thị trấn một di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của những người con Xô Viết anh hùng- Đài tưởng niệm Xô viết Nghệ- Tĩnh 1930-1931 uy nghi, lộng gió…Trên con đường 12-9 rợp bóng cây xanh, chúng ta về với Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong. Theo đường du lịch sinh thái ven sông Lam có thể tới ngôi đến thờ ông Hoàng Mười, thời gian gần đây ngôi đền này đã thực sự là chốn tâm linh tín ngưỡng của du khách trong và ngoài tỉnh…

Đến với Nam Đàn- quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngoài khu di tích Kim Liên, du khách có thể tham quan các đền, chùa nổi tiếng, được nghe những điệu hát ví phường vải, hát dặm, thưởng thức các món ăn dân dã, đặc sản quê hương như tương, hến, bánh đúc, thịt me, cá mòi, cá rô, dê núi… Từ năm 2003, các khu di tích lịch sử văn hóa của huyện đã được đầu tư theo hướng vừa bảo tồn, tôn tạo, vừa gắn với yêu cầu phát triển du lịch như Dự án bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn với phát triển du lịch, Nhà lưu niện cụ Phan Bội Châu, dự án tôn tạo di tích Khu lăng mộ, đền thờ Vua Mai, mộ thân mẫu Vua Mai. Một số di tích khác được nhà nước hỗ trợ, các địa phương huy dộng vốn từ cấc nguồn đã đầu tư tôn tạo lại, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan như: mộ La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, đình Trung Cần, đền Nhạn Tháp, đền Nậm Sơn, chùa Đức Sơn (Vân Diên), đình Hoành Sơn (Khánh Sơn)… đã thu hút du khách đến với Nam Đàn ngày càng đông.

Theo ông Hoàng Trung Châu, giám đốc Sở Du lịch thì Nghệ An đã biết khai thác giá trị di tích danh thắng để phục vụ nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn. Để phát huy hơn nữa tiềm năng của tỉnh, thời gian tới ngành du lịch cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch và bổ sung quy hoạch cụ thể phát triển du lịch TP Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn… để thu hút khách, đặc biệt là khách quốc tế. Trong đó tập trung khai thác du lịch Vườn quốc gia Pù Mát (tổ chức các tour du lịch trên sông Giăng đến bản Cò Phạt, bản Tùng Hương, rừng cây Pơmu, làng ghề dệt thổ cẩm Yên Thành, Lục Dạ). Nghiên cứu các lễ hội và tập tục sinh hoạt văn hóa các dân tộc Quỳ Châu- Quế Phong để khai thác tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn…

. Theo báo Nghệ An

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lâm Hà với nghề trồng dâu, nuôi tằm  (20/03/2007)
Trăn trở con đường di sản miền Trung   (16/03/2007)
Lâm Đồng- Hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển du lịch   (15/03/2007)
Những người làm cho “vàng trắng” ở Sa Thầy lên ngôi  (12/03/2007)
Người còn lại ở Sơn Mỹ  (11/03/2007)
Tình đá xứ Thanh  (09/03/2007)
“Lộc” đầu năm cho dân chài miền Trung  (08/03/2007)
Đến Trà Linh, nghe già làng nói chuyện trồng sâm  (06/03/2007)
Trên nẻo đường “Tây tiến”  (04/03/2007)
Du lịch sinh thái- tiềm năng và triển vọng  (28/02/2007)
Mùa xuân - mơ ước  (26/02/2007)
Cho vinh danh còn mãi…  (22/02/2007)
Quảng Ngãi với một nho sinh Đài Loan từ 172 năm trước  (21/02/2007)
Sức mới trên quê hương Lê Hồng Phong  (16/02/2007)
Đèn lồng phố Hội… thời gian và ánh sáng  (15/02/2007)