Thăm các di tích lịch sử cách mạng trên quê hương Quảng Bình
15:40', 27/3/ 2007 (GMT+7)

Động Phong Nha (Quảng Bình)

Những di tích lịch sử trên quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” đã trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, rồi chiến tranh, vật đổi sao dời, nhiều di tích không còn được nguyên vẹn như xưa, nhưng vẫn còn đây chiến khu Trung Thuần, địa đạo Văn La, chiến khu Thuận Đức, đình làng Kim Bảng… Giữa thời gian giao hòa cũ mới, đã có sự đổi thay diệu kỳ của những vùng đất vốn giàu truyền thống cách mạng này…

Đình làng Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt ngày nay thuộc thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa ở phía nam Quy Đạt, cách trung tâm huyện lỵ Minh Hóa chừng 8 km. Đình làng Kim Bảng được xây dựng vào năm 1924 và hoàn thành năm 1925. Đình làm bằng gỗ, mái lợp tranh, nền đất bao gồm có đình Tiền và đình Hậu. Trong kháng chiến chống Pháp, đình bị máy may địch bắn cháy. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình lại bị thiêu rụi dưới sức tàn phá của bom na pan. Nay đình được trùng tu xây dựng lại hoành tráng ngay trên nền đất cũ…

Di tích lịch sử đình làng Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Nơi đây ngày 19-5-1949 đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II, chuẩn bị cho phong trào “Quảng Bình quật khởi” tạo bước ngoặt trong kháng chiến chống Pháp của quân và dân Quảng Bình. Hang lèn Cây Quýt được sử dụng trong những ngày diễn ra Đại hội II. Tháng 9-1964, Hội nghị quân chính của Sư đoàn 325A cũng được tổ chức ở đây trước lúc vào Nam chiến đấu. Năm 1968, lễ mừng công bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của Đế quốc Mỹ trên toàn miền Bắc diễn ra tại nơi này. Quân và dân Quảng Bình sau Đại hội II, làm nên một cao trào “Quảng Bình quật khởi”, đánh 120 trận, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm binh lính Pháp cùng bè lũ tay sai, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, giải tán 225 ban hội tề, hệ thống ngụy quyền bị quét sạch nhiều nơi, vùng giải phóng được mở rộng.

Trung Thuần thuộc xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch), là một thung lũng bao kín xung quanh trùng điệp núi non. Theo các thư tịch cổ như “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thì Trung Thuần từng là kinh đô của người Chăm với những di tích còn sót lại như: lũy cổ Hoàn Vương, phế thành Lân Ấp, mộ cổ Hoàn Vương… Thời kỳ tiền khởi , Trung Thuần trở thành hậu cứ của lực lượng kháng chiến huyện Quảng Trạch và lực lượng vũ trang phía bắc tỉnh Quảng Bình. Trong kháng chiến chống Pháp, rừng núi Trung Thuần, căn cứ  địa vững chắc cho bộ đội đánh Pháp. Từ núi rừng Trung Thuần, Đại đội 365 xuất quân phối hợp với các địa phương, bộ đội chủ lực đánh tan hệ thống đồn bốt của địch. Huyện Quảng Trạch là mảnh đất được giải phóng đầu tiên trong tỉnh Quảng Bình vào tháng 5-1952. Mỹ xâm lược miền Nam, Trung Thuần là hậu cứ vững chắc, quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi sơ tán của các cơ quan quân sự, dân sự huyện Quảng Trạch, hậu cứ của đơn vị B 70. Tháng 4-1971, từ chiến khu Trung Thuần, Thượng tướng Hoàng Văn Thái-Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam làm lễ xuất quân mở đầu cho chiến dịch Nam Lào. Sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh quân đội chọn làm nơi tổng kết chiến thắng Đường 9- Nam Lào. Trung Thuần là hậu phương trực tiếp của tỉnh Quảng Bình, Quân khu IV, miền Bắc XHCN đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Lật lại những trang sử hào hùng của huyện Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều địa danh như bến phà Long Đại, tọa độ lửa Quán Hàu, ngầm Vĩnh Tuy, Thu Thừ, Dinh Thủy, địa đạo Văn La thuộc xã Lương Ninh.

Mỹ mở rộng quy mô đánh phá miền Bắc, Quảng Bình trở thành nơi hứng chịu mọi thứ bom đạn với quy mô, cường độ ác liệt và tàn bạo với hàng bậc nhất của cả nước. Thôn Văn La đã huy động nhân dân cùng hàng ngàn ngàn ngày công, trong suốt nhiều năm tiến hành đào địa đạo. Địa đạo Văn La hoàn thành có chiều dài trên 150 m, sâu dưới lòng đất từ  5 đến 10 m, cao 1,8 m và rộng 1,5 m. Địa đạo trở thành nơi trú ẩn cho khoảng 400 người, chủ yếu là người già và trẻ em. Địa đạo Văn la trở thành một công trình trú ẩn tập thể vững chắc và độc nhất trong toàn tỉnh Quảng Bình.

Những vùng đất vốn giàu truyền thống cách mạng này bây giờ đang thay da đổi thịt từng ngày. Từ khi thống nhất Tổ quốc đến nay thời gian trên 30 năm. Người dân với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, chung lưng đấu cật để xây dựng quê hương ngày một đổi mới, mạnh giàu hơn. Cây ngô đồng của Tướng Đồng Nguyên trồng tại chiến khu Trung Thuần năm xưa giờ đang tràn sức sống mới, vươn mình lớn dậy giữa đất trời.  Chiến khu xưa nay là con đập nước lớn đưa nước về cho cánh đồng rộng của ba xã Quảng Thạch, Quảng Phương và Quảng Lưu. Đình Kim Bảng nằm giữa mướt xanh của ngô và màu ngói đỏ của những ngôi nhà mới. Địa đạo Văn La vòm cửa mặt ngó ra cánh đồng ruộng lúa. Giữa thời gian giao hòa cũ- mới, tự hào thay quê hương Quảng Bình.

. Theo báo Quảng Bình

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mảnh đất bên dòng Sêrêpôk huyền thoại  (25/03/2007)
Nghệ An khai thác giá trị di tích- danh thắng phục vụ du lịch  (22/03/2007)
Lâm Hà với nghề trồng dâu, nuôi tằm  (20/03/2007)
Trăn trở con đường di sản miền Trung   (16/03/2007)
Lâm Đồng- Hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển du lịch   (15/03/2007)
Những người làm cho “vàng trắng” ở Sa Thầy lên ngôi  (12/03/2007)
Người còn lại ở Sơn Mỹ  (11/03/2007)
Tình đá xứ Thanh  (09/03/2007)
“Lộc” đầu năm cho dân chài miền Trung  (08/03/2007)
Đến Trà Linh, nghe già làng nói chuyện trồng sâm  (06/03/2007)
Trên nẻo đường “Tây tiến”  (04/03/2007)
Du lịch sinh thái- tiềm năng và triển vọng  (28/02/2007)
Mùa xuân - mơ ước  (26/02/2007)
Cho vinh danh còn mãi…  (22/02/2007)
Quảng Ngãi với một nho sinh Đài Loan từ 172 năm trước  (21/02/2007)