* Ghi chép của Trần Đăng
Đến hôm nay, cả bốn thí sinh chinh phục đỉnh Olimpia lần thứ 7 vào ngày 1-4 tới đã sẵn sàng lên đường. Trong bốn em “leo núi” năm nay có một đại diện của miền Trung. Đó là em Lê Viết Hà, học sinh lớp 12 chuyên toán, Trường chuyên Lê Khiết tỉnh Quảng Ngãi. Trước khi bố con em Hà lên đường ra Hà Nội, họ đã “bị” các nhà báo “quần” cho nhừ xương.
|
Cha con Lê Viết Hà trước khi lên đường ra Hà Nội. Ảnh: T.Đ
|
“Nhưng mà vui ông à”. Anh Lê Viết Chữ , bố em Hà, nói với tôi như vậy. Anh rất hài lòng khi bị quấy rầy như thế suốt mấy ngày qua. Hết VTV về làm phóng sự đến “kính thưa các loại báo” tới hóng hớt viết bài, đưa tin. Ba năm qua, ông Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi luôn “dọa” trên tivi là sẽ làm lại con đường Chu Văn An (Trường chuyên Lê Khiết nằm trên con đường này) cho thật hoành tráng nhưng cho đến một tuần trước đây, Chu Văn An vẫn là con đường tồi tệ nhất TP Quảng Ngãi khiến người dân phải đổi lại tên đường thành “đường Tạ Quế-tệ quá!”. Thế mà hai ngày qua, hay tin “tỉnh mình sẽ được lên tivi cho cả nước xem” nhân sự kiện VTV truyền hình trực tiếp trận chung kết “Đường lên đỉnh Olimpia” lần thứ 7, ông chủ tịch thành phố vội vàng đôn quân thúc lính sửa lại con đường. Dẫu có nhếch nhác đấy, song vẫn đỡ hơn mọi khi. Còn ông Hiệu trưởng Trường chuyên Lê Khiết thì “vung tay” mời những … 2.000 khách, đặt cơm hộp ăn tại chỗ để “over trưa” luôn giữa sân trường! Thế mới biết, cuộc thi năm nay có ý nghĩa như thế nào đối với Quảng Ngãi-một địa phương mà khi đưa vào câu hỏi để “đố” các thí sinh dự thi “đấu trường một trăm”, rất nhiều người không biết tỉnh này nằm ở chỗ nào! Lê Viết Hà đã “khai thông” cho khán giả VTV biết rằng cái tỉnh đìu hiu ấy cũng có những tài năng thật xuất sắc.
Cu Bủm
Anh Lê Viết Chữ rất kiệm lời khi nói về con: “Cu Bủm nó rất ngoan. Tôi chỉ theo dõi chứ không can thiệp vào chuyện học hành cũng như sở thích của nó”. “Sao gọi Hà là “cu Bủm”?”. “Lúc nhỏ, Hà rất béo, má nó gọi luôn cu Bủm!”. Truy một hồi, tôi mới biết anh Chữ sinh năm 1963 ở huyện Nghĩa Hành. Chị Hồng, vợ Chữ là người cùng cơ quan của tôi từ thời còn là Nghĩa Bình! Dạo ấy, chị Hồng là công nhân nhà in, anh Chữ là cán bộ Công ty Vận tải biển. “Rau mắm Quy Nhơn đã thành cu Bủm đấy, ông ạ!”. Chữ không nhắc nhiều về quãng thời gian ở Nghĩa Bình, anh chỉ nói ngắn gọn: “Má nó mang bầu ở Quy Nhơn, chia tỉnh ra là sinh nó ở Quảng Ngãi”. Anh không nói thì tôi cũng thừa biết cái thời khốn khó ấy nó như thế nào rồi. Cưới xong, cơ quan phân cho vợ chồng Chữ… 10 m2 nhà ở Quy Nhơn. “Nhà chật như thế mà cũng “mần” ra được thằng cu!”. Tôi tiếp lời bố em Hà: “Lại thông minh nữa. Sướng tê người, ông nhỉ?”. Hai cha con cùng cười, nhưng rất… tiết kiệm. Cu Bủm luôn tiết kiệm, từ chuyện tiêu tiền đến chuyện chơi. Anh Chữ hay rủ con đi chơi nhưng luôn nghe từ cu Bủm câu này: “Thôi, ba đi với má, con tranh thủ xem mấy cái tài liệu toán học. Đi chơi 2-3 tiếng, phí thời gian quá!”.
Đúng ngày chia tỉnh, 31.7.1989, cu Bủm chào đời tại chính quê mình. Tiếp sau đó là một chuỗi dài của những ngày “lang thang cơ nhỡ” của ba con người ấy. Khổ cực là vậy nhưng cu Bủm vẫn khỏe mạnh, lớn nhanh như… dưa. Học giỏi có tiếng. Thông minh là thế, giỏi giang là vậy, nhưng mỗi khi tôi “đụng” vào chuyện học giỏi của cu Bủm, em đều lắc đầu từ chối: “Nhiều bạn còn giỏi hơn cháu. Cháu gặp may thôi mà”. Một câu “vờ” khiêm tốn, nhưng thật đáng yêu. Ở tuổi của em Hà, việc khoe khoang về mình cũng là chuyện thường tình. Nhưng ở chàng trai này, khiêm tốn là đức tính luôn được em đặt lên hàng đầu. Không khoe khoang, không dựa dẫm, đó là hai điều có thể phát hiện ngay khi tiếp xúc với Lê Viết Hà. Cũng như Hà không muốn ai đó nói em là con ông này bà nọ. (anh Chữ hiện là giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ngãi).
May mắn
Cả 7 lần “lên đỉnh Olimpia”, Trường chuyên Lê Khiết đều có “vận động viên” của mình, nhưng chỉ lọt vào “thi quí” là … gãy. Ba năm nay, nhà trường "mài gươm luyện giáo" quyết ăn thua đủ với “đỉnh núi” này bằng cái cách của họ. Đoàn TNCS HCM nhà trường đứng ra nhận trách nhiệm “luyện gà nòi”. Một thành viên của nhóm luyện “gà” này cho biết: “Qua nhiều lần dẫn học sinh đi thi, tôi thấy yếu cố căn bản nhất vẫn là tâm lý. Vào cuộc chơi này, em nào cũng thông minh như nhau. Nhưng lên tới đỉnh thì chỉ có một. Em đó chắc chắn phải là người may mắn nhưng yếu tố căn bản nhất để leo tới đỉnh là phải có sự bình tĩnh, tự tin, ổn định về mặt tâm lý. Tổ chức thi “Đường lên đỉnh Olimpia” tại trường là cách để rèn tâm lý cho các em, một cách “luyện bơi” trong sông để lấy sức mà ra biển lớn”. Hai năm trước, trong cuộc thi cấp trường, Lê Viết Hà đã lọt vào mắt các nhà tuyển trạch của trường để lên đường chinh phục đỉnh Olimpia với bạn bè cả nước.
Tôi hỏi em Hà: “Trong các “đối thủ” cùng thi với Hà, cháu “chờn” ai nhất?”. Hà không trả lời trực tiếp câu hỏi mà lái sang chuyện khác: “Dù là cuộc thi nhưng tính đối kháng ở đây không hề có. Cháu nghĩ, ai cũng có cơ hội để vượt lên. Vấn đề là tâm lý mình có ổn định không thôi”. Nói đoạn, Hà nhớ lại kỳ thi quí cách đây mấy tháng: “Thi lần ấy có bạn Lê Quang Hải ở Cần Thơ. Xem tivi hai cuộc thi tuần và thi tháng, ai cũng biết Hải là người cực kỳ thông minh và hiểu biết rộng, cả kiến thức tự nhiên lẫn xã hội. Có lẽ đó là người mà cháu phải mướt mồ hôi mới có thể vượt qua trong một kỳ thi nghẹt thở”. Anh Chữ nhớ lại: “Lúc đó đã qua 11 giờ đêm rồi. Cu Bủm chỉ nhích hơn Hải đúng 10 điểm (230 so với 220). Chỉ cần may mắn một chút, cu Bủm sẽ thành khán giả trong ngày 1-4 tới. Tôi ngồi xem con thi mà tim như sắp vọt ra ngoài!”. Một chi tiết để nói lên yếu tố may mắn không kém phần quan trọng chút nào: Lê Viết Hà nhất cuộc thi tuần, nhất cuộc thi quý nhưng lại… nhì cuộc thi tháng. Nghĩa là đỗ vớt! Không may mắn, coi như loại ngay từ cuộc thi tháng rồi!
|
Giải nhất cuộc thi quý. Ảnh: T.Đ
|
Nhưng không “ăn may”
Một ngày của Lê Viết Hà bắt đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 11 giờ đêm. Vươn vai vài lần sau khi thức dậy là Hà ngồi ngay vào bàn học. “Đây là khoảng thời gian “dễ vô” nhất với cháu”. Hà chia sẻ kinh nghiệm học của mình. Từ lớp 1 đến lớp 12, Hà đều là học sinh giỏi. Tôi đoán là thế, nhưng anh Chữ “đính chính” ngay: “Không đâu. Hết lớp 9, tôi dẫn cháu vào TP HCM thi vào hệ chuyên toán của Đại học quốc gia TP HCM. Cháu đỗ, nhưng người ta xếp cháu vào học lớp tin. Thấy nó quá bé, lại không quen biết ai trong Sài Gòn, lại “máu” môn toán chứ không phải tin, cha con bàn bạc và thống nhất về lại quê và thi vào Trường chuyên Lê Khiết. Học kỳ một lớp 10, Hà không được xếp loại giỏi. Tôi hơi buồn một chút. Nó nói ngay: “Ba kỳ quá! Học thì cũng có lúc kia lúc nọ chứ có phải cái máy đâu mà lúc nào cũng trơn tru!”. Tôi im và nghĩ như thế là mình sai”. “Cãi” với ba là thế nhưng cậu bé này không phải tay vừa. Chỉ sang học kỳ hai của năm lớp 10, rồi suốt hai năm còn lại, Hà chẳng chịu thua bạn nào. Tôi tò mò: “Cháu có học thêm?”. Nó cười: “Chỉ học thêm chút chút môn hóa. Còn các môn khác, cháu tự học là chính”. Cách đây một năm, ba cháu “nối mạng” internet thì cũng là lúc Lê Viết Hà dính chặt với chiếc máy tính. Sưu tầm tư liệu liên quan đến các môn học, đọc tiểu thuyết, đọc cả thời sự chính trị và thời sự văn học trong nước và thế giới, hèn chi thứ gì cu Bủm cũng biết, sự việc gì cu Bủm cũng tường!
Trên bàn Hà có một tấm biển ghi dòng chữ: “Tổng giám đốc tập đoàn…”. Tôi hỏi: “Tập đoàn gì vậy?”. Hà cười: “Cháu chưa đặt tên nhưng đó phải là ngành điện tử!”. Lại hỏi: “Nếu không lên đến đỉnh lần này, Hà tính sao?”. “Cháu chẳng tính gì cả. Cháu nghĩ đây là cuộc chơi vui thôi. Không quá thua đủ với nó. Nếu được thì tốt, còn không thì cháu thi vào Đại học bách khoa TP HCM, khoa điện tử”.
Hai cha con lích kích túi xách chuẩn bị ra bến tàu. Một chị hàng xóm xoa đầu đứa trẻ trong đám người đưa tiễn: “Còn thằng này nữa, thua gì thằng cu Bủm!”. “Thằng này” ấy là cu Hà Châu, em cu Bủm, đang học lớp 7, giỏi chẳng kém gì thằng anh.
Hà khoác túi lên xe. Hiện lên trước mặt em là một đỉnh núi. Đỉnh núi ấy không hề có dấu chân của kẻ lười biếng. Cu Bủm luôn thuộc câu triết lý này.
|