Nằm dưới chân dãy núi Hoành Sơn hùng vĩ, án ngữ một vị trí quan trọng trên con đường thiên lý Bắc Nam, vịnh Hòn La hội tụ đủ mọi yếu tố có tầm chiến lược của một cửa khẩu quan trọng hướng ra biển Đông. Hầu hết các chuyên gia kinh tế khi đặt chân đến vịnh Hòn La đều có chung một đánh giá như vậy. Tiềm năng đó đã thực sự được đánh thức từ giữa năm 2003, khi UBND tỉnh Quảng Bình đã có quy hoạch xây dựng khu vực Hòn La thành khu công nghiệp(KCN) cảng biển. Từ đó đến nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà Hòn La vẫn “bình yên” bên sóng biển…Tuy nhiên, với những chính sách mới về thu hút đầu tư và quyết tâm của tỉnh, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một KCN cảng biển xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh vốn có.
Với địa thế vòng cung, mặt hướng về biển Đông, nhưng lại tránh được gió mùa Đông Bắc, vịnh Hòn La từ ngàn đời nay đã trở thành một vị trí lý tưởng cho tàu thuyền trong khu vực và quốc tế ra vào trú bão. Vịnh Hòn La có độ sâu thỏa mãn cho tàu có trọng tải lớn đi lại dễ dàng, lại không bị bồi đắp do phù sa và được che chắn bới các hòn đảo nhỏ nên nó rất bình yên kể cả mùa mưa bão. Điều kiện đó đã tạo cho Hòn La một lợi thế lý tưởng để xây dựng một cảng biển nước sâu. Không chỉ có vậy, Hòn La còn nằm ở một vị trí hết sức đặc biệt: án ngữ một vị trí quan trọng trên con đường thiên lý Bắc Nam, nằm trên trục đường 12A nối với cửa khẩu quốc tế Cha Lo, con đường ngắn nhất để đến với các nước trong khu vực.
Nhận thức được tiềm năng và tầm quan trọng của Hòn La, UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Trung ương cho mở cảng biển ở Hòn La. Và tiềm năng của vịnh Hòn La bao đời ngủ yên thực sự đã được đánh thức vào giữa năm 2003, khi UBND tỉnh đã có quy hoạch và khởi động đầu tư xây dựng khu vực Hòn La thành một KCN cảng biển với quy mô bước đầu 228 ha. KCN bao gồm: khu vực các xí nghiệp công nghiệp (dự kiến có trên 30 nhà máy), khu kho cảng, khu dịch vụ (bao gồm hệ thống các nhà nghỉ, khách sạn), khu văn phòng, khu cây xanh, công viên…Trong tương lai, KCN cảng biển Hòn La sẽ là hạt nhân của một khu kinh tế tổng hợp với diện tích gần 100 km2. UBND tỉnh đã cho phép lập quy hoạch phát triển Khu kinh tế Hòn La theo mô hình “khu trong khu”, bao gồm các khu vực chủ yếu là KCN, khu chế xuất, khu du lịch, khu đô thị..., với những chính sách thông thoáng nhằm thu hút đầu tư và tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh…Đến nay, KCN cảng biển Hòn La đã được đền bù giải phóng mặt bằng cơ bản 97,58 ha và đã hoàn thành được một số hạng mục cơ sở hạ tầng…Ngoài khu dịch vụ hậu cần và neo đậu tránh bão cho tàu thuyền nghề cá do Sở Thủy sản làm chủ đầu tư đã xây dựng từ trước, hiện nay cũng đã có 7 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào KCN cảng biển Hòn La với diện tích đã cấp và giới thiệu địa điểm hơn 40 ha (chiếm trên 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê), số vốn đăng ký trên 1.000 tỷ đồng. Đó là công ty cổ phần sản xuất lâm sản xuất khẩu Quảng Đông, Công ty cổ phần Đông Sơn, Hà Nội, Công ty cổ phần Quảng Lợi, Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy SHINEC Hải Phòng, Công ty cổ phần sản xuất, lắp ráp ô tô Nhật Lệ, Công ty T66 Export Improt Company- CHLB Đức…
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau và đặc biệt do thiếu nguồn vốn nên tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư vào KCN cảng biển Hòn La đến nay còn chậm. Tuy vậy, quyết tâm của tỉnh về tiếp tục đầu tư phát triển ở KCN cảng biển Hòn La là rất lớn. Theo ông Phan Lâm Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thì năm 2007 là năm tỉnh sẽ tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Riêng đối với KCN cảng biển Hòn La thì tỉnh sẽ tập trung ưu tiên vốn, chỉ đạo một cách quyết liệt để hoàn thành giai đoạn 1, đưa cảng biển Hòn La vào hoạt động. Việc hoàn thành và đưa Cảng biển Hòn La vào hoạt động sớm hay muộn sẽ quyết định việc kêu gọi các nhà đầu tư vào KCN cảng biển Hòn La và khai thác tốt đường 12A, tăng luồng hàng hóa XNK qua cửa khẩu Cha Lo và vận chuyển xi măng Sông Gianh qua cảng, đẩy mạnh xuất khẩu và quyết định cho việc tiếp tục đầu tư Nhà máy xi măng Sông Gianh dây chuyền 2 và quyết định của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương khi phê duyệt khu kinh tế Hòn La. Quảng Bình sẽ đẩy mạnh việc thi công công trình thủy lợi Sông Thai, vì công trình này có một ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa bảo đảm nước sản xuất nông nghiệp, vừa là nơi cung cấp nước cho KCN cảng biển Hòn La…Theo ông Phạm Hữu Lợi, giám đốc Công ty phát triển hạ tầng các KCN thì theo kế hoạch của Quảng Bình, Công ty đang tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật KCN cảng biển Hòn La nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng tốt nhất cho các nhà đầu tư. Ngoài việc được hưởng các chính sách khuyến khích, ưu đãi theo quy định của tỉnh, các nhà đầu tư còn được Ban quản lý các KCN tạo mọi điều kiện và phối hợp chặt chẽ để hoàn tất các thủ tục đầu tư một cách nhanh nhất, sớm dưa dự án vào hoạt động.
Với những chính sách mới về thu hút đầu tư và quyết tâm của tỉnh, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng Hòn La sẽ là một KCN cảng biển xứng tầm với tiềm năng và thế mạnh như kỳ vọng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà.
. Theo báo Quảng Bình
|