Xanh trên hàng rào điện tử năm xưa
11:0', 3/4/ 2007 (GMT+7)

35 năm hồi sinh và phát triển, giờ đây huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã thực sự vững bước trên con đường đổi mới. Theo đồng chí Lê Xuân Nam, Chủ tịch UBND huyện Go Linh thì trên vùng gò đồi, nơi năm xưa Mỹ- ngụy  xây dựng tuyến hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra giờ đây có hơn 10.000 ha đất được đưa vào gieo trồng hàng năm, trong đó cây lương thực chiếm trên 6.500 ha. Toàn vùng có trên 4.500 ha cây cao su, trong đó cây cao su quốc doanh gần 3.500 ha , còn lại là cao su tiểu điền, gần 400 ha tiêu, 180 ha cây ăn quả… Toàn vùng có trên 20 hộ đầu tư phát triển theo hướng trang trại, mang lại mức thu nhập từ 50 trên 100 triệu đồng/năm/trang trại. Tất cả 12 xã trên vùng gò đồi đều có mạng lưới  giao thông thuận tiện, trường học, trạm xá từng bước được kiên cố và cao tầng hóa. Hộ đói không còn, họ khá giàu ngày một nhiều hơn, trong đó có nhiều xã mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7 triệu đồng/năm…

Xã Gio Phong anh hùng là xã nằm ngay trên tuyến hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra sát cạnh Quốc lộ 1A. Gio Phong sau chiến tranh, người dân trở về quê hương với gia tài chỉ đôi quang gánh trên vai, nay đang giàu mạnh lên từng ngày. Theo Chủ tịch xã Trần Thoàn, thì ngoài 120 ha cao su đã cho khai thác của Công ty cao su Quảng Trị nằm trên địa bàn của xã, Gio Phong có diện tích đất tự nhiên do xã quản lý gần 1.300 ha, đã đưa vào khai thác, sử dụng 100% diện tích, trong đó 290 ha  lúa hai vụ, trên 100 ha cây cao su và hồ tiêu, 140 ha cây lâm nghiệp, hàng trăm ha hoa màu và cây lương thực các loại. Để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích, mấy năm qua, xã Gio Phong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi khá hiệu quả. Toàn xã có trên 200 hộ thực hiện chuyển đổi trên 50 ha đất trồng các loại cây năng suất thấp sang đào ao nuôi cá nước ngọt hoặc trồng cây mướp đắng, cây su su, cho thu nhập trên 75 triệu đồng/ha. Nhiều hộ gia đình ở thôn Lễ Môn đã đầu tư vốn phát triển kinh tế trang trại trồng trọt, chăn nuôi, thu về mỗi năm từ 30 đến 100 triệu đồng… Đây là những mô hình làm ăn mới, khơi dậy cho nhiều người cùng học tập, thi đua phát triển kinh tế. So với nhiều địa phương  khác trong huyện, xã Gio Phong tuy quỹ đất ít nhưng nhờ có những định hướng phát triển kinh tế phù hợp nên đời sống  người dân không ngừng nâng lên. Đến nay, Gio Phong đã đạt mức thu nhập bình quân đầu người 7 triệu đồng/năm, tăng trên 4 triệu đồng so với năm 2001.

Cùng nằm trên tuyến hàng rào điện tử, nơi có địa danh “con mắt thần” Cồn Tiên, sau ngày quê hương giải phóng, Gio Sơn chỉ có hơn 30 hộ trở về quê với hai bàn tay trắng. Thế nhưng giờ đây dân số của Gio Sơn lên đến 688 hộ. Đến nay Gio Sơn đã xây dựng cơ sở hạ tầng khá hoàn thiện với trên 80% số hộ có nhà xây kiên cố và bán kiên cố, mạng lưới giao thông rộng khắp, trường học, trạm xá được cao tầng hóa. Tổng sản phẩm xã hội đến nay đạt trên 12 tỷ đồng. Toàn xã có 6 ô tô, 10 xe công nông, hàng chục máy nông nghiệp các loại… Cây cao su hiện đang là thế mạnh của Gio Sơn với tổng diện tích trên 500 ha, trong đó cây cao su của Công ty cao su Quảng Trị có khoảng 400 ha, còn lại hơn 100 ha là cao su tiểu điền, hiện đã cho khai thác trên 20 ha, với mức thu nhập mỗi ngày từ nguồn “vàng trắng” này đạt trên 500 ngàn đồng/ha. Gio Sơn tuy có quỹ đất ít, khoảng 350m2/người, nhưng nhờ thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển mạnh thương mại- dịch vụ nên góp phần giải quyết việc làm cho nông dân, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 5 triệu đồng/năm.

Đi giữa Gio Linh giờ đây cứ ngỡ đất này dường như chưa hề có chiến tranh. Sự hồi sinh của vùng đất này nhanh chóng đến không ngờ. Sức lao động sáng tạo của con người vô cùng kỳ diệu và thật đáng trân trọng, kính phục. Phát huy truyền thống anh hùng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân huyện Gio Linh đang chung sức đoàn kết đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.

. Theo báo Quảng Trị

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Để có một Hòn La như kỳ vọng  (01/04/2007)
Lên đỉnh Olimpia cùng Lê Viết Hà  (28/03/2007)
Thăm các di tích lịch sử cách mạng trên quê hương Quảng Bình  (27/03/2007)
Mảnh đất bên dòng Sêrêpôk huyền thoại  (25/03/2007)
Nghệ An khai thác giá trị di tích- danh thắng phục vụ du lịch  (22/03/2007)
Lâm Hà với nghề trồng dâu, nuôi tằm  (20/03/2007)
Trăn trở con đường di sản miền Trung   (16/03/2007)
Lâm Đồng- Hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển du lịch   (15/03/2007)
Những người làm cho “vàng trắng” ở Sa Thầy lên ngôi  (12/03/2007)
Người còn lại ở Sơn Mỹ  (11/03/2007)
Tình đá xứ Thanh  (09/03/2007)
“Lộc” đầu năm cho dân chài miền Trung  (08/03/2007)
Đến Trà Linh, nghe già làng nói chuyện trồng sâm  (06/03/2007)
Trên nẻo đường “Tây tiến”  (04/03/2007)
Du lịch sinh thái- tiềm năng và triển vọng  (28/02/2007)